Thursday, March 28, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiMỹ, TQ, Nhật Bản tăng tốc thu gom, 7 loại nông sản...

Mỹ, TQ, Nhật Bản tăng tốc thu gom, 7 loại nông sản của Việt Nam đua nhau tăng giá

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 9 tháng năm 2022 đạt 40,8 tỷ USD; Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản là những thị trường mua nông sản của Việt Nam nhiều nhất.

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 9 tháng năm 2022 đạt 40,8 tỷ USD; Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản là những thị trường mua nông sản của Việt Nam nhiều nhất, trong đó Mỹ chủ yếu mua đồ gỗ của Việt Nam. Trong ảnh: Chế biến gỗ tại Công ty Phú Tài, Quy Nhơn, Bình Định.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ NNPTNT, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến thông tin, 9 tháng năm 2022, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 40,8 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu nhóm nông sản chính trên 16,8 tỷ USD; lâm sản chính khoảng 13,3 tỷ USD; thủy sản trên 8, 5 tỷ USD.

Đến nay, có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD, gồm cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ.

Đáng chú ý, có nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước như: Cà phê gần 3,1 tỷ USD, tăng 37,6%; cao su trên 2,3 tỷ USD, tăng 7,7%; sắn và sản phẩm từ sắn trên 1 tỷ USD; cá tra trên 1,9 tỷ USD, tăng 83,3%; tôm gần 3,5 tỷ USD, tăng 24,8%.

Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam với giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 10,5 tỷ USD, chiếm 25,8% thị phần; đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc khoảng 7,4 tỷ USD, chiếm 18,2% thị phần; thứ 3 là thị trường Nhật Bản, đạt 3,1 tỷ USD; thứ tư là thị trường Hàn Quốc.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, kết quả của ngành nông nghiệp trong 9 tháng đầu năm đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP, góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô.

Năm 2022, Bộ NNPTNT đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 55 tỷ USD (cao hơn Chính phủ giao).

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, để đạt được mục tiêu này, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, hướng dẫn, định hướng các địa phương nhất là các vùng trọng điểm về sản xuất lúa gạo, chăn nuôi, thủy sản có kế hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Bên cạnh việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại quốc tế, mở cửa thị trường, ở thị trường trong nước tập trung phát triển đa dạng các kênh tiêu thụ lương thực, thực phẩm; bảo đảm nguồn cung và ổn định giá thực phẩm, giá thịt lợn để góp phần giữ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong ngưỡng cho phép, nhất là dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

“Bộ NNPTNT sẽ tăng cường các giải pháp về thị trường để bảo đảm mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành nông nghiệp trong năm nay”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

“Từ nay đến cuối năm còn 3 tháng, về xuất khẩu còn nhiều khó khăn do đơn hàng giảm nhiều, dấu hiệu tồn kho còn, sức mua giảm. Tuy nhiên, với mục tiêu đạt trên 50 tỷ USD thì chúng ta sẽ hết sức phấn đấu, cố gắng thông qua các giải pháp về thị trường để bảo đảm mục tiêu đề ra”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới