Friday, April 19, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiÔng Lê Thái Sâm, người cho FLC vay 621 tỷ đồng, là...

Ông Lê Thái Sâm, người cho FLC vay 621 tỷ đồng, là ai?

Ông Lê Thái Sâm là tân Thành viên HĐQT FLC, được giới thiệu là người am hiểu sâu sắc về đầu tư, có nhiều quan hệ hợp tác với các quỹ đầu tư, tổ chức, tập đoàn lớn trong và ngoài nước.

Trong báo cáo tài chính vừa mới được công bố, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (FLC, mã chứng khoán: FLC) bất ngờ xuất hiện khoản vay 621 tỷ đồng với một cá nhân là ông Lê Thái Sâm. 4 hợp đồng vay tín chấp có thời hạn 12 tháng (lãi suất 7%/năm), được thực hiện rải rác từ tháng 4 đến tháng 6 để bổ sung và thanh toán cho các hợp đồng của FLC Faros.

Ông Lê Thái Sâm (sinh năm 1964) chính là một trong 3 Thành viên HĐQT mới của FLC, được bổ nhiệm tại phiên họp đại hội cổ đông bất thường ngày 2/7. Ông Sâm cũng là đại diện cho một nhóm cổ đông mới.

Theo bản lý lịch trích ngang mà FLC công bố, ông Lê Thái Sâm tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân TPHCM năm 1986, có hơn 30 năm kinh nghiệm hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực bất động sản, thương mại dịch vụ, tài chính – ngân hàng.

Ông Sâm cũng được giới thiệu là “người am hiểu sâu sắc về môi trường đầu tư”, kinh doanh tại Việt Nam, có vốn kinh nghiệm sâu rộng trong việc xây dựng chiến lược đầu tư, quản lý rủi ro và phân tích thị trường. Bên cạnh đó, ông Sâm có nhiều quan hệ hợp tác với các quỹ đầu tư, các tổ chức, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước.

Được biết, vị tân Thành viên HĐQT FLC từng là ủy viên HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại DIC (mã chứng khoán: DIG). Cụ thể, ông Sâm công tác tại DIC từ tháng 3/2009 đến tháng 5/2012, trước khi có đơn từ nhiệm với lý do “tập trung thời gian cho công việc kinh doanh cá nhân”.

Ngoài ông Sâm, FLC còn nhận khoản vay tín chấp khác với quy mô hơn 180 tỷ đồng từ Công ty cổ phần Tập đoàn Homeliday, lãi suất 12%/năm. Homeliday được thành lập vào năm 2019, tiền thân là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản BHS (BHS Invest) – thành viên thuộc BHS Group. Doanh nghiệp hoạt động trong mảng tư vấn phát triển bất động sản và quản lý bán hàng.

Tại thời điểm ngày 30/6, FLC có 1.534 tỷ đồng giá trị vay ngắn hạn, tăng hơn 166 tỷ đồng so với đầu năm. Đáng chú ý, FLC không còn dư nợ vay ngắn hạn tại Ngân hàng TMCP Phương Đông – chi nhánh Hà Nội (OCB Hà Nội), theo đó, thanh toán xong 573,3 tỷ đồng.

Dư nợ vay dài hạn của FLC cũng giảm mạnh xuống còn 1.380 tỷ đồng tại ngày 30/6 so với mức 3.296,3 tỷ đồng tại ngày 1/1. Trong đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – chi nhánh Hà Nội (Sacombank Hà Nội) đã thu hồi xong toàn bộ 1.240 tỷ đồng nợ vay của FLC. Sacombank còn thu hồi được 600 tỷ đồng nợ vay dài hạn của FLC.

Về kết quả kinh doanh, lũy kế 6 tháng đầu năm, FLC đạt 1.661,2 tỷ đồng doanh thu thuần, chỉ bằng xấp xỉ 40% cùng kỳ và lỗ sau thuế 1.105,7 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 63,5 tỷ đồng).

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới