Friday, March 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTham vọng quyền lực tuyệt đối của ông Tập

Tham vọng quyền lực tuyệt đối của ông Tập

Một số nhà quan sát cho rằng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ sửa đổi Điều lệ đảng, đưa “Tư tưởng Tập” là sự kế thừa Tư tưởng Mao Trạch Đông và Học thuyết Đặng Tiểu Bình. Sau đó, tư tưởng chỉ đạo của ĐCSTQ, được đặt theo tên của nhà lãnh đạo ĐCSTQ, có nghĩa là địa vị của Tập Cận Bình sẽ ngang hàng với Mao, Đặng, lập nên ‘Quyền lực tuyệt đối’ về hệ tư tưởng của Tập Cận Bình. Giả thiết này có hợp lý không? Ông Tập đi nước cờ này để làm gì?

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trên bục trong lễ ra mắt Ban Thường vụ Bộ Chính trị khóa mới của Đảng Cộng sản tại Đại lễ đường Nhân dân vào ngày 25/10/2017 ở Bắc Kinh, Trung Quốc.

Theo nội dung được công bố tại cuộc họp của Cục Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 09/09, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 sẽ sửa đổi điều lệ đảng.

Thông báo chính thức của Tân Hoa xã của ĐCSTQ không tiết lộ nội dung cụ thể của việc sửa đổi điều lệ đảng, trong khi tờ Tinh đảo nhật báo (Sing Tao Daily) của Hồng Kông ngày 10/09 đã đề cập đến thành tựu trong kỷ nguyên mới của ông Tập có thể được ghi vào điều lệ của ĐCSTQ, để nâng cao hơn nữa vị thế của ông Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Truyền thông Hồng Kông đưa tin, điều đáng chú ý là đây là lần đầu tiên ĐCSTQ chính thức tiết lộ rằng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 sẽ sửa đổi điều lệ đảng.

RFI đã đăng một bài báo vào ngày 11/09 nói rằng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã sửa đổi điều lệ đảng và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 sẽ tiếp tục sửa đổi điều lệ đảng có cần thiết không?

Vai trò của Tập Cận Bình có thay đổi ở Đại hội 20 không?

Theo như Reuters phân tích: việc thay đổi vai trò (chức vụ) của Tập Cận Bình rất khó xảy ra. Tập Cận Bình hiện đang nắm giữ 3 vị trí là: Tổng Bí thư, Chủ tịch Quân uỷ Trung ương và Chủ tịch nước. Dự kiến 2 chức danh đầu là Tổng Bí thư và Chủ tịch Quân uỷ Trung ương sẽ được giữ lại ở Đại hội 20, vì đây là chức vụ trong đảng. Khi Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc diễn ra vào tháng 3 năm sau, Tập Cận Bình sẽ tiếp tục giữ vị trí Chủ tịch nước.

Trong chương trình “Chính luận thiên hạ” đăng ngày 31/08, Giáo sư Chương cũng nhìn nhận như vậy, bởi vì bất cứ ‘danh hàm’ (chức vụ) nào mất đi sẽ cản trở việc tập trung quyền lực của ông Tập Cận Bình.

Mặc dù Chủ tịch nước là một vị trí ‘hư danh’, tương đương với chức vụ mang tính tượng trưng của quốc gia, chứ không nắm thực quyền; bởi vì công việc hành chính thường ngày là do Thủ tướng Chính phủ phụ trách. Nhưng vì sao ông Tập vẫn không bỏ vị trí đó?

Ở đây có một vấn đề, năm xưa vì cớ gì mà Đặng Tiểu Bình đem 2 chức vụ Chủ tịch nước và Tổng Bí thư đặt lên thân một người?

Chúng ta biết rằng, Chủ tịch Quân uỷ và Tổng Bí thư là chức vụ trong đảng, nếu Tổng Bí thư ra thăm nước ngoài, ông không có cách nào đi thăm nước ngoài với tư cách một nguyên thủ quốc gia.

Cụ thể hơn, với tư cách Tổng Bí thư của một đảng, người ấy đến thăm Hoa Kỳ chỉ có thể gặp Chủ tịch Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng hoà hoặc Đảng Dân chủ, chứ không cách nào gặp được tổng thống do chức vụ không tương xứng. Cho nên phải cho Tổng Bí thư thêm ‘danh hàm’ Chủ tịch nước, như thế ra thăm nước ngoài mới ‘chính danh’.

Nếu ông Tập tái đắc cử làm Chủ tịch nước lại không có chức vị Tổng Bí thư, thì chức vị Chủ tịch nước của ông lại trở thành không có thực quyền. Từ sau thời Đặng Tiểu Bình, hai chức vụ Chủ tịch nước và Tổng Bí thư đã không thể tách rời.

Do đó ngay cả chức vị tượng trưng như Chủ tịch nước mà ông Tập Cận Bình cũng không muốn bỏ, thì ông không thể bỏ chức danh Tổng Bí thư mang thực quyền.

Rải thảm cho ‘quyền lực tuyệt đối suốt đời’

Trong chương trình “Chính luận thiên hạ” đăng ngày 09/09, Giáo sư Chương Thiên Lượng cho rằng, điều trọng tâm nhất của cuộc họp Bộ chính trị này là việc sửa đổi Điều lệ của Đảng tại Hội nghị toàn thể lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương. Ngoài việc bổ sung ý kiến ​​của Tập Cận Bình, liệu vị trí Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc có được xác lập hay không? Nếu khả năng này xảy ra, chúng ta cũng cần phải xem ai là phó chủ tịch của đảng. Người đó có thể là người kế nhiệm Tập Cận Bình.

Có những ý kiến cho rằng việc ông Tập sửa đối điều lệ đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 là mặc dù khó xảy ra nhưng ĐCSTQ có thể sửa đổi điều lệ để khôi phục lại vị trí cao nhất của chủ tịch đảng đã bị bãi bỏ vào năm 1982.

Theo như giáo sư Chương giải thích, theo quy định trước đây của ĐCSTQ, một người không thể giữ một chức vụ quá hai nhiệm kỳ. Năm 2006, Văn phòng Trung ương đã phát đi một văn kiện đề xuất rằng: thành viên lãnh đạo chính trị của Trung ương ĐCSTQ, Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, Quốc vụ viện, Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân (nói cho dễ hiểu là: Chủ tịch nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, Thủ tướng Quốc vụ viện và Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân) đều không được đảm nhiệm một chức vụ quá 2 nhiệm kỳ.

Đến thời điểm hiện tại, ông Tập Cận Bình đã giữ chức Tổng Bí thư trong hai nhiệm kỳ, vì vậy, về mặt logic mà nói, ông ấy không thể đảm nhận tiếp nữa. Tuy nhiên, ông Tập có thể bổ sung chức vụ chủ tịch đảng bằng cách sửa đổi điều lệ đảng. Sau đó, ông sẽ tự mình làm chủ tịch đảng, để ông ấy có thể tiếp tục nhiệm kỳ thêm 10 năm nữa.

Ngoài ra, một số người thắc mắc rằng ông phải nghỉ hưu sau khi giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương trong hai nhiệm kỳ?

Tuy nhiên, nếu xét lại một cách kỹ lưỡng thì không biết là cố ý hay vô ý, đúng chức Chủ tịch Quân ủy trong quy định này, lại bị bỏ qua, không được đề cập đến. Điều này có nghĩa là sau 2 nhiệm kỳ, nếu ông Tập lờ đi chuyện văn kiện này, ông Tập vẫn có thể tiếp tục giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương lần nữa.

Còn một yếu tố nữa, như chúng ta đã biết, vào Hội nghị toàn thể lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa 19 thông qua một nghị quyết lịch sử vào năm ngoái, vào thời điểm đó, ông đã chuẩn bị gì cho kế hoạch cầm quyền trọn đời của mình chưa?

Gần đây, ông Phó Hoa, chủ tịch Tân Hoa Xã, đã đăng một bài báo trên tạp chí China Netcom với tiêu đề “Nỗ lực xây dựng một Tổ chức Truyền thông Toàn diện Đẳng cấp Thế giới Mới”. Bài báo này đề cập đến “3 một phút” và yêu cầu Tân Hoa Xã “không được đứng ngoài hàng ngũ của đảng dù chỉ một phút. Ngoài ra, chúng tôi sẽ không đi chệch hướng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tập Cận Bình dù chỉ một phút, cũng không rời tầm nhìn của Tổng Bí thư Tập Cận Bình và Ban Chấp hành Trung ương Đảng dù chỉ một phút”.

Toàn bộ bài báo của ông Phó Hoa đều là tâng bốc, là phương thức tuyên truyền nhất quán của ĐCSTQ nhưng những lời nói sáo rỗng của ông ta lại ẩn chứa một số ẩn ý, ​​đó là Tân Hoa Xã trong tương lai, trước và sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20, sẽ xem việc tuyên truyền tư tưởng của ông Tập là nội dung chính của tờ báo này.

Nhiều người trên Twitter đã mắng ông ta là người xu nịnh. Tuy nhiên, trong chương trình “Chính luận thiên hạ” ngày 05/09, Giáo sư Chương cho rằng mấu chốt của bài báo là tiết lộ trước danh hiệu mà ông Tập Cận Bình sẽ có được, “lãnh đạo nhân dân yêu dân, lãnh đạo nhân dân vì dân” và trong thời gian tới, danh hiệu “lãnh tụ nhân dân” sẽ được phong tặng cho ông Tập Cận Bình.

Điều này cũng khiến ông Tập Cận Bình trở thành nhà lãnh đạo thứ ba kể từ thời Mao Trạch Đông. Trước có ông Mao Trạch Đông là “lãnh tụ vĩ đại” và ông Hoa Quốc Phong là “lãnh tụ sáng suốt”, nay ông Tập Cận Bình là “lãnh tụ của nhân dân”.

Dựa trên lịch sử của ĐCSTQ từ trước đến nay, những người được phong tặng danh hiệu như Mao Trạch Đông và Hoa Quốc Phong lâm thời đều là chủ tịch đảng. Theo logic thông thường, danh hiệu vị “lãnh tụ của nhân dân” sẽ dành cho chủ tịch đảng tiếp theo của ĐCSTQ.

Ông Tập Cận Bình đã chuẩn bị sẽ đảm nhận vị trí chủ tịch đảng này trong tương lai, điều này cũng minh chứng rõ ràng hơn lý do tại sao ông ấy đã thông qua một nghị quyết lịch sử như vậy tại Hội nghị toàn thể lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 19. Khi đó, ông Tập thực sự có ý định xếp mình ngang hàng với chủ tịch Mao. Những sắp xếp này được chuẩn bị từ trước, trải đường cho ông Tập có thể ‘đăng cơ’ sau Đại hội 20.

Vậy tại sao chức vụ chủ tịch đảng lại quan trọng đến vậy?

Để giải thích về vấn đề này, trong chương trình “Chính luận thiên hạ” đăng ngày 20/05, giáo sư Chương đã kể lại một câu chuyện về lý do tại sao có chức vụ Tổng bí thư. Sau khi ông Hồ Diệu Bang thay thế ông Hoa Quốc Phong, ông Hồ không còn thiết lập chức vụ chủ tịch đảng nữa. Vì ông Đặng Tiểu Bình và ông Trần Vân lo lắng về việc tạo ra một chế độ độc tài khác trong đảng, nhằm làm nổi bật sự lãnh đạo tập thể chứ không phải độc tài cá nhân của chủ tịch đảng, nên trong đảng phải thiết lập sự cân bằng. Vì vậy có chức Tổng Bí thư.

Ngay cả có xưng vị (xưng hô) hạch tâm, nhưng đó là thể hiện của chế độ tập trung dân chủ trong đảng. Trong những quyết định quan trọng thì Thường Uỷ Bộ Chính trị vẫn cần bỏ phiếu. Điều này không giống như ông Mao Trạch Đông năm xưa khi làm Chủ tịch đảng, ông Mao hễ nói, thì cấp dưới phải chấp hành.

Vậy một khi đã thiết lập vị trí chủ tịch đảng, đứng trên các ủy viên ban thường vụ khác, khi chủ tịch đảng đã quyết, các ủy viên ban thường vụ khác không có cơ hội phát biểu ý kiến. Hay nói cách khác, khi ông Tập đã quyết thì không ai có quyền ngăn cản. Lúc này, vị thế của ông Tập trên chính trường Trung Quốc sẽ luôn bền vững.

Trong quá khứ, câu chuyện này đã từng xảy ra, ông Putin đã từng giữ chức vụ lãnh đạo đảng trong 2 nhiệm kỳ (10 năm) rồi chuyển lại cho ông Medvedev, sau đó lại tiếp tục tái đắc cử. Trên thực tế, ông Putin đã giữ chức lãnh đạo tối cao trên trong 20 năm và sau đó, ông ấy đã sửa đổi hiến pháp để kéo dài nhiệm kỳ của ông đến năm 2036. Giáo sư Chương cho rằng nếu ông Tập Cận Bình thực sự làm được điều này, ông ấy đã học được từ ông Putin.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới