Friday, April 19, 2024
Trang chủNước Việt đẹpNhững chuyện kỳ bí ở hang cá thần Mường Ký xứ Thanh

Những chuyện kỳ bí ở hang cá thần Mường Ký xứ Thanh

Hàng vạn con cá nằm trong hang nước dưới chân núi với nhiều câu chuyện kỳ bí về cá chúa đeo vòng vàng, cá đổi màu theo thời tiết…

Hang cá thần Văn Nho nằm ở bản Chiềng Ban, xã Văn Nho, huyện miền núi Bá Thước, cách TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) khoảng 120km.

Hang cá nằm dựa lưng vào núi rộng khoảng 1ha, hướng mặt ra cánh đồng lớn.

Theo người dân địa phương, hang cá có từ bao giờ không ai biết, cũng không ai dám đánh bắt cá vì họ cho rằng đây là “cá thần”. Điều đặc biệt loài cá sinh sống ở đây giống với loại cá ở suối cá thần Cẩm Lương và Cẩm Liên (huyện Cẩm Thủy).

Cá ở đây có đủ loại cân nặng, từ con nhỏ li ti tới những con nặng cả chục kg; đủ màu sắc và còn biến đổi màu theo thời tiết nắng hay mưa.

Ông Hà Văn Thân (SN 1952), người sinh sống từ nhỏ tới nay ở ngay cạnh hang cá thần Mường Ký cho biết: “Hang cá có từ bao giờ không ai biết cả, tôi lớn lên đã có rồi. Trước đây khi chưa xây đập thủy lợi thì suối nước chảy thẳng ra cánh đồng mọi người có thể trèo bè đi vào trong hang (cửa rộng 4-5m) để chơi.

Ông Hà Nam Ninh, nhà nghiên cứu văn hóa Thái-Mường chia sẻ với PV về nguồn gốc hang cá thần: Theo sử sách thì cá ở đây được đô đốc Hà Công Vụ (ở Hòa Bình) nuôi khi xuống làm quan ở thành Tây Giai. Ngày gia đình làm tiệc đãi khách, có kẻ hạ độc khiến ông bị vây bắt, phải ngược sông Mã bỏ chạy. Theo dòng suối, ông đến vùng đất Chiềng Ban bằng phẳng nên thả cá vào hang. Sau này, ông Vụ được bầu làm trưởng Mường (đặt tên là Mường Ký), gia đình ông cũng được giải oan. Khi các con ông đi tìm thì phát hiện loài cá này ở hang liền nhận ra ông đang sinh sống ở khu vực này.

Ở hang cá thần này cũng truyền miệng câu chuyện kỳ bí về con cá đeo vòng vàng (cá chúa) gắn với sự tích người con gái Chiềng Ban hy sinh thân mình để đổi lấy yên bình cho bản làng. Tương truyền khi xưa nơi đây có thiếu nữ xinh đẹp, dịu dàng, giỏi dệt vải. Một ngày nọ, khi đang đi chơi ở cửa hang thì bị cuồng phong cuốn vào hang núi, tìm mãi không thấy nên mọi người tin nàng Chiềng Ban bị thuồng luồng bắt làm vợ. Đến khi mẹ mất thì nàng lại trở về chịu tang cùng chàng trai tuấn tú. Xong việc, dông tố lại nổi lên, nàng và chồng biến mất rất ly kỳ… Từ đó người dân tin rằng nàng đã hóa thân thành “bà cá chúa” có chiếc vảy màu vàng ở gần mang, tựa như chiếc khuyên tai ngày trước nàng đeo.

Phía trên hang cá, có một hang động rộng khoảng hơn 10m, người dân địa phương lập bàn thờ thần cá.

Hang động này từng là nơi trú ẩn (Sở chỉ huy) của nhà yêu nước Tống Duy Tân khi tham gia phong trào Cần Vương, chống chế độ Pháp thuộc.

Theo UBND huyện Bá Thước, hang cá thần được công nhận là Di tích danh thắng cấp tỉnh năm 2013 nhưng do chưa có nguồn kinh phí đầu tư xây dựng, việc phát triển du lịch còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, trước đây địa phương cũng có phục dựng lại lễ hội Căm Mương ở hang cá thần vào tháng 3 âm lịch hàng năm để cầu cho mưa thuận, gió hòa và mùa màng tươi tốt nhưng đến nay đã dừng do nguồn kinh phí hạn hẹp.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới