Thursday, April 25, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTQ đẩy mạnh giám sát dữ liệu doanh nghiệp nước ngoài

TQ đẩy mạnh giám sát dữ liệu doanh nghiệp nước ngoài

ĐCSTQ đang ngày càng thắt chặt việc quản lý dữ liệu và nội dung trên Internet. Hậu quả là, nhiều công ty lớn của Mỹ buộc phải dừng cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số, hoặc tạo ra các nền tảng phục vụ riêng thị trường Trung Quốc. Các công ty nước ngoài sẽ còn phải tiếp tục đối mặt với thực tế vô cùng khắc nghiệt khi kinh doanh tại Trung Quốc.

Một phụ nữ xem điện thoại khi đi ngang qua logo của Nike bên trong một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh vào ngày 02/06/2021.

Nike ngừng dịch vụ kỹ thuật số tại Trung Quốc

Nhiều công ty Mỹ đang xem xét điều chỉnh việc cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số của họ ở Trung Quốc do chính quyền Bắc Kinh thắt chặt giám sát dữ liệu.

Điều này đã diễn ra kể từ năm 2021 khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) công bố chính sách thắt chặt quản lý an ninh dữ liệu, quyền riêng tư và nội dung Internet.

Gần đây hơn, Cục Quản lý Không gian mạng và Giám sát Thị trường của Trung Quốc đã đồng phát hành một thông báo vào ngày 09/06, yêu cầu các nhà điều hành mạng phải được chứng nhận để tiến hành các hoạt động xử lý dữ liệu, theo Shanghai Security News đưa tin vào ngày 09/06.

Ví dụ mới nhất về phản ứng của một công ty Mỹ trước các hạn chế trực tuyến ở Trung Quốc là vụ việc thương hiệu giày thể thao của Mỹ Nike ra thông báo vào ngày 08/06 rằng họ sẽ ngừng cung cấp dịch vụ ứng dụng Nike Run Club (NRC).

Ứng dụng NRC, ra mắt vào năm 2010, đã có hơn 8 triệu người dùng đăng ký ở Trung Quốc. Ứng dụng có thể ghi lại trải nghiệm tập thể dục của người dùng, bao gồm các tuyến đường chạy bộ ngoài trời và thời gian tập thể dục, đồng thời tương tác với những người khác trong các thử thách tập thể dục.

Nike cho biết thêm rằng họ sẽ tạm thời ngừng phiên bản tiếng Trung của ứng dụng SNKRS. Ứng dụng này thông báo về các đợt phát hành mới và độc quyền của Nike. Công ty này cũng hạn chế các bản nâng cấp đầy đủ của ứng dụng.

Nike không nói rõ lý do ngừng cung cấp các ứng dụng nhưng một người phát ngôn của Nike nói với CNN Business rằng công ty sẽ thiết lập một nền tảng “bản địa hóa”.

Người phát ngôn cho biết: “Chúng tôi đang tạo ra một hệ sinh thái có xuất xứ từ Trung Quốc để phục vụ Trung Quốc, đặc biệt phục vụ nhu cầu độc đáo của người tiêu dùng trong khu vực”.

Trong khi đó, Nike đang chuyển sang cung cấp dịch vụ của mình thông qua WeChat, nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất ở Trung Quốc.

Truyền thông Trung Quốc cho biết các đối thủ cạnh tranh tại Trung Quốc của Nike đối với phần mềm xã hội thể thao di động GPS, chẳng hạn như Cocoon, Joy Run và Keep, có nhiều người dùng và tài khoản hoạt động hàng ngày hơn.

Các công ty lớn của Mỹ gặp khó tại Trung Quốc về quản lý dữ liệu

Động thái này của Nike là thể hiện một xu hướng chung của các công ty lớn của Mỹ tại Trung Quốc. Gã khổng lồ Internet của Mỹ Amazon thông báo vào ngày 02/06 rằng họ sẽ đóng cửa cửa hàng sách điện tử Kindle tại thị trường Trung Quốc vào cuối tháng 06/2023.

Airbnb, công ty cung cấp dịch vụ thuê chỗ ở của Mỹ, cho biết vào ngày 24/05 rằng họ sẽ tạm ngừng tất cả các bài đăng ở Trung Quốc từ ngày 30/07.

Trước đại dịch, Giám đốc phụ trách xây dựng niềm tin của Airbnb, ông Sean Joyce, cựu phó giám đốc FBI, đã từ chức sau chưa đầy sáu tháng vào năm 2019. Ông Joyce được cho là từ chức do những tranh cãi liên quan tới việc chính quyền Trung Quốc yêu cầu công ty này chia sẻ thông tin về chủ nhà trên nền tảng.

Vào tháng 11 năm ngoái, Yahoo tuyên bố rút khỏi thị trường Trung Quốc.

“Do môi trường kinh doanh và luật pháp ngày càng thách thức ở Trung Quốc, bộ dịch vụ của Yahoo sẽ không còn có thể được truy cập từ Trung Quốc đại lục kể từ ngày 01/11”, theo một thông báo từ Yahoo.

Trước đó một tháng, LinkedIn của Microsoft thông báo họ ngừng hoạt động của phiên bản địa phương tại Trung Quốc của LinkedIn với lý do tương tự như Yahoo. LinkedIn cũng nói rằng họ đang xây dựng một trang web việc làm khác, khi đó có tên là InJobs, phù hợp phục vụ cho thị trường Trung Quốc.

“InJobs sẽ không bao gồm tin đăng mạng xã hội hoặc khả năng chia sẻ các bài đăng hoặc bài báo”, blog LinkedIn cho biết vào tháng 10.

InJob cuối cùng đã được đổi tên thành InCareer và được LinkedIn đã ra mắt vào tháng 12 cho thị trường Trung Quốc.

Trước những vụ việc này, LinkedIn đã nhiều lần bị chính quyền Trung Quốc yêu cầu giải quyết “các vấn đề an ninh quốc gia”, ví dụ như ngăn cản LinkedIn Trung Quốc cho đăng các “nội dung bị cấm”.

Gã khổng lồ xe điện Tesla của Mỹ cũng đã gặp rắc rối ở Trung Quốc trong gần một năm vì cáo buộc có vấn đề về bảo mật dữ liệu với camera trên xe của hãng.

Theo một bài báo trên The Wall Street Journal vào ngày 19/03/2021, các nhà chức trách Trung Quốc cho biết dữ liệu do các phương tiện thu thập có thể dẫn đến việc rò rỉ thông tin an ninh quốc gia, mặc dù Tesla đảm bảo rằng dữ liệu từ thị trường Trung Quốc sẽ không rời khỏi lãnh thổ nước này.

Đây được cho là lý do tại sao vào tháng 3, ĐCSTQ đã ra lệnh cho quân đội Trung Quốc và nhân viên của các doanh nghiệp nhà nước chủ chốt hạn chế sử dụng xe Tesla của họ.

Xe Tesla cũng bị cấm đến các khu vực của Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên ở tây nam Trung Quốc, trong chuyến thăm ngày 08/06 của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình.

Gần đây hơn, Reuters đưa tin rằng các phương tiện của Tesla sẽ bị cấm đi vào quận ven biển Bắc Đới Hà của Trung Quốc, nơi diễn ra cuộc họp bí mật hàng năm của lãnh đạo ĐCSTQ, trong ít nhất hai tháng kể từ ngày 01/07.

Cảnh báo đối với các doanh nghiệp nước ngoài

Bà Helen Raleigh, một doanh nhân và tác giả người Mỹ, đã viết bài báo “Khó khăn của Tesla ở Trung Quốc là một lời cảnh báo đối với tất cả các công ty phương Tây” cho tờ The Federalist vào tháng 7 năm ngoái, đề cập đến việc ĐCSTQ sử dụng nhiều quy định khác nhau để đàn áp các công ty nước ngoài.

“Một khi chính quyền đạt được những gì họ muốn, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ thấy các điều kiện thị trường đột nhiên trở nên không thể chịu đựng được. Các đối thủ địa phương của họ bắt đầu sử dụng cùng một công nghệ để cung cấp các sản phẩm và dịch vụ rẻ hơn và nhanh hơn”, bà Raleigh viết.

Bà viết: “Các cơ quan quản lý của chính quyền sẽ khiến cuộc sống của các doanh nghiệp nước ngoài trở thành như địa ngục trần gian và sự tồn tại lâu dài của họ đang gặp rủi ro”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới