Friday, April 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiASEAN trong vòng xoáy quan hệ Mỹ - Trung

ASEAN trong vòng xoáy quan hệ Mỹ – Trung

Việc ASEAN không chọn bên trong cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung có nghĩa là khối này đang tìm kiếm sự cân bằng giữa kinh tế và an ninh.

Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ 2022.

Trung Quốc luôn có ảnh hưởng kinh tế lớn nhất đối với ASEAN, trong khi Mỹ lại có ảnh hưởng an ninh lớn nhất đối với hiệp hội kể cả hiện tại và tương lai.

Xung đột Nga – Ukraine khiến ASEAN quan tâm nhiều hơn đến vấn đề an ninh, và Mỹ là lực lượng đặc biệt quan trọng để duy trì sự cân bằng giữa kinh tế và an ninh. Hiệu ứng tiêu cực của toàn cầu hóa kinh tế đã khiến nhiều nước ASEAN rơi vào tình cảnh bị uy hiếp về kinh tế, và cách duy nhất để thoát khỏi tình cảnh khó khăn này chính là tìm cách đa dạng hóa.

Đây là bối cảnh của hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ diễn ra ngày 12-13/5, với kết quả không phải là ASEAN đưa ra sự lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc, mà là để Mỹ phát huy vai trò cân bằng an ninh.

Ảnh hưởng kinh tế từ Trung Quốc

Cả thế giới đều thừa nhận Trung Quốc có ảnh hưởng kinh tế lớn nhất đối với ASEAN. Học giả của Trung tâm nghiên cứu chiến lược ở Mỹ (CSIS) Murray Hiebert cho rằng, các nước Đông Nam Á có hai cách tiếp cận đối với Trung Quốc.

Một mặt, các nước này phụ thuộc sâu sắc vào sự trỗi dậy của đại lục để thực hiện tăng trưởng kinh tế, đồng thời mong muốn tiếp tục trao đổi thương mại với họ.

Mặt khác, các quốc gia này ngày càng quan ngại trước sức mạnh kinh tế, ngoại giao và quân sự không ngừng gia tăng, chính sách ngoại giao ngày càng tự tin và sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để phô trương thanh thế ở Biển Đông của Trung Quốc.

Trung Quốc đe dọa không chỉ ở Biển Đông. Nước này cũng đã xây dựng nhiều đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong, khiến cho nguồn nước cần thiết của các quốc gia ở hạ lưu đang phải đối diện với nguy cơ hạn hán do biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, các công ty Trung Quốc góp vốn công ty một số nước Đông Nam Á triển khai xây dựng nhiều dự án thủy điện quy mô lớn ở hạ lưu khiến môi trường xấu đi nghiêm trọng. Những đập thủy điện lớn này đã hủy hoại dòng chảy của sông Mekong, ngăn cản dòng chảy theo mùa mang theo những dưỡng chất cần thiết cho quá trình canh tác các loại cây trồng như lúa, cũng như sự sinh tồn của các loại cá.

Năm 2020, Mỹ tuyên bố khởi động quan hệ đối tác Mekong – Mỹ, cam kết tăng cường đầu tư và hợp tác vào khu vực này, đồng thời cáo buộc Trung Quốc đơn phương kiểm soát các đập lớn ở thượng nguồn sông Mekong, làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán mang tính lịch sử.

Động thái này cho thấy Mỹ đang phát huy vai trò cân bằng, khiến ảnh hưởng của nước này đối với Đông Nam Á tăng lên.

Một học giả khác chuyên về Đông Nam Á là Sebastian Strangio lại tập trung miêu tả việc Đông Nam Á đã trở thành đối tác kinh tế quan trọng của Trung Quốc và vai trò của ảnh hưởng chính trị của đại lục ở khu vực.

Do tiếp giáp về vị trí địa lý nên không có nơi nào trên thế giới có thể nhìn thấy sự trỗi dậy của Trung Quốc rõ hơn Đông Nam Á. Tuy nhiên, nước này không được chào đón ở Đông Nam Á.

Thông điệp phổ biến mà Bắc Kinh chuyển tải đến khu vực này là các nước ở trong quỹ đạo của Trung Quốc đều sẽ phát triển mạnh mẽ và các nước nằm ngoài quỹ đạo đều sẽ suy yếu.

Ưu việt của Mỹ

Theo báo cáo khảo sát do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á có trụ sở ở Singapore công bố vào tháng 1/2020, 60% số người được hỏi cho biết họ không tin tưởng Trung Quốc. Tỷ lệ này tăng đáng kể so với mức 52% trong năm 2019.

Trong số những người vừa cho rằng Trung Quốc là cường quốc kinh tế có ảnh hưởng lớn nhất, vừa cho rằng đây là cường quốc chính trị và chiến lược quan trọng nhất, phần lớn đều cảm thấy quan ngại trước ảnh hưởng ngày càng tăng của nước này.

Trong cuốn “Lý Quang Diệu bàn về thế giới và Trung Quốc”, cựu Thủ tướng Singapore nói rằng: “Mỹ có một thể chế ưu việt, năng lực cạnh tranh kinh tế mạnh mẽ. Mỹ luôn chiếm ưu thế, bởi vì xã hội của nước này là một xã hội toàn diện. Lý do quan trọng khiến Mỹ trở thành siêu cường duy nhất là do khoa học và công nghệ của Mỹ không ngừng tiến bộ, có những đóng góp rất lớn cho việc nâng cao sức mạnh kinh tế và quân sự. Trong số các cường quốc, có thể nói Mỹ là quốc gia thân thiện nhất, chắc chắn thân thiện hơn bất kỳ quốc gia mới nổi nào”…

Sự tán dương của Lý Quang Diệu đối với Mỹ đã giải thích lý do tại sao ông kêu gọi Mỹ quan tâm đến việc kiềm chế Trung Quốc ở châu Á – Thái Bình Dương khi đến thăm Mỹ năm 2009.

Ông cảnh báo nếu Mỹ không tiếp tục tham gia các vấn đề ở châu Á để kiềm chế sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc, thì có thể sẽ mất đi địa vị lãnh đạo toàn cầu.

Vào thời điểm đó, tờ “Thời báo hoàn cầu” của Trung Quốc đã đăng bài bình luận với tiêu đề “Việc Lý Quang Diệu kêu gọi Mỹ kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc khiến cư dân mạng Trung Quốc nổi giận”.

Thủ tướng Singapore đương nhiệm Lý Hiển Long đã kế thừa nhận thức chiến lược của ông Lý Quang Diệu. Năm 2020, trong bài viết đăng trên tạp chí Foreign Affairs số tháng 7/8, ông Lý Hiển Long cho biết, sự hiện diện của Mỹ rất quan trọng đối với châu Á – Thái Bình Dương, Trung Quốc vẫn không thể thay thế được vai trò an ninh của Mỹ ở Đông Nam Á.

Tháng 8/2021, tại Diễn đàn an ninh Aspen, ông Lý Hiển Long cũng nhấn mạnh, quan điểm “phương Đông trỗi dậy, phương Tây suy yếu” là sai lầm. Ông nói với người Mỹ rằng Trung Quốc không phải là Liên Xô và sẽ không biến mất. Cuộc xung đột Mỹ – Trung là thảm họa đối với thế giới.

Thủ tướng Singapore còn cho biết, nhiều quốc gia ở châu Á – Thái Bình Dương và các khu vực khác trên thế giới đều cảm thấy an tâm đối với việc Mỹ quay lại làm “mỏ neo ổn định” của trật tự quốc tế.

Chiến sự Nga – Ukraine không những đã chứng minh nhận định chiến lược của hai vị Thủ tướng Singapore đối với tình hình quốc tế là chính xác, mà còn một lần nữa cảnh tỉnh các nước nhỏ không nên quá phụ thuộc vào một nước lớn. Nước nhỏ được lợi nhiều nhất khi các nước lớn cạnh tranh ở Đông Nam Á.

Tại hội nghị cấp cao đặc biệt với lãnh đạo các nước ASEAN diễn ra hôm 12/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết hỗ trợ 150 triệu USD cho các dự án như cơ sở hạ tầng ở ASEAN. Quy mô này kém xa quy mô đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN thông qua Sáng kiến “Vành đai và Con đường”.

Tuy nhiên, việc đa dạng hóa nguồn đầu tư là lựa chọn tốt nhất đối với ASEAN. Việc Mỹ đưa ASEAN vào khuôn khổ Chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” và Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cũng là một lựa chọn có thể thay thế đối với hiệp hội.

Đối với ASEAN, cam kết an ninh lâu dài của Mỹ quan trọng hơn vấn đề kinh tế, bởi sự phát triển kinh tế của một nước đòi hỏi phải có môi trường an ninh.

Ngày 13/5, tại hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ, ông Lý Hiển Long khẳng định: “Đảm bảo cho mọi người đều được hưởng quyền tự do hàng hải tuyệt đối ở Biển Đông là chìa khóa để bảo vệ các vùng biển quốc tế trên toàn cầu”.

Tổng thống Joe Biden cho biết, cam kết của Mỹ đối với Đông Nam Á là cam kết lâu dài. Cùng với việc số lượng tàu chiến của hải quân Trung Quốc và các hoạt động xây dựng trên các đảo/đá ở Biển Đông liên tục tăng lên, Bắc Kinh chắc chắn sẽ phải đưa ra cam kết an ninh với ASEAN, nếu không chỉ có thể khiến khối màu ngày càng phụ thuộc vào sự đảm bảo an ninh của Mỹ.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới