Thursday, April 25, 2024
Trang chủĐàm luậnChiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là trọng điểm...

Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là trọng điểm hợp tác của Liên minh Mỹ – Nhật tại Đông Nam Á

Tăng cường phát triển quan hệ đồng minh Mỹ – Nhật là mục tiêu chính trong chính sách đối ngoại và an ninh của cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Trong nhiệm kỳ đầu tiên (9/2006 – 9/2007), tháng 5/2007, ông Abe đã chủ động đề xuất và giữ vai trò chủ đạo trong việc khởi động cơ chế Đối thoại an ninh Bốn bên (Bộ tứ) với sự tham gia của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.

Tháng 8 cùng năm, Abe có bài phát biểu với tựa đề “Sự hợp lưu của hai đại dương” tại Quốc hội Ấn Độ, kêu gọi Nhật Bản và Ấn Độ nên liên minh với Mỹ và Australia để cùng đảm bảo an toàn tuyến đường vận tải biển từ Tây Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương, cũng tức là tuyến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cùng bảo vệ sự tự do và thịnh vượng của “châu Á rộng lớn hơn”.

Tháng 9/2007, 5 nước là Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Singapore đã tận dụng việc Mỹ và Ấn Độ tổ chức cuộc tập trận hải quân “Malabar” thường niên để tiến hành cuộc tập trận chung đầu tiên ở Biển Andaman. Sau khi quay trở lại cầm quyền vào tháng 12/2012, ông Abe đã đưa ra ý tưởng “Viên kim cương an ninh dân chủ của châu Á”, một lần nữa kêu gọi bốn nước hợp tác để đối phó với mối đe dọa do sự trỗi dậy của Trung Quốc đối với tuyến đường vận tải biển ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời ngăn Biển Đông trở thành “ao nhà của Bắc Kinh”. Với những lý do này, khu vực Ấn Độ Dương  -Thái Bình Dương đã trở thành vũ đài mới để liên minh Mỹ – Nhật tăng cường hợp tác.

Mỹ – Nhật cùng giữ vai trò chủ đạo trong việc thúc đẩy Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Ngày 27/8/2016, trong bài phát biểu tại Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi (TICAD) lần thứ 6 được tổ chức ở Kenya, cựu Thủ tướng Abe đã đưa ra Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, đây được coi là phiên bản mở rộng của Viên kim cương an ninh dân chủ của châu Á. Ông Abe một lần nữa nhấn mạnh sẽ tăng cường hợp tác với Ấn Độ, Mỹ và Australia để đảm bảo hòa bình và các quy tắc pháp luật được tuân thủ ở vùng biển Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đồng thời tăng cường “tính kết nối” từ Đông Nam Á, Nam Á, Trung Đông đến tận châu Phi. Đưa khu vực này trở thành “huyết mạch chính” trong quá trình thúc đẩy tăng trưởng và sự thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, tìm cách làm loãng ý tưởng “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” do Trung Quốc thúc đẩy, và tiếp tục mở rộng ảnh hưởng chính trị, kinh tế và sự hiện diện quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, có ba biện pháp để hiện thực hóa khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở:

(1) Phổ cập và phát triển các quy tắc luật pháp, tự do hàng hải, tự do thương mại… Hợp tác với các nước có cùng nguyên tắc hoặc ý tưởng về khu vực Ấn Độ Dương Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

(2) Theo đuổi sự thịnh vượng về kinh tế: Thông qua “sự kết nối về vật chất” để tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết cho sự phát triển của nền kinh tế chất lượng cao như đường sắt, cảng biển và năng lượng, thông qua “kết nối con người” như đào tạo những người có tài, “tính kết nối của cơ chế” như đơn giản hóa các thủ tục thông quan; tăng cường ký kết các hiệp định đối tác kinh tế (EPA), hiệp định thương mại đầu tư (FTA) hoặc các quan hệ đối tác kinh tế khác bao gồm cả hiệp định đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh.

(3) Đảm bảo hòa bình và ổn định: Hỗ trợ các nước ven bờ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương xây dựng năng lực thực thi pháp luật trên biển; hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai, chống cướp biển, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt…

Từ ba biện pháp trên, có thể thấy Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của cựu Thủ tướng Abe là chiến lược mang tính tổng hợp, được kết hợp từ chính trị và ngoại giao, an ninh hàng hải và kinh tế-thương mại. Mục tiêu cốt lõi của chiến lược này là xây dựng trật tự hàng hải tự do và cởi mở ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời thông qua việc xây dựng cơ sở hạ tầng dân sinh để thúc đẩy sự thịnh vượng về kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Sau khi ông Abe đưa ra Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, tháng 11/2017, trong chuyến thăm đầu tiên tới châu Á, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ cùng Nhật Bản giữ vai trò chủ đạo trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tháng 12/2017, Nhà Trắng công bố Chiến lược an ninh quốc gia, coi Trung Quốc là “cường quốc xét lại”, xác nhận liên minh Mỹ – Nhật sẽ tăng cường hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong bối cảnh đó, tháng 6/2019, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố Báo cáo Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, chỉ trích Trung Quốc có ý đồ tìm kiếm quyền bá chủ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, thậm chí giành được vị thế thống trị trên toàn cầu thông qua ưu thế kinh tế và quân sự vượt trội.

Sau khi trình bày kế hoạch chiến lược và quy trình triển khai của quân đội Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, báo cáo này nhấn mạnh Mỹ sẽ cùng với các đồng minh và đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Philippines, Thái Lan, Singapore, Đài Loan, New Zealand, Mông Cổ… hợp tác để thực hiện sự tự do và cởi mở ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bằng mô hình hợp tác song phương hoặc đa phương. Trong đó, liên minh Mỹ – Nhật là cơ sở để hiện thực hóa tầm nhìn về “tự do” và “thịnh vượng” ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Ngày 11/2/2022, Nhà Trắng đã tận dụng Hội nghị Ngoại trưởng Bộ tứ lần thứ 4 được tổ chức ở Australia để công bố Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đầu tiên của Chính quyền Joe Biden. Trên trang bìa của văn kiện này, có đăng phát biểu của Biden tại Hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ vào ngày 24/9/2021: “Tương lai của mỗi quốc gia, thậm chí là cả thế giới, phụ thuộc vào sự bền vững và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở trong những thập kỷ tới”.

Văn kiện này nhấn mạnh khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương “đặc biệt quan trọng” đối với an ninh và sự thịnh vượng của Mỹ. Trước việc Trung Quốc kết hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Mỹ sẽ nỗ lực cùng với các nước đồng minh thân cận xây dựng khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, kết nối thịnh vượng, an ninh và có sức chống chịu để đối phó với những thách thức ngày càng tăng, đặc biệt là đến từ Trung Quốc.

Để đối phó với những thách thức đến từ Trung Quốc, Chính quyền Biden đã đưa ra 10 kế hoạch hành động bao gồm tăng cường nhóm Bộ tứ và mở rộng hợp tác với Nhật Bản và Hàn Quốc. Đến nay, Biden đã tổ chức 2 hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ. Đây là cơ chế đối thoại cấp cao nhất hỗ trợ điều phối cho Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Cộng thêm hai cơ chế đối thoại hiện có ở cấp nhóm công tác và cấp ngoại trưởng, sự hợp tác giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ngày càng được thắt chặt.

Nhật Bản tăng cường triển khai an ninh ngoại giao ở Đông Nam Á

Tháng 12/2013, nội các Abe đã đưa ra Chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên của Nhật Bản, nhấn mạnh do các tuyến đường vận tải biển ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương kết nối Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương là các huyết mạch của Nhật Bản, nên nước này phải hỗ trợ các quốc gia ven biển Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nâng cao năng lực đảm bảo an ninh hàng hải, đồng thời tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước đối tác có lợi ích chiến lược chung với Nhật Bản, bao gồm cả Ấn Độ.

Chiến lược này đã nêu rõ Nhật Bản sẽ tăng cường hợp tác với Mỹ, Ấn Độ, Australia và các nước Đông Nam Á để đảm bảo an toàn cho các tuyến đường vận tải biển chiến lược đi qua Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và để đưa ra những điều chỉnh cho Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sau này. Do Đông Nam Á là một trong những khu vực quan trọng của Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nên Nhật Bản đã tích cực tăng cường hợp tác với các nước có biển ở Đông Nam Á trong lĩnh vực ngoại giao và an ninh, đồng thời tìm cách dựa vào đó để bù đắp những thiếu hụt trong hành động chiến lược của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á.

Ngày 16/11/2016, tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản – ASEAN lần thứ 2 được tổ chức ở Lào, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada đã đưa ra phương châm “Tầm nhìn Viêng Chăn” nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước ASEAN. Tầm nhìn chủ yếu bao gồm ba lĩnh vực là thúc đẩy chuyển giao trang thiết bị và công nghệ quốc phòng giữa Nhật Bản và các nước ASEAN, đào tạo nhân tài và tổ chức các cuộc hội thảo về công nghiệp quốc phòng, nhằm đối phó với các mối đe dọa do Trung Quốc tích cực hiện diện trên biển, đặc biệt là xây dựng căn cứ quân sự ở Biển Đông.

Tháng 8/2017, tại cuộc họp báo chung sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ – Nhật (Ủy ban tham vấn an ninh Mỹ – Nhật hay hội nghị 2+2), Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono tuyên bố sẽ hỗ trợ khoảng 500 triệu USD trong giai đoạn 2017 – 2019, đồng thời tăng cường hợp tác với Mỹ để hỗ trợ các nước ven biển Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển.

Ở Biển Đông, Việt Nam và Philippines, những nước đang có tranh chấp chủ quyền trên biển với Trung Quốc, đã ký kết quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản, là trụ cột chiến lược để Nhật Bản cân bằng mối đe dọa đến từ Trung Quốc. Thông qua hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), Nhật Bản cung cấp tàu cảnh sát biển cho Philipines và Việt Nam. Không những vậy, năm 2016, Nhật Bản còn ký Thỏa thuận chuyển giao trang thiết bị và công nghệ quốc phòng với Philippines. Sau khi cung cấp không hoàn lại cho Hải quân Philippines 5 máy bay huấn luyện TC-90 (bao gồm đào tạo phi công và kỹ thuật viên bảo trì hậu cần) vào năm 2018, đến tháng 3/2020, Nhật Bản lại quyết định bán 3 bộ radar phòng không cố định “FPS3” và 1 bộ radar phòng không cải tiến gắn trên xe “TPSP14” cho Philippines. Đồng thời, thỏa thuận này còn chia sẻ thông tin tình báo radar, tạo tiền lệ đầu tiên cho Nhật Bản bán vũ khí ra nước ngoài. Bên cạnh đó, tháng 4/2018, Nhật Bản còn ký Thỏa thuận chuyển giao trang thiết bị và công nghệ quốc phòng với Malaysia, có ý định cung cấp miễn phí máy bay săn ngầm P-3C đã ngừng hoạt động cho Malaysia.

Ngoài ra, ngày 1/7/2019, khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe, hai bên đã đạt được nhận thức chung về việc bắt đầu triển khai ký kết Thỏa thuận chuyển giao trang thiết bị và công nghệ quốc phòng, mở đường cho Nhật Bản bán vũ khí sang Việt Nam trong tương lai. Trên thực tế, tháng 4/2018, Nhật Bản và Việt Nam từng ký Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giữa hai nước, tiến hành hợp tác trên nhiều lĩnh vực như trao đổi cấp cao và các quân chủng hai nước, an ninh hàng hải, trang thiết bị quốc phòng và công nghệ, đồng thời thông qua cơ chế Đối thoại chính sách cấp thứ trưởng được khởi động từ năm 2012 để rà soát và điều chỉnh mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước.

Ngày 19/10/2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đến thăm Việt Nam và hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Hai bên khẳng định sẽ hợp tác để thực hiện ý tưởng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, đồng thời đạt được nhận thức chung về việc ký kết Thỏa thuận chuyển giao trang thiết bị và công nghệ quốc phòng. Ngày 11/9/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi đến thăm Hà Nội và ký thỏa thuận với Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, đưa Việt Nam trở thành quốc gia Đông Nam Á thứ tư sau Philippines, Malaysia và Indonesia ký kết thỏa thuận này với Nhật Bản, đưa quan hệ hợp tác quốc phòng Nhật-Việt lên một tầm cao mới. Trước đó, ngày 30/3/2021, nhân cơ hội tổ chức “Hội nghị 2+2” lần thứ 2 với Indonesia tại Tokyo, Nhật Bản đã ký kết Thỏa thuận chuyển giao trang thiết bị và công nghệ quốc phòng với nước này.

Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thúc đẩy phát triển kinh tế và ổn định chính trị

Ở Ấn Độ Dương, Ấn Độ là nước tồn tại tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chịu mối đe dọa đến từ sự trỗi dậy của Trung Quốc, cũng là đối tác chiến lược để Nhật Bản đối phó với thách thức đến từ Trung Quốc. Tháng 10/2008, Nhật Bản và Ấn Độ ra Tuyên bố chung về đảm bảo an ninh và xây dựng “Kế hoạch hành động” nhằm thúc đẩy hợp tác an ninh giữa hai bên. Tháng 11/2011, Bộ trưởng Quốc phòng của Nhật Bản và Ấn Độ đạt được nhận thức chung về việc tăng cường hợp tác quốc phòng và quyết định triển khai các cuộc tập trận hải quân chung, sau đó hai nước còn tiếp tục thúc đẩy trao đổi vềlục quân và không quân.

Nhân cơ hội này, từ năm 2012, Nhật Bản và Ấn Độ đã tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung luân phiên hàng năm ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, sau đó mở rộng sang các cuộc tập trận giữa lục quân và không quân hai nước. Điều quan trọng hơn là sau khi Narendra Modi đắc cử Thủ tướng vào tháng 5/2014, Ấn Độ lại mời Nhật Bản tham gia cuộc tập trận “Malabar”, đồng thời làm cho Nhật Bản trở thành thành viên chính thức vào năm 2016.

Ngoài cuộc tập trận “Malabar”, Nhật Bản và Ấn Độ còn liên tiếp ký kết Thỏa thuận chuyển giao trang thiết bị và công nghệ quốc phòng, Thỏa thuận bảo vệ tình báo và Thỏa thuận tiếp nhận và dịch vụ tương trợ (ACSA) nhằm tăng cường khả năng tương tác giữa quân đội hai nước. Để đối phó việc Hải quân Trung Quốc tăng cường sự hiện diện ở Ấn Độ Dương, Ấn Độ đã tích cực tăng cường năng lực tác chiến của Bộ Tư lệnh tác chiến quần đảo Andaman-Nicobar, nằm ở cửa ngõ phía Tây Bắc eo biển Malacca, trong khi Nhật Bản hỗ trợ xây dựng hệ thống phát điện và cung cấp điện trên quần đảo này. Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang xem xét hợp tác với Mỹ và Nhật Bản để lắp đặt chuỗi máy cảm biến kiểm tra đo lường âm thanh dưới đáy biển của khu vực giữa đảo Sumatra và Vịnh Bengal để theo dõi hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc.

Như đã đề cập trong Báo cáo chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, liên minh Mỹ – Nhật là cơ sở để đạt được hòa bình và sự thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong khi Ấn Độ là “đồng minh và đối tác thân cận nhất” của Mỹ, quan hệ đối tác chiến lược Mỹ – Nhật Bản – Ấn Độ là cơ chế hợp tác để Mỹ đảm bảo khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Tháng 6/2016, Nhật Bản lần đầu tiên điều tàu sân bay trực thăng “Ise” tham gia cuộc tập trận “Malabar”. Sau đó hàng năm, Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản đều điều “lực lượng huấn luyện ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” do tàu sân bay trực thăng “Izumo” hoặc “Kaga” dẫn đầu tham gia cuộc tập trận “Malabar” ở Tây Thái Bình Dương hoặc Ấn Độ Dương. Đồng thời, lực lượng này còn ghé thăm các nước hữu nghị ven biển Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương từ 2 tháng trở lên, đặc biệt là ghé thăm căn cứ quân sự Subic của Philippines, cảng Colombo của Sri Lanka, thậm chí tiến hành huấn luyện chung với hải quân các nước ghé thăm nhằm thể hiện sự hiện diện quân sự của Nhật Bản ở vùng biển Ấn Độ Dương –  Thái Bình Dương.

Tiếp đến, để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cũng tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng và khả năng kết nối ở khu vực. Sau khi trở lại cầm quyền năm 2012, ông Abe công bố Học thuyết Abenomics với “ba mũi tên” quan trọng, trong đó có Chiến lược xuất khẩu hệ thống cơ sở hạ tầng được sửa đổi hàng năm hy vọng thông qua việc xuất khẩu cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh, như điện và giao thông sang khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, để thúc đẩy tăng trưởng và tái tạo nền kinh tế, nâng cao vị thế ngoại giao và hợp tác kinh tế đối ngoại của Nhật Bản, đảm bảo việc nhập khẩu tài nguyên/năng lượng từ nước ngoài luôn ổn định và có giá rẻ.

Tháng 5/2015, cựu Thủ tướng Abe công bố quan hệ đối tác xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, điều này cho thấy Nhật Bản sẽ sử dụng các công cụ chính sách như ODA để viện trợ kinh tế cho nước ngoài, đồng thời sẽ hợp tác với Ngân hàng phát triển châu Á. Trong 5 năm tới, Nhật Bản sẽ bơm 110 tỷ USD để nâng cao khả năng kết nối giữa Đông Nam Á và Tây Nam Á.

Mặt khác, trong cuộc họp cấp chuyên viên được tổ chức vào ngày 4/4/2018, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đã quyết định Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), Công ty bảo hiểm đầu tư và xuất khẩu Nippon (NEXI) của Nhật Bản và Công ty đầu tư tư nhân nước ngoài (OPIC) của Mỹ cùng cung cấp tài chính và bảo hiểm thương mại để hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Để mở rộng đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở nước ngoài, Mỹ cũng đã thông qua Đạo luật sử dụng hiệu quả hơn các khoản đầu tư phát triển (BUILD), hợp nhất OPIC và các cơ quan phát triển chứng khoán khác của chính phủ thành Công ty phát triển tài chính quốc tế trị giá 60 tỷ USD.

Ngày 12/11/2018, việc OPIC, JBIC, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia và Tập đoàn tài chính và bảo hiểm xuất khẩu (EFIC) ký kết bản ghi nhớ Quan hệ đối tác ba bên Mỹ-Nhật Bản-Australia về đầu tư cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại Tokyo, cho thấy các công ty này sẽ cung cấp các khoản vay cho các doanh nghiệp tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhằm cạnh tranh với Sáng kiến “Vành đai, con đường”. Sau đó, chính phủ 3 nước cũng đưa ra tuyên bố chung ủng hộ việc trên.

Kết luận Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Nhật Bản là một chiến lược toàn diện kết hợp phát triển kinh tế và an ninh ngoại giao, mục tiêu cốt lõi của chiến lược này là xây dựng khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, cũng như thông qua việc hỗ trợ các nước trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương xây dựng cơ sở hạ tầng để thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản và sự phồn vinh của khu vực. Chiến lược này được Chính quyền Trump sửa đổi thành Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, sau đó được Chính quyền Joe Biden đổi mới. Dưới thời Chính quyền Trump, vốn chịu ảnh hưởng của các yếu tố trong và ngoài nước như yêu cầu tái tạo nền kinh tế trong nước, quyết sách của Trump, Chính phủ Nhật Bản một mặt không nới lỏng việc xây dựng các cơ sở quân sự để cân bằng với Trung Quốc, mặt khác cũng tích cực cải thiện quan hệ với Trung Quốc, thiết lập Cơ chế hợp tác Trung – Nhật tại thị trường thứ ba, muốn hai bên có thể hợp tác cùng có lợi ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

RELATED ARTICLES

Tin mới