Friday, April 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ và “Chiến tranh nhận thức”

TQ và “Chiến tranh nhận thức”

Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia (Institute for National Defense and Security Research – INDSR) có trụ sở tại Đài Bắc vừa qua đã nhận định, Trung Quốc đang tiến hành một cuộc “Chiến tranh nhận thức” nhắm vào cư dân Đài Loan, với hy vọng đảo ngược làn sóng phản đối đại lục mà không cần dùng tới sức mạnh quân sự.

Theo các nhà phân tích tại INDSR, “Chiến tranh nhận thức” của Trung Quốc bao gồm các chiến dịch chi phối nhận thức của dư luận, trong trường hợp này là về vấn đề Đài Loan. Chúng trải dài từ các cuộc khiêu khích quân sự, những hoạt động tuyên truyền, cho đến tin giả từ đội quân “troll” trên mạng xã hội. Tần suất và độ phức tạp của các chiến dịch khiến Đài Loan “luôn phải trong trạng thái phòng thủ”.

Tiến sĩ Tzeng Yi-suo, Giám đốc Bộ phận An ninh mạng tại INDSR cho biết, “Chiến tranh nhận thức” là một thuật ngữ khá mới, nhưng khái niệm này đã xuất hiện trong nhiều thập kỷ qua. Bàn về “Chiến tranh nhận thức” của Trung Quốc trong báo cáo thường niên của INDSR về sự phát triển chính trị và quân sự của Trung Quốc, ông nhận định: “Mục tiêu cuối cùng của nó là kiểm soát những gì người ta nghe được. Tức là thay đổi cách mà bạn suy nghĩ, và Bắc Kinh hy vọng điều này sẽ khiến bạn thay đổi hành vi”.

Trung Quốc đã sử dụng các phương tiện như máy bay quân sự rải truyền đơn và các hãng thông tấn, mạng xã hội và thậm chí cả tin tặc để phát đi các thông điệp tuyên truyền đến đảo Đài Loan. Báo cáo của INDSR cho biết, các chiến dịch nhằm ngăn cản Đài Loan theo đuổi các hành động đi ngược lại với lợi ích của đại lục. Đặc biệt, Trung Quốc đã ra sức tăng cường các hoạt động tuyên truyền kể từ sau dịch Covid-19 bùng phát.

Báo cáo cũng cho biết thêm, các chiến thuật trên còn được dùng để tấn công, làm suy yếu sự ủng hộ đối với chính quyền của bà Thái Anh Văn và gây ra căng thẳng xã hội, chia rẽ nền chính trị Đài Loan. INDSR lấy minh chứng là một cuộc tấn công mạng vào Văn phòng Tổng thống Đài Loan hồi tháng 5 vừa qua. Các nhà báo chuyên đưa tin về Văn phòng Tổng thống khi đó cho biết họ đã được một tài khoản email nặc danh gửi đến hàng chục biên bản các cuộc họp nội bộ, trong đó cáo buộc bà Thái Anh Văn tham nhũng. Chính quyền Đài Loan sau đó đã phản ứng bằng tuyên bố các tài liệu đã được ngụy tạo và có nội dung hoàn toàn bịa đặt.

Một trường hợp điển hình khác là dự án “Sáng kiến Kiểm tra Tình hình Nam Trung Quốc” của Đại học Nam Kinh (Trung Quốc). Dự án trên đã dùng một tài khoản Twitter để lan truyền thông tin, bao gồm cả tin giả, về các hoạt động quân sự của Trung Quốc. INSDR nhận định mục đích của chúng chủ yếu nhằm gây hoang mang dư luận và làm suy yếu uy tín của Đảng Dân chủ Tiến bộ Đài Loan (DPP).

Tuy nhiên, ông Tzeng Yi-suo cho biết, những nỗ lực của Trung Quốc đã không có kết quả trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan vào tháng 1 năm ngoái, khi bà Thái Anh Văn giành chiến thắng vang dội. Thậm chí, tâm lý chống Trung Quốc còn ngày càng gia tăng sau các cuộc biểu tình của phong trào “Dù vàng” tại Hồng Kông.

Ông kết luận: “Trung Quốc trước đây rất tích cực tuyên truyền về sự thống nhất Đài Loan với đại lục, về bản sắc văn hóa Trung Hoa hoặc những quan điểm có lợi cho Bắc Kinh. Nhưng giờ đây, họ chỉ hy vọng kiềm chế tâm lý đòi độc lập đang ngày càng gia tăng ở Đài Loan”.

Dù vậy, Tiến sĩ Tzeng Yi-suo tin rằng chính quyền Trung Quốc đang chờ đợi thời cơ và thử nghiệm nhiều chiến thuật khác với hy vọng sẽ chi phối được các cuộc bầu cử trong tương lai của Đài Loan.

Zhou Shuguang – một blogger người Trung Quốc hiện sống ở Đài Loan – cho biết, nhiều người Trung Quốc đã lên mạng để tường thuật các câu chuyện theo quan điểm của Trung Quốc, điển hình nhất là hai nhóm “Tiểu hồng” và “Đảng năm hào”. Theo Zhou, hai nhóm này tập hợp một đội quân “troll” chuyên phát tán tin giả, ví dụ như tin đồn đề học vấn của bà Thái Anh Văn. Bất chấp nhiều lần bị Đài Loan bác bỏ, nhiều người vẫn lan truyền tin đồn rằng bằng tiến sĩ năm 1984 tại Trường Kinh tế London của bà Thái Anh Văn là bằng giả.

Một nghiên cứu năm 2016 do nhà khoa học dữ liệu Gary King của Đại học Harvard dẫn đầu đã phát hiện ra rằng “Đảng năm hào” đã tạo ra 488 triệu bài đăng giả trên mạng xã hội mỗi năm. Mục đích là nhằm làm nhiễu loạn thông tin và hướng lai dư luận khỏi các cuộc tranh cãi tiêu cực về Chính phủ Trung Quốc

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới