Wednesday, April 24, 2024
Trang chủBiển nóngTQ đẩy mạnh chiếm lĩnh hoạt động tàu ngầm và chống ngầm...

TQ đẩy mạnh chiếm lĩnh hoạt động tàu ngầm và chống ngầm ở Biển Đông

Tại Biển Đông, không chỉ đẩy mạnh năng lực chống ngầm mà Trung Quốc liên tục tăng cường khả năng hoạt động cho tàu ngầm nước này.

Từ tăng cường năng lực chống ngầm

Website của Bộ Quốc phòng Trung Quốc vừa công bố hình ảnh máy bay săn ngầm thuộc dòng Thiểm Tây Y-8 tham gia cuộc tập trận diễn ra hồi giữa tháng 9. Nội dung công bố không nêu rõ vị trí cuộc tập trận, nhưng cho biết máy bay tham gia tập trận thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu nam bộ của quân đội Trung Quốc (PLA). Tuy nhiên, Bộ Tư lệnh Chiến khu nam bộ vốn phụ trách các hoạt động của PLA ở Biển Đông.

Thực tế, hồi tháng 5, tờ Hoàn Cầu thời báo cũng thông tin PLA đang nối lại các hoạt động của máy bay săn ngầm Thiểm Tây Y-8 ở khu vực Biển Đông. Những động thái này được đánh giá là Trung Quốc đang tăng cường khả năng kiểm soát hoạt động của tàu ngầm ở vùng biển này.

Đến mở rộng hoạt động của tàu ngầm

Trong khi đó, PLA cũng đang ra sức tăng cường hoạt động của tàu ngầm ở Biển Đông. Ngày 23.9, tờ South China Morning Post dẫn các hình ảnh vệ tinh được chụp gần đây cho thấy Trung Quốc đã mở rộng căn cứ quân sự Du Lâm ở tỉnh Hải Nam. Theo đó, 2 cầu tàu mới dài khoảng 240 m đang được xây dựng tại căn cứ Du Lâm và quá trình xây dựng được tiến hành từ tháng 3 – 7 vừa qua.

Tờ báo dẫn lời nhà phân tích quân sự Chu Thần Minh, ở Bắc Kinh, cho rằng với việc bổ sung thêm 2 cầu tàu mới, Du Lâm sẽ được dùng để triển khai các loại tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân là Type 094 và Type 093. Trong đó, tàu Type 094 có thể phóng tên lửa đạn đạo và được xem như một phương tiện răn đe hạt nhân của Bắc Kinh.

Trước đó, tờ South China Morning Post ngày 17.9 cũng đã đưa tin Trung Quốc vừa thử nghiệm thành công công nghệ liên lạc dưới nước ở Biển Đông cho phép tàu ngầm và thiết bị không người lái duy trì liên lạc trên diện tích hơn 30.000 km2. Cuộc thử nghiệm diễn ra tại khu vực biển sâu 3.800 m nằm giữa quần đảo Đông Sa (Pratas) hiện do Đài Loan kiểm soát và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền VN. Trả lời Thanh Niên về diễn biến , TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận định: “Khi xây dựng thành công một hệ thống liên lạc dưới nước hiệu quả, Trung Quốc có thể che giấu tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo ở Biển Đông”.

Trung Quốc đẩy mạnh chiếm lĩnh hoạt động tàu ngầm ở Biển Đông - ảnh 2
Máy bay săn ngầm Thiểm Tây Y-8 tham gia cuộc tập trận vừa qua Chinamil.com.cn

Không dừng lại ở đó, tờ South China Morning Post cũng thông tin Trung Quốc đang xúc tiến kế hoạch phát triển căn cứ trong biển sâu ở Biển Đông để cập cảng, nạp năng lượng cho các thiết bị lặn không người lái (UUV – tạm hiểu như một dạng tàu ngầm không người lái và dự kiến đi vào hoạt động trong vài năm tới. Kèm theo đó, Bắc Kinh cũng đang phát triển vũ khí thông minh có thể được triển khai trong lòng biển để sẵn sàng tham chiến bất ngờ.

Thực tế, việc tăng cường năng lực hoạt động của tàu ngầm ở Biển Đông đã được Trung Quốc triển khai theo một lộ trình lâu dài, nhiều tầng bước. Hồi tháng 9.2019, Cục Nam Hải thuộc Bộ Tài nguyên Trung Quốc cho biết đã triển khai mạng lưới thiết bị bay không người lái (UAV) ở Biển Đông để theo dõi, giám sát những thực thể và vùng biển xa bờ. Trả lời Thanh Niên xung quanh diễn biến này khi đó, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) lo ngại UAV có thể giúp Trung Quốc thu thập các thông tin về địa hình trong lòng biển, độ sâu, dòng chảy… “Đó là những cơ sở quan trọng để Bắc Kinh triển khai các phương tiện, thiết bị dưới mặt nước để kiểm soát khu vực. Qua đó, Trung Quốc có thể triển khai và đẩy mạnh hoạt động tàu ngầm”, ông Nagy đặt vấn đề. Kèm theo đó, Bắc Kinh cũng công bố nhiều hoạt động “nghiên cứu khoa học” về hải dương ở Biển Đông mà giới chuyên gia cảnh báo là nhằm hỗ trợ thông tin để hoạt động tàu ngầm.

RELATED ARTICLES

Tin mới