Tuesday, March 19, 2024
Trang chủThâm cung bí sửCái chết bi thảm của con trai cả Lưu Thiếu Kỳ

Cái chết bi thảm của con trai cả Lưu Thiếu Kỳ

Sau cái chết của Lưu Doãn Bân, những kẻ tạo phản đã thêm một loạt tội danh mới vào danh mục rất nhiều “tội danh” của ông – tự sát vì sợ tội, tự tuyệt với nhân dân, tự tuyệt với đảng.

Vì lợi ích của ĐCSTQ, Lưu Thiếu Kỳ thuyết phục con trai cả Lưu Doãn Bân đoạn tuyệt 18 năm cuộc đời ở Liên Xô, trở về Trung Quốc nghiên cứu phát triển vũ khí hạt nhân. Cuối cùng, ĐCSTQ đã hiện thực hóa dã tâm hạt nhân của mình, còn Lưu Doãn Bân thì nằm trên đường tàu tự sát.

Vào ngày 12/11/1969, năm thứ ba sau khi Cách mạng Văn hóa bùng nổ, Lưu Thiếu Kỳ, Chủ tịch nước ĐCSTQ, đã qua đời vì bệnh tật ở Khai Phong, tỉnh Hà Nam sau khi bị tra tấn. Hai năm trước khi Lưu Thiếu Kỳ qua đời, vào ngày 21/11/1967, con trai cả của ông, Lưu Doãn Bân, chuyên gia vật liệu hạt nhân thế hệ thứ nhất của Trung Quốc, đã tự sát bằng cách nằm trên đường ray xe lửa, vì không chịu nổi sự sỉ nhục và tra tấn trong Cách mạng Văn hóa, khi chỉ mới 42 tuổi.

Lưu Doãn Bân từng du học ở Liên Xô

Lưu Thiếu Kỳ kết hôn 6 lần trong đời và có 9 người con. Ông và người vợ thứ hai Hà Bảo Trân (còn được gọi là Hà Bảo Trinh) có 3 người con, Lưu Doãn Bân chính là con trai cả của họ, sinh năm 1925.

Theo ghi chép lịch sử ĐCSTQ, năm 1939, Lưu Doãn Bân, 14 tuổi, được gửi đến Liên Xô để học tại Học viện Thiếu nhi Quốc tế Monino ở Mátxcơva, sau đó chuyển đến Học viện Thiếu nhi Quốc tế đệ nhất ở thành phố Ivanov.

Năm 1945, ông tốt nghiệp trung học và được nhận vào Học viện Gang thép Mátxcơva. Cũng trong năm đó, Mỹ thả hai quả bom nguyên tử xuống Nagasaki và Hiroshima, Nhật Bản. Hai quả bom nguyên tử này là một trong những nhân tố quan trọng nhất dẫn đến sự đầu hàng cuối cùng của Nhật Bản. Điều này khiến Lưu Doãn Bân cảm nhận được sức mạnh của vũ khí hạt nhân. Sau khi học tại Viện Gang thép Mátxcơva được một năm, ông quả quyết chuyển chuyên ngành, nộp đơn mới vào Khoa Hóa học của Đại học Mátxcơva.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân năm 1952, Lưu Doãn Bân được nhận làm nghiên cứu sinh chuyên ngành hóa phóng xạ hạt nhân và nhận bằng tiến sĩ năm 1955. Ông là sinh viên Trung Quốc đầu tiên học tại Liên Xô lấy bằng tiến sĩ vào thời điểm đó. Sau đó, ông làm nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Hóa học của Đại học Quốc gia Mátxcơva.

Lưu Doãn Bân sống ở Liên Xô trong 18 năm. Trong thời gian này, ông kết hôn với cô gái người Nga Mara Feratova, bạn đồng học khoa Hóa trường Đại học Tổng hợp Mátxcơva, năm 1952, họ sinh con gái Sonia, và sinh con trai Alyosha năm 1955.

Tuy nhiên, Lưu Thiếu Kỳ kiên trì yêu cầu Lưu Doãn Bân trở về Trung Quốc. Trong bức thư gửi Lưu Doãn Bân, ông nói: Khi lợi ích cá nhân phát sinh xung đột với lợi ích của đảng, cha tin rằng con sẽ nhất định có thể “hy sinh lợi ích cá nhân một cách vô điều kiện mà phục tùng lợi ích của đảng”.

Theo cuốn sách “Gia đình tôi sống ở Trung Nam Hải”, Lưu Doãn Bân sau này đã tiết lộ hoàn cảnh lúc đó, kể rằng: “Nhưng tôi không còn độc thân nữa. Tôi đã có vợ con rồi. Vợ chồng chúng tôi có tình cảm sâu đậm, làm sao tôi có thể rời bỏ vợ con? Tôi luôn động viên vợ hãy về Trung Quốc với tôi, nhưng cô ấy không hiểu tiếng Trung, mà truyền thống văn hóa, thói quen sinh hoạt và tiêu chuẩn của hai quốc gia khác biệt quá lớn, cô ấy đã từng hai lần đến Trung Quốc, cố gắng sống thử, nhưng không cách nào thích nghi với cuộc sống ở đây. Hy vọng của tôi trong việc cố động viên cô ấy quay lại với tôi đã tan thành mây khói.”

Nhưng cuối cùng, Lưu Doãn Bân vẫn chọn “hy sinh lợi ích cá nhân mà phục tùng lợi ích của đảng một cách vô điều kiện”. Sau vài năm chần chừ, ông ly hôn với người vợ ở Liên Xô và chia tay với hai đứa con thân sinh cốt nhục.

Trở về Trung Quốc để nghiên cứu vật liệu hạt nhân

Tháng 10/1957, Lưu Doãn Bân trở về Bắc Kinh và làm việc tại Viện Năng lượng Nguyên tử Trung Quốc 401 trực thuộc Bộ Công nghiệp Cơ khí thứ hai, chủ yếu nghiên cứu nhiên liệu hạt nhân.

Theo bài viết của “Chuyên gia vũ khí hạt nhân Lưu Doãn Bân” trong cuốn sách “Những thăng trầm của danh nhân”, việc phát triển bom nguyên tử trước tiên phải có nhiên liệu hạt nhân đủ tiêu chuẩn, lấy từ quặng uranium. Tuy nhiên, chỉ có 0,7% uranium-235 trong uranium tự nhiên có thể được sử dụng, trong khi hơn 99% uranium-238 không thể được sử dụng trực tiếp. Nhưng uranium-238 có một điểm đặc biệt: Nó có thể được chuyển đổi thành plutonium-239 dưới sự bắn phá của neutron, đây là nhiên liệu hạt nhân tốt hơn và cao cấp hơn uranium-235. Nếu plutonium-239 được sử dụng để chế tạo bom nguyên tử, thì nó có thể nhỏ hơn và nhẹ hơn uranium-235 với cùng uy lực. Tuy nhiên, việc tách plutonium-239 không phải là một nhiệm vụ dễ dàng và các quốc gia liên quan vào thời điểm đó coi đây là tài liệu tuyệt mật.

Công việc của Lưu Doãn Bân là tìm cách phân ly plutonium-239 khỏi phế liệu được đốt cháy bởi lò phản ứng. Công việc này có quan hệ mật thiết với sự thành bại của quá trình phát triển bom nguyên tử. Dưới sự lãnh đạo của ông, sau hàng ngàn thí nghiệm, phòng thí nghiệm cuối cùng đã chiết xuất được plutonium-239.

Khi làm việc tại Viện 401, Lưu Doãn Bân kết hôn với Lý Diệu Tú, một đồng nghiệp cũng từ Liên Xô trở về. Sau khi kết hôn, ông tiếp tục “vì lợi ích của đảng” mà cống hiến hết mình, và Lưu Diệu Tú quán xuyến mọi sự vụ hai bên gia đình nội ngoại.

Vào tháng 8/1962, trước khi thiết kế nhà máy phân ly plutonium then chốt, quan hệ Trung-Xô xấu đi, Liên Xô triệt để rút toàn bộ chuyên gia, lấy đi toàn bộ nguyên liệu. ĐCSTQ chỉ có thể “tự thân vận động”, quyết định xây dựng một nhà máy sản xuất nhiên liệu hạt nhân ở Nội Mông – Nhà máy Bao Đầu 202. Lưu Doãn Bân cũng được lệnh chuyển đến đó, ngày đêm làm việc để hiện thực hóa dã tâm hạt nhân của ĐCSTQ càng sớm càng tốt.

Khi Lưu Diệu Tú sinh đứa con đầu lòng, để không ảnh hưởng đến công việc của chồng, cô đề nghị sinh con ở Thượng Hải. Khi đứa con thứ hai chào đời, Lưu Doãn Bân sau khi nghe tin hai mẹ con đã bình an vô sự, liền chạy ngay khỏi bệnh viện đến phòng thí nghiệm.

Cuối cùng, các vật liệu hạt nhân cần thiết để phát triển bom nguyên tử đã được tinh chế và sản xuất. Ngày 16/10/1964, quả bom nguyên tử đầu tiên của Trung Quốc mang mật danh “596” đã phát nổ thành công.

Lưu Doãn Bân bị phê đấu trong Cách mạng Văn hóa

Vậy, Lưu Doãn Bân, người phục tùng lợi ích của đảng một cách vô điều kiện, điều đang chờ đợi ông là gì?

Ngay sau khi bắt đầu Cách mạng Văn hóa năm 1966, Lưu Thiếu Kỳ đã bị đả đảo thành “đầu sỏ phái đương quyền đi theo con đường tư bản chủ nghĩa” trong nội bộ ĐCSTQ. Sau đó, ông bị coi là “phản đồ, nội gián, công tặc” và bị vĩnh viễn khai trừ khỏi đảng.

Sau khi Lưu Thiếu Kỳ bị lật đổ, Nhà máy 202 lập tức dường như nổ tung, xuất hiện nhiều kẻ tạo phản, náo loạn đến mức chó gà cũng bất an. Lưu Doãn Bân đã trở thành con dê thế tội, các phe các phái đều lấy việc phê đấu Lưu Doãn Bân làm vinh dự, có vẻ như ai phê đấu càng tàn nhẫn, thủ đoạn càng thâm độc, thì người đó càng nhiệt thành yêu Mao Chủ tịch hơn. Họ treo lên cổ Lưu Doãn Bân những tấm biển lớn như: “Đứa con ngoan hắc ám của Lưu Thiếu Kỳ”, “Đương quyền phái đi theo con đường tư bản chủ nghĩa”, “Đặc vụ xét lại Liên Xô” v.v. đại hội phê, tiểu hội đấu.

Phê đấu trong nhà máy không đủ, vì vậy những kẻ tạo phản đã đẩy ông lên một chiếc ô tô, treo một tấm biển, xuyên qua vùng hoang dã như áp giải phạm nhân đến một thị khu cách đó hơn mười cây số để du đấu. Những kẻ tạo phản phái từ Bộ Cơ khí thứ hai ở Bắc Kinh nghe phong thanh chuyện này, thâu đêm đến nhà máy để cướp người, lôi Lưu Doãn Bân đến Bắc Kinh phê đấu.

Đối diện với đủ loại phê đấu vô lý bất tận, Lưu Doãn Bân chỉ có thể im lặng chịu đựng, ngậm đắng nuốt cay, căn bản không cách nào biện giải.

Điều khiến ông buồn nhất là một số công nhân, đồng nghiệp cũ từng được ông giúp đỡ khi nhìn thấy ông như vậy đã ngoảnh mặt đi; Những người bình thường cư xử rất tốt, thường hay lui tới, thì nay đã trở thành những tên côn đồ. Một số người đã túm tóc ông, muốn đánh ông đến chết.

Những kẻ tạo phản yêu cầu Lưu Doãn Bân đả đảo Lưu Thiếu Kỳ, nhưng ông không chịu; Chúng yêu cầu ông cắt đứt quan hệ cha con với Lưu Thiếu Kỳ, nhưng ông không tuân theo; Chúng yêu cầu ông vạch trần tội hành của Lưu Thiếu Kỳ, ông không thể nói được gì.

Tuy có người âm thầm cảm thán thương tâm, nhưng không một cá nhân nào dám công khai đứng ra nói một lời công bằng cho ông.

Ngoài ra còn có một loạt các biến cố trong gia đình, điều này phi thường đả kích Lưu Doãn Bân. Sau khi cha ông bị đả đảo, mẹ kế của ông là Vương Quang Mỹ bị giam trong nhà tù Tần Thành. Em gái Lưu Ái Cầm bị phê phán là “gián điệp Liên Xô”, bị cách ly thẩm tra, đồng thời bị khai trừ đảng tịch. Người em chỉ vì một câu nói của Giang Thanh “Lưu Doãn không phải là thứ tốt”, mà bị giam trong nhà tù Bán Bộ Kiều ở Bắc Kinh. Tháng 1/1967, em gái cùng cha khác mẹ Lưu Đào và em trai Lưu Doãn Chân đăng áp phích chữ lớn phê phán cha của họ, chửi rủa: “Lưu Thiếu Kỳ vô liêm sỉ đến cực điểm”…

Sau đó, Lưu Doãn Bân bị áp giải đi đào cát ở lòng sông bên cạnh lò hỏa táng đô thị. Ông đến gần lò hỏa táng, cẩn thận quan sát những thi thể bị đốt cháy, biến mất, hóa thành vài làn khói trong lò, chỉ còn lại một nắm tro tàn, và trái tim ông cũng biến thành một nắm tro tàn.

Lưu Doãn Bân nằm trên đường ray tự sát

Ngày 21/11/1967, sau khi bị phê đấu suốt một ngày, Lưu Doãn Bân lê thân thể kiệt sức, trở về nhà với những vết sẹo khắp người. Đêm đó, gió bắc gào thét, tuyết lớn bay mù mịt, lạnh đến thấu xương. Ông nằm trên giường với nguyên bộ quần áo công xưởng trên người, thao thức mãi không ngủ được.

Ông hồi ức lại 42 năm kể từ khi đến thế giới này, nhất tâm muốn học một chút bản sự, vì đất nước nỗ lực, và ông đã thực sự làm được điều đó, nhưng vì là con trai của Lưu Thiếu Kỳ, tại một thời đại mà “Cha anh hùng con hảo hán, cha phản động con thành thằng khốn”, ông bỗng chốc biến thành “kẻ bại hoại”, mỗi ngày phải chịu hết phê đấu này đến phê đấu khác, không thể công tác, không còn ai tôn nghiêm, nhìn không thấy chút tiền đồ và ánh sáng nào phía trước.

Ông đã tâm sự rất nhiều với vợ là Lý Diệu Tú, hy vọng vợ sẽ nuôi dạy hai con thành người. Khi đó Lý Diệu Tú rất mệt mỏi, bà cũng không để ý tại sao ông lại nói những lời này, chỉ cảm thấy ông tâm lý không được ổn, không ngừng nôn khan.

Sau khi Lý Diệu Tú chìm vào giấc ngủ, Lưu Doãn Bân bí mật thức dậy, lặng lẽ mở cửa nhà và biến mất trong màn đêm bao la, mặc cho gió và tuyết, ông không cảm thấy lạnh, cũng không cảm thấy đau, từng bước một, hướng đến đoạn đường sắt đó mà đi.

Sau khi Lý Diệu Tú tỉnh dậy, bà phát hiện chồng mình không có ở đó, bà đã tìm kiếm khắp nơi trong nhà nhưng không thấy ông đâu. Bà lập tức chạy đến nhà bảo mẫu, kêu mọi người cùng nhau ra ngoài tìm kiếm, mãi đến rạng sáng họ mới tìm thấy thi thể của Lưu Doãn Bân trên đường ray xe lửa phía bắc khu dân cư.

Khi đó, Lưu Doãn Bân đang nằm trên đường ray, cổ bị bánh xe lửa cán gãy, nửa đầu bị dập nát, máu thấm đẫm lớp tuyết dày xung quanh, cảnh tượng thật kinh khủng.

Sau cái chết của Lưu Doãn Bân, những kẻ tạo phản đã thêm một loạt tội danh mới vào danh mục rất nhiều “tội danh” của ông – tự sát vì sợ tội, tự tuyệt với nhân dân, tự tuyệt với đảng.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới