Friday, April 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCát cũng là 'vũ khí' để TQ trừng phạt Đài Loan

Cát cũng là ‘vũ khí’ để TQ trừng phạt Đài Loan

Trong hàng loạt các biện pháp trả đũa chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi từ phía Trung Quốc, lệnh cấm xuất khẩu cát tự nhiên gây nhiều chú ý.

Vì sao là cát tự nhiên?

Tờ China Daily dẫn thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết lệnh tạm dừng xuất khẩu cát tự nhiên sang Đài Loan có hiệu lực ngay từ ngày 3-8. Giới chuyên gia nhận định quyết định này là đáng chú ý vì Trung Quốc đại lục là nhà cung cấp nguồn nguyên liệu thô sản xuất bêtông lớn nhất cho Đài Loan. Ông Zhou Mi, nghiên cứu viên cao cấp tại Học viện Thương mại quốc tế và hợp tác kinh tế Trung Quốc tại Bắc Kinh, cho rằng việc dừng xuất khẩu cát tự nhiên trước hết sẽ gây ảnh hưởng tới các dự án phát triển cơ sở hạ tầng của Đài Loan.

Trung Quốc trước đây đã từng tạm dừng xuất khẩu cát tự nhiên tới Đài Loan vào tháng 3-2007 với lý do lo ngại tác động xấu tới môi trường, tuy nhiên sau đó 1 năm đã gỡ bỏ lệnh này. Vào thời điểm đó, theo Hãng tin Bloomberg, Đài Loan đã phải kích hoạt phương án dự phòng, bao gồm việc nhập khẩu cát từ Philippines và dùng cát sông để bù đắp nguồn thiếu hụt.

Những năm gần đây, Đài Loan đã nỗ lực cải thiện năng lực khai thác cát và tìm kiếm nguồn cung từ nhiều nơi khác. Nếu vào năm 2007, dữ liệu chính thức của Trung Quốc còn cho thấy Đài Loan nhập 90% cát tự nhiên từ Trung Quốc, thì theo dữ liệu của Cục Khai khoáng Đài Loan, trong các năm 2020 – 2021, cát tự nhiên nhập khẩu chỉ còn chiếm 0,64% và 0,75% nhu cầu nền kinh tế (450.000 và 540.000 tấn). Nguồn cung từ Trung Quốc chỉ là 70.000 và 170.000 tấn trong 2 năm đó.

Cục này cũng nói Đài Loan đã đảm bảo được nguồn cung cát cho năm 2022 bằng cách tăng sản lượng khai thác dự kiến khoảng 48,85 triệu tấn. Trang Taiwannews.com cho biết tình trạng thiếu hụt cát ở phía bắc sẽ được giải quyết nhờ tăng nguồn cung ở vùng đông bắc và tăng nhập khẩu từ Đông Nam Á.

Bà Alicia García-Herrero, kinh tế gia trưởng châu Á – Thái Bình Dương của Hãng Natixis (Hong Kong), nói với Đài Al Jazeera rằng việc Trung Quốc cấm xuất khẩu cát sang Đài Loan sẽ ảnh hưởng tới ngành xây dựng nước này – một động lực tăng trưởng quan trọng trong và sau đại dịch. “Tôi không nói đó là mặt hàng xuất khẩu chủ lực từ Trung Quốc, nhưng Đài Loan chắc chắn sẽ chịu tác động”, bà nói.

Từ cát tới linh kiện bán dẫn

Ngoài xây dựng, cát thạch anh – một loại cát tự nhiên có thành phần gồm 25% silic và tồn tại dưới dạng SiO2 – là nguyên liệu nền để sản xuất bóng bán dẫn. Hơn nữa, vì silic có thể hoạt động tốt trong nhiều nhiệt độ khác nhau nên nó có thể kết hợp với các nguyên tố khác nhau để tạo thành hợp chất cần thiết để tạo ra bộ vi xử lý.

Vì lẽ ấy, ngoài ảnh hưởng tới quá trình xây dựng và phát triển hạ tầng, việc Trung Quốc cấm xuất khẩu cát tự nhiên sang Đài Loan rõ ràng còn tiềm ẩn đe dọa ảnh hưởng tới ngành công nghiệp chế tạo linh kiện bán dẫn – ngành công nghiệp “xương sống” của nền kinh tế Đài Loan.

Vì lẽ đó, giới chuyên gia lo ngại một cuộc khủng hoảng linh kiện bán dẫn nữa đang chực chờ bùng nổ. Hãng Sản xuất linh kiện bán dẫn Đài Loan (TSMC) là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới và nhà cung ứng chính cho những hãng công nghệ khổng lồ như Apple và Nvidia.

Việc bà Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ưu tiên gặp ông Mark Liu, chủ tịch TSMC, trong chuyến thăm Đài Loan ngắn ngủi cho thấy tầm quan trọng của lĩnh vực này với an ninh quốc gia Mỹ. Nếu xung đột leo thang ở eo biển Đài Loan thì sự đứt gãy chuỗi cung ứng trong ngành này, vốn đã trầm trọng vì đại dịch và chiến sự ở Ukraine, sẽ là khó có thể tưởng tượng.

Nỗi lo khan hiếm chip đang tăng trở lại sau cuộc khủng hoảng Đài Loan. Một phân tích của Tập đoàn tài chính Goldman Sachs cho biết tình trạng thiếu hụt chip đã ảnh hưởng tới 169 ngành nghề quan trọng, bao gồm những trụ cột của kinh tế thế giới như sản xuất thép hay bêtông.

RELATED ARTICLES

Tin mới