Thursday, March 28, 2024
Trang chủQuân sựLÝ DO NÀO KHIẾN NỀN CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG UKRAINE ĐÁNH MẤT...

LÝ DO NÀO KHIẾN NỀN CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG UKRAINE ĐÁNH MẤT THỜI HOÀNG KIM?

Ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine đã có những bước tụt lùi đáng kể so với thời kỳ hoàng kim sau khi tách khỏi Liên bang Xô Viết.

Vận tải cơ lớn nhất thế giới An-225, biểu tượng của ngành công nghiệp hàng không Ukraine, bị phá hủy hoàn toàn trong xung đột Nga – Ukraine.

Ngày 24/2, các lực lượng vũ trang Liên bang Nga đã tiến hành một chiến dịch tấn công quân sự quy mô lớn nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine. Theo những tính toán ban đầu của quân đội Nga, cuộc xung đột Nga – Ukraine có thể chỉ kéo dài khoảng 100 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, hơn 6 tháng đã trôi qua, cuộc xung đột giữa 2 nước láng giềng ở châu Âu vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, quân đội của Tổng thống Volodymyr Zelensky đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ vũ khí từ các đồng minh phương Tây. Hàng chục tỷ USD viện trợ quân sự, từ vũ khí cá nhân đến các tổ hợp tên lửa tầm xa hiện đại, đã được chuyển đến Ukraine và những sự chi viện này đóng góp rất lớn cho kế hoạch phòng thủ cũng như phản công giành lại lãnh thổ của Kiev.

Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá nhiều vào vũ khí nhận được từ nước ngoài đã cho thấy sự đi xuống một cách trầm trọng của ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine, bất chấp việc Kiev từng được thừa hưởng một di sản hoành tráng sau khi Liên Xô sụp đổ.

Gia tài đồ sộ thời hậu Xô Viết

Ukraine chính thức tuyên bố độc lập sau khi Liên bang Xô Viết tan rã vào tháng 12/1991. Là đất nước lớn thứ 3 trong số các quốc gia được tách ra từ Liên Xô, Ukraine đã nhận được nhiều ưu đãi trong quá trình phân chia tài sản cho các quốc gia thành viên của Liên Xô.

Với tư cách một thành viên với nhiều đóng góp cho nền công nghiệp của Liên Xô cũ, sau khi tuyên bố độc lập, Ukraine được thừa hưởng những nền tảng công nghệ vững chắc và tiên tiến trong lĩnh vực sản xuất phục vụ cả mục đích quân sự và dân sự.

Gia tài mà Liên Xô để lại cho Ukraine còn bao gồm một đội ngũ kỹ sư và chuyên gia có trình độ rất cao, được đào tạo bài bản và nắm vững quy trình chế tạo các sản phẩm cơ khí có độ chính xác gần như tuyệt đối. Khi mới thành lập, Ukraine được thừa hưởng gần 1 triệu nhà khoa học, kỹ sư và nhân công trình độ cao đến từ 750 nhà máy và viện nghiên cứu khoa học của Liên Xô.

Các cơ sở công nghiệp quốc phòng của Ukraine vào thời điểm mới tuyên bố độc lập sở hữu công nghệ năng lực sản xuất hàng đầu thế giới. Nhiều loại vũ khí quan trọng trong biên chế quân đội Liên Xô trước đây như xe tăng chiến đấu chủ lực T-80 và T-64 được chế tạo hoàn toàn trên lãnh thổ Ukraine. Bên cạnh đó, Cục thiết kế Antonov của Ukraine đã sản xuất một số loại máy bay phức tạp nhất trên thế giới, bao gồm siêu vận tải cơ lớn nhất thế giới Antonov An-225 có trọng tải lên tới 250 tấn.

Nhiều nhà máy và viện nghiên cứu tại Ukraine cũng từng đóng vai trò là nền móng của ngành công nghiệp quốc phòng của Liên Xô và sở hữu nhiều công nghệ quân sự đứng đầu thế giới.

Các công nghệ liên quan đến động cơ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và chương trình không gian mà Ukraine nắm giữ từng là ước mơ của nhiều quốc gia vào thời điểm đó, trong đó bao gồm các quốc gia với tham vọng hạt nhân như Iran, Triều Tiên và thậm chí cả những cường quốc như Trung Quốc và Nga.

Ukraine cũng từng là quốc gia duy nhất trên thế giới bên ngoài Mỹ có nhà máy đóng tàu với khả năng đóng các siêu tàu sân bay. Các nhà máy đóng tàu của Ukraine thường có công suất rất lớn. Vào thời điểm Ukraine tuyên bố độc lập, chỉ riêng nhà máy đóng tàu Biển Đen đang đóng 2 tàu sân bay lớp Đô đốc Kuznetsov, 4 tàu sân bay lớp Kiev và 2 tàu sân bay trực thăng lớp Moskva cùng nhiều loại tàu chiến cỡ lớn khác.

Đặc biệt, Ukraine từng sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn thứ 3 thế giới với hơn 1.000 đầu đạn hạt nhân cùng một đội máy bay ném bom chiến lược liên lục địa siêu âm đáng gờm.

Những điều kiện vô cùng thuận lợi kể trên giúp Ukraine được nhiều người kỳ vọng sẽ nhanh chóng bắt nhịp với tình hình mới và vươn mình trở thành một cường quốc công nghiệp lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.

Vì sao ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine tụt dốc không phanh?

Có nhiều lý do để giải thích cho sự tụt dốc đáng kinh ngạc của ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine. Theo chuyên gia Eugene Rumer, một cựu sĩ quan tình báo từng làm việc cho Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ và Viện nghiên cứu Carnegie, một trong nguyên nhân chính dẫn đến sự đi xuống của nền công nghiệp quốc phòng Ukraine chính là sức ép từ phương Tây.

Thời gian đầu sau khi Liên Xô sụp đổ, ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine đã kiếm được một số hợp đồng mua bán vũ khí với các quốc gia như Triều Tiên, Iran và Trung Quốc. Những công nghệ hiện đại liên quan đến động cơ tên lửa hành trình, xe bọc thép và đóng tàu cũng đã được các cơ sở nghiên cứu của Ukraine chuyển giao cho nhiều đối tác ở các quốc gia này.

Thậm chí, Trung Quốc đã nhanh chóng đạt được bước tiến đáng kể cho chương trình tàu sân bay của nước này thông qua việc mua lại tàu sân bay Varyag chưa được hoàn thiện từ Ukraine.

Nhằm ngăn chặn việc Kiev cung cấp các loại vũ khí và công nghệ quan trọng cho các quốc gia “không thân thiện”, Mỹ và phương Tây đã có nhiều động thái nhằm gây sức ép lên chính quyền Ukraine.

Những lời cam kết viện trợ kinh tế, cùng với đó là cả những cảnh báo trừng phạt đã khiến Ukraine phải từ bỏ nhiều hợp đồng bán vũ khí béo bở. Đáng chú ý trong số đó là hợp đồng bán các máy bay ném bom chiến lược Tu-160 cho quân đội Trung Quốc. Nhiều máy bay ném bom này sau đó còn bị phá hủy như là một phần trong nỗ lực giải giáp kho vũ khí hạt nhân của Ukraine.

Bên cạnh sức ép từ phương Tây, việc xuất khẩu vũ khí của Ukraine cũng gặp nhiều khó khăn do công tác quản lý yếu kém.

“Ukraine đã không có một cơ chế và đầu mối kiểm soát thống nhất với ngành công nghiệp quốc phòng của nước này. Các công đoạn của quy trình sản xuất và xuất khẩu vũ khí, từ xin cấp phép, thiết kế, vận hành đến kiểm soát việc mua bán đều nhận được sự chỉ đạo từ nhiều cơ quan khác nhau. Việc này dẫn đến sự thiếu hiệu quả do sự phối hợp chồng chéo và không đồng bộ của các cấp quản lý”, chuyên gia Rumer nói.

Các nguyên nhân này đã khiến Ukraine bỏ lỡ nhiều hợp đồng xuất khẩu vũ khí và qua đó mất đi một nguồn thu quan trọng. Thêm vào đó, vấn nạn tham nhũng tràn lan, đặc biệt là trong giai đoạn mất ổn định sau khi tách khỏi Liên Xô, đã khiến nhiều doanh nghiệp vũ khí của Ukraine lâm vào cảnh phá sản. Điều này đã gây ra tình trạng chảy máu chất xám trầm trọng khi nhiều nhân lực có trình độ cao rời đi. Bên cạnh đó, nhiều công trình nghiên cứu tiềm năng của Ukraine đã buộc phải dừng lại do thiếu kinh phí.

Cuối cùng, sự mất ổn định về chính trị cũng dẫn đến sự đi xuống của ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine. Sau những cuộc biểu tình dẫn đến sự kiện đảo chính lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovich vào năm 2014, nhiều hoạt động phản kháng do phong trào ly khai ở miền Đông Ukraine đã được tiến hành với sự hỗ trợ của quân đội Nga.

Miền Đông Ukraine, đặc biệt là vùng Donbass là trung tâm công nghiệp nặng lớn và quan trọng bậc nhất của Ukraine, nơi tập trung nhiều nhà máy luyện kim, chế tạo máy và sản xuất hóa chất vô cùng quan trọng cho nền công nghiệp quốc phòng của quốc gia này. Chiến sự liên miên tại đây đã khiến hoạt động sản xuất đình trệ và nhiều cơ sở công nghiệp phục vụ quân sự phải đóng cửa.

Ngoài ra, Ukraine cũng mất nhiều nhà máy đóng tàu và cung cấp các dịch vụ phụ trợ tại Crimea sau khi người Nga quyết định trưng cầu dân ý và sáp nhập bán đảo này.

Những thành tựu gần đây và cơ hội vực dậy

Vào cuối tháng 6, sau khi tổ chức chiến dịch giành lại đảo Rắn, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Valery Zaluzhnyi đã lên tiếng ca ngợi một sản phẩm của nền công nghiệp quốc phòng nước này.

“Tôi muốn bày tỏ sự trân trọng với các nhà thiết kế và đơn vị sản xuất pháo tự hành Bohdana vì những đóng góp quan trọng của loại vũ khí này trong chiến dịch giành lại đảo Rắn”, tướng Zaluzhnyi chia sẻ.

Được thiết kế và sản xuất bởi nhà máy cơ khí hạng nặng Kramatorsk, Bohdana là pháo tự hành nội địa đầu tiên trong biên chế quân đội Ukraine sử dụng đạn pháo cỡ nòng 155mm theo tiêu chuẩn NATO. Trong tiếng Ukraine, tên gọi Bohdana có nghĩa là “Món quà của Chúa”.

Pháo tự hành Bohdana được đặt trên khung gầm cơ sở của xe chiến đấu bộ binh cấu hình 6×6 KrAZ-6322 và có thể chuyên chở theo kíp lái 5 người cùng cơ số đạn lên tới 20 viên. Tầm bắn trung bình của pháo tự hành này là 40km và có thể tăng lên 50km nếu sử dụng những loại đạn đặc biệt. Tốc độ bắn của Bohdana cũng rất đáng nể với khả năng khai hỏa từ 4 đến 8 lần/phút.

Quá trình thiết kế chế tạo pháo tự hành Bohdana được bắt đầu từ năm 2015 và lần bắn thử đầu tiên được diễn ra vào tháng 10/2021. Theo một số nguồn tin, cho đến đầu tháng 5/2022, quân đội Ukraine mới chỉ tiếp nhận và đưa vào sử dụng một pháo tự hành Bohdana.

Pháo tự hành Bohdana là một sản phẩm hiếm hoi được công nghiệp quốc phòng Ukraine giới thiệu trong thời gian qua. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là việc đây không phải là một vũ khí quá ưu việt và có khả năng giúp quân đội của Tổng thống Zelensky dễ dàng chiếm ưu thế trên trường. Nhiều người còn cảm thấy buồn sau lời ca ngợi của vị Tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine dành cho pháo phản lực Bohdana, do vũ khí này là quá nhỏ bé so với tiềm năng của nền công nghiệp quốc phòng Ukraine.

Theo chuyên gia Alexandara McLee từ Viện nghiên cứu Carnegie, sự trì trệ kéo dài cùng sức tàn phá khủng khiếp của cuộc xung đột với Nga khiến giới phân tích nhận định nền công nghiệp quốc phòng của Ukraine sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu muốn trở lại với những tháng ngày vinh quang.

Trước đó, ông Alexey Arestovich, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, hôm 31/3 nói rằng lực lượng của Nga đã phá hủy gần như hoàn toàn ngành công nghiệp quốc phòng cũng như ngành công nghiệp dân sự của Ukraine.

“Cả hai bên đều tổn thất… Họ đã phá hủy ngành công nghiệp quân sự của chúng tôi và bằng cách này hay cách khác cũng phá hủy ngành công nghiệp dân sự của chúng tôi. Đó chính xác là điều họ đang làm và tiếp tục làm”, ông Arestovich nói.

Bà McLee tin rằng Ukraine sẽ cần một bước chuyển mình lớn nếu muốn khôi phục lại thời kỳ hoàng kim của ngành công nghiệp quốc phòng nước này. Những sự cải tổ trong hệ thống quản lý, thu hút nhân tài và tái khởi động các viện nghiên cứu cũng như các cơ sở công nghiệp quan trọng sẽ cần nhận được sự ưu tiên từ chính quyền của Tổng thống Ukraine.

Thêm vào đó, Ukraine cũng cần tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là nguồn tài trợ từ các quốc gia phương Tây trong việc vực dậy nền công nghiệp quốc phòng. Đây được cho là một giải pháp “vẹn cả đôi đường” khi có thể giúp phương Tây tiếp cận với các công nghệ nguồn mà Ukraine đang sở hữu mà không phải lo về việc chúng sẽ rơi vào tay của các quốc gia không thân thiện.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới