Friday, April 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBao giờ cuộc chiến Nga-Ukraine kết thúc?

Bao giờ cuộc chiến Nga-Ukraine kết thúc?

Cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine đã kéo dài gần 6 tháng. Đây là khoảng thời gian quá dài mà ban đầu cả Nga, Ukraine, Mỹ và phương Tây đều không lường tới. Thậm chí ban đầu, có những “chuyên gia” cho rằng, chỉ trong vòng nửa tháng là Nga có thể “chiến thắng”, Ukraine sẽ phải khuất phục hoàn toàn.

Đến nay thì Nga ngày càng sa lầy. Một cuộc chiến ở quy mô rộng lớn hơn là điều có thể xảy ra, bởi không có cơ chế quốc tế nào kiểm soát cuộc chiến tranh này. Liên hợp quốc chỉ hoạt động trong các lĩnh vực ngoại vi. Liên minh châu Âu thì đứng hẳn về một phía. Mỹ không có khả năng đạo diễn cho cuộc chiến tranh chấm dứt theo các kịch bản của mình. Hai đối thủ chính là Nga, Ukraine cũng như vậy.

Trước thực trạng cuộc chiến có thể phải tính theo năm, hai Tổng thống Nga và Mỹ đều không mong muốn một cuộc chiến rộng lớn hơn. Dù nguy cơ thấp, nhưng một cuộc tấn công hạt nhân vẫn là kịch bản có thể xảy ra dẫn tới chiến tranh thế giới thứ ba.

Tổng thống Mỹ Joe Biden thường nói về những điều Tòa bạch ốc sẽ không làm trong vấn đề Ukraine. Rằng, Mỹ sẽ không can thiệp trực tiếp, không có những hành động phạt NATO vì tham gia vào cuộc xung đột. Và dù mặc Mỹ đang cung cấp một lượng lớn thiết bị cho Ukraine, Nhà trắng vẫn nhấn mạnh sự khác biệt giữa quyền tự vệ của Ukraine với việc người Ukraine tấn công vào nước Nga. Mỹ hỗ trợ quân sự cho Ukraine nhiều hay ít dựa trên tiền đề này.

Còn Tổng thống Nga V.Putin thì đe dọa về những hậu quả do viện trợ quân sự của đồng minh Mỹ. Những luận điệu mơ hồ của Putin thực chất chỉ là… dọa suông. Tuy Nga vẫn có đủ tiềm lực kinh tế để tiếp tục mục tiêu thay đổi chế độ ở Ukraine, nhưng quân đội Nga đang thiếu hụt nguồn nhân lực. Do vậy, bất kỳ cuộc xung đột bổ sung nào, nhất là để chống lại các lực lượng NATO được trang bị kỹ càng, cũng sẽ làm trầm trọng thêm những khó khăn.

Thời gian qua, truyền thông Nga luôn mô tả chiến tranh năm 2022 là cuộc xung đột giữa Nga và phương Tây. Cách tuyên truyền mập mờ như thế có thể đẩy tình hình đến bờ vực của một cuộc chiến lớn hơn. Rủi ro cũng có thể xảy ra do sự phản công của Ukraine. Trong khi tấn công các mục tiêu quân sự ở Nga, quân đội Ukraine có thể tính sai và đánh vào một cơ sở dân sự chính bên trong nước Nga. Đây rõ ràng là điều mà Moscow đã thực hiện mà không hề e ngại ở Ukraine, nơi mỗi ngày, các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga đang giết hại rất nhiều dân thường, trong đó có trẻ em và người già.

Bất chấp những rủi ro này, sự kiên nhẫn và bình tĩnh có thể giữ cho xung đột ở Ukraine không bùng nổ ngoài tầm kiểm soát. Điều quan trọng là Washington và các đồng minh phải xem xét tình hình một cách kỹ lưỡng. Có thể khó có bằng chứng, nhưng phản ứng của Mỹ nên được điều chỉnh bằng sự điềm đạm, chứ không nhất thiết theo kiểu ăn miếng trả miếng. Nếu không, hai bên sẽ không thể đảo ngược một chu kỳ leo thang không cần thiết.

Các nước phương Tây không thể kéo Putin khỏi những cám dỗ mở rộng xung đột. Chỉ có chính ông ta mới có thể làm được điều đó. Điều này đã khiến cho Mỹ hành động một cách thận trọng. Ở Syria, Washington đã thiết lập các kênh để dàn xếp xung đột theo hướng có lợi cho cả hai bên. Hy vọng họ sẽ tiếp tục làm vậy ở Ukraine.

Phản ứng tốt nhất để đối phó với sự khiêu khích, điều mà Putin rất thích làm, là phớt lờ nó. Điều này cũng đúng với lời đe dọa hạt nhân của Putin. Không phải lúc nào cũng cần phản bác những tuyên bố vì mục đích xấu.

Làm thế nào để tránh được một cuộc chiến lan rộng và kéo dài? Trò chuyện, đàm phán, và ngoại giao sẽ không thành công. Putin chỉ có thể bị kiềm chế bằng cách sử dụng vũ lực, nhưng việc sử dụng vũ lực chưa bao giờ không đi kèm rủi ro. Các nhà hoạch định chính sách và nhà ngoại giao của các nước đồng minh phải học cách điều hướng khi trật tự thế giới đã thay đổi.

Quân đội Nga đang phải chịu nhiều tổn thất và chịu đựng vô số ràng buộc. Trong lúc đó, chiến sự ở Ukraine sẽ liên tục làm nảy sinh những tình huống mới đáng lo ngại. Khủng hoảng do chiến tranh ở Ukraine gây ra sẽ còn kéo dài.

Tóm lại, chiến lược hiện thời của Mỹ và các đồng minh phương Tây có thể đang khiến Nga “chảy máu” nhưng sẽ ngày càng lún sâu vào những phức tạp mới, không thể nào cứu được Ukraine. Điều nguy hiểm hơn là nó tiềm ẩn nguy cơ chia rẽ thế giới thành hai phe thân và chống NATO, cũng như sự xói mòn ổn định về kinh tế và chính trị của thế giới.

Vì vậy giải pháp then chốt đối với Mỹ cùng các đồng minh và Ukraine là cam kết rõ rằng: NATO sẽ không kết nạp Ukraine nếu Nga chấm dứt chiến tranh và rút hết quân đội khỏi nước láng giềng. Các nước đồng minh với Nga và những nước không chọn bên sau đó sẽ thông báo với ông chủ Điện Kremlin rằng, do chấm dứt sự mở rộng của NATO như mong muốn, nên đã đến lúc quân đội Nga rút hết về nước. Và cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga sẽ kết thúc.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới