Thursday, March 28, 2024

Đu bám giá xăng

Giá xăng dầu trên thị trường thế giới liên tục hạ nhiệt, hiện dao động trong khoảng 90 USD/thùng.

Ở thị trường trong nước, sau khi giảm 4 lần liên tiếp, giá bán lẻ xăng dầu nhiều khả năng sẽ trở về mức 22.000 – 23.000 đồng/lít xăng.

Ở thị trường trong nước, giá bán lẻ xăng dầu cũng giảm liên tiếp trong 4 lần điều chỉnh gần đây, với mức giảm mạnh chưa từng thấy (tổng cộng khoảng 6.500 đồng/lít xăng) trong vòng một tháng qua.

Người tiêu dùng những tưởng, khi xăng dầu giảm giá, thì đa phần hàng hóa, dịch vụ thiết yếu sẽ giảm theo, nhưng thực tế không phải như vậy. Dễ nhận thấy nhất là giá cả hầu hết mặt hàng không giảm hoặc có giảm đôi chút, nhưng lại không tương ứng với mức giảm giá xăng dầu, cho dù trước đó, khi tăng giá hàng hóa, cả người sản xuất lẫn người bán hàng đều đổ lỗi cho sự tăng giá xăng dầu.

Giá xăng dầu trên thị trường thế giới đã giảm mạnh và có xu hướng còn giảm trong thời gian tới. Ở thị trường trong nước, sau khi giảm 4 lần liên tiếp, giá bán lẻ xăng dầu nhiều khả năng sẽ trở về mức 22.000 – 23.000 đồng/lít xăng. Nhưng trên thị trường, nhìn chung, ít có loại hàng hóa, dịch vụ nào ăn theo giá xăng dầu chịu giảm giá sau khi tạo lập mặt bằng giá mới.

Có hàng trăm lý do được đưa ra, đại loại như giá xăng dầu mới giảm, thời gian tới chưa biết thế nào; giá xăng dầu giảm, nhưng cần có độ trễ khi tác động tới giá hàng hóa; doanh nghiệp sản xuất, phân phối, thương mại đã phải giảm lãi, thậm chí “chịu lỗ chút đỉnh”, giờ xăng dầu giảm giá cần phải có thời gian để phục hồi… Ở đây còn một lý do xem ra rất có lý, đó là dù xăng dầu giảm giá mạnh, nhưng giá nguyên vật liệu nhập khẩu (là đầu vào của sản xuất) vẫn ở mức cao, nên rất khó giảm giá bán hàng hóa cũng như giá dịch vụ.

Câu hỏi đặt ra là nguyên vật liệu nhập khẩu có phải là tác nhân khiến doanh nghiệp sản xuất, phân phối, bán buôn, bán lẻ khó giảm giá bán hàng hóa, dịch vụ? Có phải doanh nghiệp đã từng chịu giảm lãi, thậm chí không lãi trong thời gian giá xăng dầu tăng cao?

Số liệu thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, hoạt động của nền kinh tế Việt Nam hiện phụ thuộc vào 37% nguyên vật liệu nhập khẩu, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo – động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế – phụ thuộc 51%. Trong 6 tháng đầu năm, dù giá nguyên vật liệu trên thị trường thế giới tăng mạnh, nhưng theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất của toàn bộ nền kinh tế chỉ tăng 6,04% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 10%; sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,78%; xây dựng tăng 9,32%.

Nếu tính tất cả các loại chi phí (bao gồm cả xăng dầu), thì chỉ số giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ tăng 1,38%; công nghiệp tăng 4,75%; dịch vụ tăng 2,83%.

Như vậy, giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng do giá nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu tăng (lạm phát nhập khẩu) đối với nền kinh tế Việt Nam là không lớn, thậm chí còn thấp hơn rất nhiều so với mức độ tăng giá của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao hơn chỉ số giá sản xuất đã cho thấy, không ít doanh nghiệp sản xuất, phân phối, vận chuyển chưa từng phải giảm lãi, thậm chí là chấp nhận hòa vốn trong thời gian giá nguyên vật liệu, xăng dầu ở mức cao. Cũng như mỗi lần tăng giá xăng dầu trước đây, có lẽ việc phần đông nhà sản xuất, phân phối, bán buôn, bán lẻ tăng giá quá mức tăng chỉ số giá sản xuất thực ra là hành động “té nước theo mưa”.

Trước thực tế giá cả hàng hóa, dịch vụ không chịu giảm, mới đây, đích thân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phải gửi công điện cho lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá cả với một loạt nhiệm vụ “cần làm ngay”, đồng thời giao trách nhiệm quản lý, điều hành giá cả cho từng “tư lệnh ngành”. Đặc biệt, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ, việc điều hành phát triển kinh tế – xã hội thực hiện trên tinh thần 4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 không. Theo đó, duy trì 4 ổn định gồm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn; ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; ổn định thị trường; ổn định đời sống nhân dân.

Việc đích thân người đứng đầu Chính phủ trực tiếp ký công điện về điều hành giá cả (từ trước đến nay, công việc này do Phó thủ tướng phụ trách, kiêm Trưởng ban Ban Chỉ đạo điều hành giá đảm nhận) và chỉ rõ những nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành phát triển kinh tế – xã hội cho thấy, Chính phủ đã đặt công tác kiểm soát giá ngang với phát triển kinh tế, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đây là quyết định chính xác, bởi dù nền kinh tế tăng trưởng tích cực, dù hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi, dù thu nhập của người lao động có tăng, nhưng một khi giá cả hàng hóa, dịch vụ thiết yếu vẫn đắt đỏ, thì chất lượng cuộc sống sẽ không được cải thiện nhiều.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới