Friday, April 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLuận bàn về “thân phận Đài Loan”

Luận bàn về “thân phận Đài Loan”

Mãi cho đến khi Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận từ khắp “bốn phương tám hướng” quanh đảo Đài Loan thì tiếng nói của người đứng đầu là bà Thái Anh Văn và các quan chức quốc phòng của vùng lãnh thổ này mới được nghe thấy.

Mỹ đến Đài Loan một cách bất ngờ.

Ngày 4/8, thông qua MXH, văn phòng của lãnh đạo Thái Anh Văn khẳng định Đài Loan sẽ bảo vệ hòn đảo trước những mối đe dọa quân sự ngày càng gia tăng từ Trung Quốc. Đài Loan cho rằng Trung Quốc đã “vi phạm quyền tự do hàng hải quốc tế và dòng chảy bình thường của thương mại toàn cầu” khi phát động các cuộc tập trận dày đặc xung quanh đảo này.

Trước đó, khi bà Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan, người ta chỉ quan tâm đến các phát ngôn từ văn phòng Chủ tịch Hạ viện Mỹ hay tuyên bố của Bộ ngoại giao Trung Quốc, chứ ít ai thắc mắc xem bà Thái Anh Văn nói gì, dù Đài Loan đang là đối tượng chính trong câu chuyện.

Lúc bấy giờ, bên cạnh các tuyên bố coi trọng cam kết trước sau như một với Đài Loan, hay lời khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Đài Loan tự vệ từ bà Pelosi và Tổng thống Mỹ Joe Biden, người ta mới nhớ đến những quan điểm mà bà Thái Anh Văn từng đưa ra trên tạp chí Foreign Affairs của Mỹ vào cuối năm ngoái. Khi đó, bà Thái đã viết: “Và họ nên nhớ rằng nếu Đài Loan sụp đổ, hậu quả sẽ rất thảm khốc đối với nền hòa bình khu vực và hệ thống liên minh dân chủ” hay “nhưng nếu nền dân chủ và cách sống bị đe dọa, Đài Loan sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để tự vệ”. Có thể thấy, Đài Loan luôn bày tỏ ý chí tìm kiếm độc lập nhưng giữa các động thái xung đột, phát ngôn từ họ bị chìm lấp trong vô số các tuyên bố từ Mỹ hay Trung Quốc.

Bà Nancy Pelosi đến Đài Loan không xuất phát từ bất cứ lời mời chính thức nào từ Ban lãnh đạo của hòn đảo. Giới quan sát cho rằng dù được gợi ý khả năng đến đảo của bà Pelosi, nhưng Đài Loan vẫn khá bị động với chuyến ghé thăm của bà. Vậy tại sao các quan chức Đài Bắc và bà Thái Anh Văn còn trang trọng tặng huân chương danh dự cho bà Pelosi, dù biết tất cả những hành động đó sẽ đẩy tình hình an ninh Đài Loan đến ngưỡng báo động đỏ?

Thật ra, Đài Loan hẳn nhiên biết hậu quả của việc đón tiếp bà Pelosi, nhưng họ buộc phải làm như 50 năm nay đã làm, dù muốn hay không. Nếu nhớ lại quá khứ của Đài Loan, chúng ta sẽ thấy những gì đang diễn ra ngay thời điểm này khá giống với giai đoạn khủng hoảng tên lửa 1995 -1996. Khi đó, lấy cớ bài phát biểu của người đứng đầu chính quyền Đài Bắc lúc bấy giờ là Lý Đăng Huy tại Đại học Cornell (Mỹ) xâm phạm nguyên tắc “một Trung Quốc”, Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã phóng tên lửa kéo dài 8 ngày với nhiều quả rơi xuống vùng biển cách đảo Bình Giai do Đài Loan kiểm soát chỉ khoảng 65km và cách Đài Bắc chưa tới 160km. Sau đó, PLA tiếp tục phóng tên lửa lần thứ hai kết hợp với tập trận bắn đạn thật từ ngày 15 – 25/08/1995 trước khi tiến hành diễn tập tấn công đổ bộ ở tỉnh Phúc Kiến, địa bàn nằm đối diện với Đài Loan vào tháng 11 cùng năm.

27 năm trước, Mỹ đã phải cùng lúc triển khai 2 nhóm tác chiến tàu sân bay, gồm USS Nimitz đi qua eo biển Đài Loan và USS Independence trấn giữ khu vực phía đông đảo này giữa các đợt tập trận rầm rộ của PLA để vãn hồi tình hình căng thẳng. Động thái tương tự đã diễn ra chiều tối 4/8 vừa qua, ngay sau khi bà Nancy Pelosi rời khỏi Đài Loan, Mỹ đã phải điều tàu sân bay USS Ronald Reagan xuất hiện gần khu vực tập trận của PLA. Thêm một lần nữa, thuật ngữ “một Trung Quốc” là nguyên nhân đẩy Đài Loan vào tình cảnh nguy hiểm, dầu sôi lửa bỏng.

“Một Trung Quốc” xuất hiện từ khá lâu trước chuyến thăm của Tổng thống R.Nixon đến Trung Quốc năm 1972. Hai mươi năm sau, thuật ngữ này được xem là tên của chính sách do Trung Quốc đại lục và Quốc dân đảng Đài Loan thống nhất trong một cuộc gặp bán chính thức năm 1992.

Dưới tên gọi là “Đồng thuận 1992”, chính sách này được Trung Quốc và Đài Loan đồng thuận cho rằng : “Trên thế giới chỉ có một nước Trung Quốc, nhưng đó là CHND Trung Hoa hay Trung Hoa Dân Quốc thì mỗi bên giữ quyền diễn giải theo quan điểm riêng của mình”. Theo đó, bất cứ nước nào, một khi đã thiết lập quan hệ chính thức với đại lục thì không thể làm tương tự với Đài Loan và ngược lại.

Cách thả lỏng quyền diễn giải “một Trung Quốc” như trên đã cho phép Trung Quốc chiếm lợi thế. Họ áp đặt luôn diễn giải của mình, theo hướng: “Đài Loan là lãnh thổ của Trung Quốc”, biến nó trở thành nguyên tắc duy nhất đúng, mà Đài Loan, dù ấm ức thế nào, cũng không thể thay đổi được.

Hơn nửa thế kỷ, không chỉ riêng Trung Quốc thường xuyên gây áp lực với Đài Loan, mà ngay cả đồng minh thân cận Mỹ cũng nhiều lần đặt vùng lãnh thổ này vào sự đã rồi, phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Đơn cử như năm 1979, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter không hề thông báo, đã chủ động cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức với “chính quyền Trung Hoa Dân Quốc” ở Đài Loan, dù trước đó hứa hẹn sẽ luôn dành sự ủng hộ cho thể chế này. Từ đó đến nay, Mỹ liên tục duy trì quan hệ mập mờ, một mặt hứa bảo trợ an ninh cho Đài Loan, cổ xúy tự do – dân chủ trên hòn đảo, mặt khác, ngăn cản mọi lời nói, hoạt động liên quan đến tuyên bố độc lập của chính quyền Đài Bắc.

Mỹ và Đài Loan đều biết, ở vị trí của đảo này, không thể không dựa vào Mỹ. Lực lượng quân sự nhỏ bé của Đài Loan, dù được trang bị vũ khí tối tân, cũng khó bề chống đỡ khi đấu tay đôi với PLA. Đó là thế khó của Đài Loan. Họ dường như luôn phải “đi nhẹ nói khẽ”, giữ hòa khí tối đa với đồng minh lớn nhất của mình. Ở mỗi giai đoạn ấm hay lạnh của quan hệ Mỹ – Trung, Đài Loan không tránh khỏi bị lôi vào như một nhân tố thăm dò thái độ của đôi bên. Nhiều nhà phân tích chính trị quốc tế nhận định, tình trạng phụ thuộc bất khả kháng này sẽ không chấm dứt trong thời gian tới, thậm chí là trong nhiều năm nữa. Nguyên do là vì Đài Loan đã chấp nhận xem việc gắn bó, dựa vào các cam kết chính trị, an ninh với Mỹ như một nguyên tắc sống còn của hòn đảo. Nói đến đây có thể thấy, Đài Loan không khác gì là “con rối”, thậm chí là nạn nhân đáng thương trong “cuộc chiến ngầm” thực thụ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Từ câu chuyện của Đài Loan, nhìn lại chính sách đối ngoại của nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển ở Châu Á…, nhiều người sẽ nhận ra, nếu không muốn trở thành con rối chính trị của các nước lớn thì mỗi quốc gia phải chủ động tạo thế đứng cho mình. Thế đứng này, có thể đến từ chính sách hợp tác đa phương rộng mở, từ kinh tế đến chính trị. Trong đó, nguyên tắc độc lập, tự chủ phải được coi trọng và phát huy đúng mức. Ngoài ra, việc tham gia vào các tổ chức kinh tế – chính trị – văn hóa – xã hội toàn cầu một cách chủ động và có trách nhiệm cũng giúp các quốc gia có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong một thế giới nhiều biến động phức tạp.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới