Thursday, April 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaThủ đoạn hèn của TQ đối với gia đình có người ở...

Thủ đoạn hèn của TQ đối với gia đình có người ở nước ngoài

Một báo cáo gần đây cho biết, Trung Quốc đang thực hiện các hoạt động kiểm soát bất hợp pháp, xuyên quốc gia trên khắp 5 châu lục, nhằm “thuyết phục” những người Trung Quốc ở nước ngoài trở về bằng cách quấy rối, đe dọa gia đình họ ở quê nhà.

Cảnh sát thuộc Đội chiến thuật và vũ khí đặc biệt (SWAT) của Trung Quốc đứng trên đường ở Bắc Kinh vào ngày cuối năm theo lịch truyền thống, 13/02/2010.

Cảnh sát Trung Quốc hiện đang điều hành ít nhất 54 “trung tâm dịch vụ ở nước ngoài”, theo báo cáo đăng tải ngày 12/9/2022 từ tổ chức Safeguard Defenders cho biết.

Khởi đầu tại các địa phương ở Trung Quốc
Tháng 9/2018, chính quyền huyện An Khê, thành phố Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, bắt đầu “Cuộc chiến đặc biệt quét sạch xã hội đen và cái ác và cải chính đặc biệt các kẻ lừa đảo đi nước ngoài” (扫黑除恶专项斗争暨赴境外诈骗流出地专项整治) để chống lại “lừa đảo viễn thông xuyên quốc gia”.

Chiến dịch hướng dẫn thực hiện 5 biện pháp chống lại các nghi phạm lừa đảo trước khi bất kỳ ai trong số họ bị đưa ra tòa: phá dỡ tài sản, cấm con của nghi phạm đến trường học công lập, đình chỉ trợ cấp bảo hiểm y tế và tịch thu hộ chiếu, cấm nghi phạm lên tàu cao tốc và máy bay hoặc lưu trú trong khách sạn, chặn tất cả các đơn xin trợ cấp chính sách.

Sau đó, các hoạt động tương tự đã được triển khai thí điểm ở khoảng 10 tỉnh khác.

Mở rộng toàn cầu
Tuy nhiên, ngôn từ mà chính quyền huyện An Khê sử dụng cho thấy, trận chiến này không chỉ dừng lại ở trong nước mà cần ra cả nước ngoài.

Tháng 9/2018, chính quyền thành phố Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến tuyên bố rằng một trụ sở chỉ huy các hoạt động chiến sự tại nước ngoài đã được thành lập tại Vân Nam, chuyên thực hiện các hoạt động “chống phá, thuyết phục, phân tán, kiểm soát, và tuyên truyền”. Ngoài ra, 70 người chủ yếu là cảnh sát của Sở Công an cũng đã được cử ra nước ngoài để tiến hành “chiến sự tại nước ngoài”.

Chính quyền Tuyền Châu cho biết thêm rằng: “Một nhóm các thành viên gia đình ruột thịt của các đảng viên và cán bộ nên được thuyết phục toàn diện để trở về”. Những người có thành viên gia đình không trở về nhà sẽ phải đối mặt với điều tra và trừng phạt.

Năm 2021, Tuần báo Phương Nam thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc ước tính có hơn 110 “thông báo [yêu cầu] trở về” đã được chính quyền các địa phương trên khắp Trung Quốc đưa ra.

Tháng 4/2022, Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Đỗ Hàng Vĩ đã thông báo những thành tựu trong việc trấn áp lừa đảo viễn thông: “Chúng tôi đã thuyết phục 210.000 người trở về vào năm ngoái (2021)”.

Tháng 8/2022, Bộ Công an công bố tổng số người bị “thuyết phục” trở về trong chiến dịch chống “lừa đảo viễn thông” này, chỉ tính riêng từ tháng 4/2021 đến tháng 7/2022, là 230.000 cá nhân.

9 quốc gia trong danh sách cấm
Kể từ cuối tháng 11/2021, nhiều thông báo đã được đưa ra nhằm cảnh báo công dân Trung Quốc không được đến 9 quốc gia có tình hình phạm tội về viễn thông nghiêm trọng: Campuchia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Philippines, Thái Lan, Myanmar, Lào, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, và Indonesia. Những người không “cần thiết” hoặc “lý do khẩn cấp” để đi đến hoặc ở lại các quốc gia đó được yêu cầu trở về Trung Quốc càng sớm càng tốt.

Tháng 9/2021, Cục trưởng Cục Điều tra Hình sự Bộ Công an Lưu Trung Nghĩa cho biết, kể từ đầu năm, có tổng cộng 54.000 nghi phạm lừa đảo đã bị thuyết phục trở về từ miền bắc Myanmar.

Tháng 2/2022, chính quyền thành phố cấp huyện Lai Dương, Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, ra thông báo yêu cầu những người từ Lai Dương đang “cư trú bất hợp pháp” ở miền bắc Myanmar phải trở về trước ngày 31/3/2022. Nếu không tuân theo thông báo, thì gia đình ruột thịt và bạn bè có tham gia vào các giao dịch tài chính với nghi phạm sẽ bị kiểm soát, hạn chế, hoặc thậm chí hủy bỏ tài khoản ngân hàng, các thành viên gia đình cũng sẽ phải đối mặt với việc bị đình chỉ hoặc hủy bỏ các khoản trợ cấp, con của nghi phạm cũng sẽ được chuyển về quê đi học.

Tháng 7/2022, chính quyền thành phố cấp huyện Văn Xương, tỉnh Hải Nam, ra thông báo tiết lộ tên và hình ảnh những người từ Văn Xương đang “lưu trú bất hợp pháp ở miền bắc Myanmar” và cảnh báo họ phải trở về. Nếu không tuân thủ trước ngày 10/8/2022 thì gia đình ruột thịt của họ sẽ bị đình chỉ bảo hiểm và các quyền lợi khác, con cái của họ sẽ không thể vào trường học ở thành thị, và nhà cửa của họ sẽ bị phá dỡ.

Cũng trong tháng 7/2022, một báo cáo cho biết kể từ năm 2021, công dân Trung Quốc đã được đưa về từ Campuchia 4 lần, và Trung Quốc đã trả chi phí đi lại.

Tổ chức Safeguard Defenders lưu ý rằng “trong số những nghi phạm có cả những người hoàn toàn vô tội chỉ đơn giản là sống ở sai chỗ, và những nạn nhân đã bị đẩy vào những hành vi bất hợp pháp như vậy thông qua việc buôn người và đe dọa”.

Trung tâm dịch vụ cảnh sát Trung Quốc trên toàn thế giới
Theo báo chí nhà nước Trung Quốc, các trung tâm dịch vụ cảnh sát được thành lập để “giúp đỡ công dân Trung Quốc ở nước ngoài” trong các thủ tục hành chính.

Nhưng các trung tâm này cũng phục vụ một “mục đích nham hiểm hơn” và “bất hợp pháp”, báo cáo của Safeguard Defenders nói. Họ truy kích và “thuyết phục” các mục tiêu trở về Trung Quốc.

Báo cáo của Safeguard Defenders cho thấy, chỉ riêng thành phố Phúc Châu và huyện Thanh Điền đã có 54 trung tâm dịch vụ tại 30 quốc gia trên khắp 5 châu lục. Safeguard Defenders cho rằng, sở cảnh sát các địa phương khác cũng có thể đang vận hành nhiều trung tâm khác nữa mà cuộc điều tra không tìm thấy.

Nhà nghiên cứu Trần Ngạn Đình thuộc tổ chức Safeguard Defenders chia sẻ với RFA rằng quá trình “thuyết phục trở về” giống như “một sự giả định có tội … [và] với sự ép buộc cá nhân được sử dụng trên bất kỳ ai không muốn trở về”.

Ông Trần dẫn chứng trường hợp một người đàn ông quốc tịch Trung Quốc điều hành một nhà hàng bánh mì kẹp thịt ở Campuchia.

“[Ông ấy] bị cảnh sát ở quê nhà yêu cầu trở về Trung Quốc mà không rõ nguyên do, nhưng ông ấy đã từ chối. Vì vậy, cảnh sát đã đến bên ngoài nhà mẹ ông ấy để phun cái mác ‘nhà của một nghi phạm lừa đảo’ lên, và thậm chí cắt điện và nước”, ông Trần nói.

Thi Dật Tường — Tổng thư ký Hiệp hội Nhân quyền Đài Loan — cho rằng báo cáo này nên là một lời cảnh báo khẩn cấp đối với các chính phủ trên thế giới về các hoạt động của nhà nước Trung Quốc ở nước ngoài.

“[Chúng tôi muốn biết] liệu họ có thể sử dụng những quyền lực đó để nhằm vào những người bất đồng chính kiến ​​ở nước ngoài hoặc bất kỳ ai bị chính phủ Trung Quốc truy nã hay không”, ông Thi nói.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới