Friday, March 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Hiệu ứng làm mẫu” hay hiệu ứng bắt nước chảy ngược?

“Hiệu ứng làm mẫu” hay hiệu ứng bắt nước chảy ngược?

Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Những bằng chứng lịch sử và pháp lý rành rành như thế tưởng không ai có thể chối cãi. Thế nhưng gần đây một số người nhân danh “nhà sử học” của Trung Quốc vẫn lớn tiếng bắt nước chảy ngược.

Tại một huyện khuất nẻo của Tây Nguyên, Việt Nam đã tổ chức triển lãm về Hoàng Sa và Trường Sa. Chẳng hiểu chính quyền Hà Nội e ngại điều gì mà không mang cái triển lãm này đặt ngay giữa Thủ đô, hoặc chí ít cũng tại thành phố Đà Nẵng – nơi có huyện đảo Hoàng Sa. Người thạo tin thì bảo, thôi dại gì chống Tầu vào lúc này, khi mà quan hệ hai nước đang “ấm lên”, đành khôn khéo lên tiếng, kẻo lại mang tiếng lấy đá ghè chân mình (!).

Triển lãm được tổ chức vào cuối tháng 9/2022, tại huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. Triển lãm lưu động có tên: “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam-những bằng chứng lịch sử và pháp lý”. Số lượt người xem và các ý kiến nhận xét không được công bố rộng rãi. Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội cũng im lặng như rùa ăn sung.

Triển lãm giới thiệu khá chi tiết hơn 100 hình ảnh về các tư liệu, bản đồ với 6 chủ đề, gồm: Bản đồ Việt Nam thời quân chủ (Thế kỷ 16 – 19) khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Bản trích và Châu bản triều Nguyễn thể hiện chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.

Bên cạnh đó còn có Bản đồ xuất bản tại phương Tây (Thế kỷ 16 – 19) ghi nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Bản đồ Trung Quốc do phương Tây và Trung Quốc xuất bản (Thế kỷ 16 – 20) ghi nhận Hoàng Sa, Trường Sa không thuộc về Trung Quốc; các hình ảnh, tư liệu về quần đảo Hoàng Sa trước năm 1975; một số hình ảnh về quần đảo Trường Sa hiện nay. Mới nhất là hình ảnh về và các hoạt động của cán bộ, chiến sĩ hải quân, nhân dân Việt Nam trên quần đảo Trường Sa.

Chính quyền sở tại cho hay: Triển lãm là dịp cung cấp các thông tin, bằng chứng lịch sử, pháp lý về chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Đây cũng là hoạt động thông tin, tuyên truyền quan trọng, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Khẳng định lập trường chính nghĩa của Việt Nam, nâng cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của người dân, nhất là các tầng lớp thanh thiếu niên, học sinh trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Theo các tài liệu phía Việt Nam lưu trữ được Trung Quốc đưa quân cưỡng chiếm toàn bộ Hoàng Sa năm 1974 và một phần Trường Sa năm 1988. Họ ngang niên đặt tên là Tây Sa và Nam Sa. Từ đó mấy chục năm qua họ đã tiến hành hàng loạt biện pháp nhằm củng cố hiện diện dân sự lẫn quân sự phi pháp tại các quần đảo này.

Theo các tài liệu của Tạp chí Phương Đông thuộc Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông (trực thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam), đã có hàng trăm cuộc đàm phán đa phương, song phương với Trung Quốc về chủ quyền biển đảo và các chứng cứ về chủ quyền biển đảo của các nước đều đã được các quốc gia công bố.

Một trong những bản đồ từ thời xa xưa thể hiện chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông là tấm Bản đồ Đại Việt quốc trong tập Hồng Đức Bản đồ, được vẽ vào thế kỷ 15 dưới thời vua Lê Thánh Tông. Bản đồ này thể hiện đầy đủ 13 đơn vị hành chính khi đó, gọi là 13 thừa tuyên, đồng thời có mô tả quần đảo Hoàng Sa. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu thì, người Việt đã khám phá và khai thác tại khu vực quần đảo Hoàng Sa từ thời Lý, Trần.Tấm Bản đồ Đại Việt quốc trong tập Hồng Đức Bản đồ được vẽ từ thế kỷ thứ 15 (1490) có miêu tả quần đảo Hoàng Sa.

Tạp chí Phương Đông bình luận: “Điều này chứng tỏ từ thế kỷ 15 nhà nước Đại Việt đã khai thác Hoàng Sa và triều Lê đã thể hiện Hoàng Sa trong cương giới của mình”.

Năm 1816, sau khi thống nhất đất nước, Vua Gia Long cho thị sát Hoàng Sa để tái khẳng định chủ quyền mà Việt Nam vốn có từ lâu trên quần đảo này. Đến thời vua Minh Mạng, sách sử nhà Nguyễn ghi rằng hằng năm Bộ Công phải cho người ra khảo sát đo đạc và ghi lên Đại Nam nhất thống toàn đồ đệ trình để nhà vua ngự lãm. Việc vẽ bản đồ như vậy do nhà nước phong kiến phái khiển nên Đại Nam nhất thống toàn đồ là bản đồ chính thức của nhà nước, biểu hiện việc hành xử chủ quyền ở Biển Đông.

Vào thời vua Minh Mạng, giám mục người Pháp Jean-Louis Taberd (1794 -1840) thuộc Hội Thừa sai Paris xuất bản một cuốn tự điển Latin – An Nam tại Ấn Độ, trong đó có tấm bản đồ An Nam đại quốc họa đồ. Bản đồ thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa ở phía trên vĩ tuyến 16 và chú thích Hoàng Sa là “Paracel hay Cát Vàng”.

Tương tự, nhiều bản đồ khác gọi Hoàng Sa bằng tên tiếng Hà Lan là “Paracels” hoặc gọi chung Hoàng Sa – Trường Sa bằng tên “Paracel” (không có chữ “s”) và các nhà hàng hải, địa lý luôn đề cập Paracels/Paracel thuộc hải phận Vương quốc Đàng Trong. Trong số này có Bản đồ Đông Dương (Carte de La Penisula Indochinoise) do nhà địa lý Hà Lan Frere Van Langren vẽ và được Công ty Đông Ấn Hà Lan phát hành năm 1595.

Với những chứng cứ rõ ràng không thể chối cãi, nhưng phía Trung Quốc vẫn cố tình nói rằng : Tây Sa (Hoàng Sa) là thuộc về Trung Quốc từ thời thượng cổ. Thời thượng cổ ấy là thời nào?

Vừa rồi sau chuyến thăm của Ông Nguyễn Phú Trọng -Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam – sang Trung Quốc. Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đã hết lời ca ngợi tình hữu nghị Việt Trung. Báo này viết: “Thành tích mà Trung Quốc và Việt Nam giành được trong xây dựng hiện đại hóa và mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước chẳng những phù hợp lợi ích càu nhân dân hai nước mà còn hình thành hiệu ứng làm mẫu trong khu vực và thế giới”.

Thời báo Hoàn Cầu nói mà không biết ngượng mồm. “Hiệu ứng làm mẫu” hay hiệu ứng bắt nước chảy ngược?

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới