Wednesday, April 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐàm phán có phải là… đầu hàng?

Đàm phán có phải là… đầu hàng?

Trong tuyên bố của Hội nghị các nước G20, tại Bali, Indonesia, vừa bế mạc tuần trước nhấn mạnh rằng, cần tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Nga-Ukraina, trong đó việc nỗ lực giải quyết khủng hoảng, ngoại giao và đối thoại là rất quan trọng.

G20 khẳng định, thời đại ngày nay không có chỗ cho chiến tranh. Mỹ và phương Tây khuyên chính quyền Kiev nên đàm phán với Nga. Trong khi đó Moscow khá lừng chừng, còn Kiev thì tỏ rõ thái độ từ chối đàm phán vào lúc này, vì đã qua nhiều lần đàm phán không thành công, phía Nga luôn đưa ra những yêu sách “không thể chấp nhận”.

Cố vấn của Tổng thống Ukraina, Mykhailo Podoliak tuyên bố cứng rắn: “đàm phán với Nga vào thời điểm này là một sự đầu hàng”. Đây cũng là câu trả lời Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ – tướng Mark Mille. Trước đó, tướng Mark từng “khuyên” Kiev: “Các ngài cần nối lại đàm phán để vãn hồi hòa bình”.

Hôm 20/11/2022, Cố vấn Mykhailo Podoliak trao đổi với báo chí, những việc làm của phương Tây nhằm lung lạc Kiev vào lúc này là “hơi kỳ lạ”. Bởi đây là lúc quân đội Ukraina đang giành những thắng lợi rất lớn. Mỹ hoặc quốc gia nào đó khuyên Ukraina đàm phán với những kẻ đưa quân xâm lược nước này thì chẳng khác nào bắt chính quyền Kiev phải đầu hàng (!).

“Thắng lợi rất lớn” mà Kiev nhắc tới là, họ đã giành được Kherson. Giờ đây quân đội Ukraina có thể rảnh tay để tập trung lực lượng bảo vệ thành phố Bakhmut ở vùng Donbass, nơi Nga tìm cách tấn công suốt nhiều tháng qua. Từ Bakhmut, Ukraina có thể phát triển đà tiến công về phía đông. Khi mùa đông tới sẽ làm mọi thứ chậm lại, nhưng không thể ngăn bước tiến của Ukraina. Người Ukraina sẽ dốc sức chuẩn bị để tiếp tục chiến đấu suốt mùa đông. Còn quân đội Nga không được trang bị tốt để chống chịu cái lạnh thấu xương ở đây.

Tương ý kiến của Cố vấn Tổng thống, nhiều quan chức trong bộ máy lãnh đạo nhà nước cho rằng, gần hai năm qua, Ukraina quyết tâm đánh đuổi ngoại xâm ra khỏi lãnh thổ của mình thì tại sao lại phải đầu hàng, nhất là vào thời điểm quân Nga đang thua chạy. Hiện tại Moscow chưa trực tiếp đưa ra bất kỳ một đề xuất nào về khả năng đàm phán, mà chỉ “đánh tiếng” qua trung gian và thậm chí còn nêu lên khả năng ngừng bắn.

Theo nhận định của chính quyền Kiev, đây chẳng qua chỉ là kế hoãn binh. Có thể sắp tới sẽ có những đợt tấn công mạnh mẽ, bất ngờ từ đối phương. Dịp này quân Nga tranh thủ đào tạo tân binh, tìm kiếm thêm các nguồn cung cấp vũ khí. Ukraina hi vọng, chiến tranh sẽ kết thúc khi mà Ukraina giành lại được quyền kiểm soát biên giới.

Vẫn kiên trì thuyết phục Kiev ngồi vào bàn đàm phán, Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ Mark Milley, nhận định: “Thời điểm này một cơ hội đang mở ra cho các cuộc đàm phán”. Để có thể kết thúc chiến tranh không chỉ dùng sức mạnh quân sự. Các bên cần đưa ra những giải pháp khả thi về chính trị và ngoại giao. Theo nhận định của Nhà Trắng, đàm phán hay không đàm phán là tùy thuộc duy nhất vào Tổng thống Ukraina Zelensky.

Xin lưu ý, liên quan đến cuộc xâm lược của Nga, Hội nghị G20 tại Bali, Indonesia mới đây đã ra Tuyên bố nhấn mạnh, có một số quan điểm khác và đánh giá khác nhau về tình hình và các biện pháp trừng phạt, tuy nhiên hầu hết các nước thành viên lên án mạnh mẽ cuộc xung đột tại Ukraina. Gần hai năm qua, cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” đã tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân và làm trầm trọng thêm những vấn đề yếu kém của nền kinh tế toàn cầu.

Tuyên bố của Hội nghị G20 khẳng định: Luật pháp quốc tế phải được tôn trọng! Mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân phải ngăn chặn ngay lập tức!

Cuộc chiến Nga-Ukraina là một sai lầm nghiêm trọng của Moscow và Tổng thống Nga V.Putin. Nó đã và đang gây đau khổ cho nhiều người và làm trầm trọng thêm những bất ổn hiện có trong nền kinh tế toàn cầu. Vì vậy, cần duy trì luật pháp quốc tế và hệ thống đa phương để bảo vệ hòa bình và ổn định, không được phép sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, đó là điều “không thể chấp nhận được”.

Tuyên bố của Hội nghị cũng nhấn mạnh việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột, khẳng định nỗ lực giải quyết khủng hoảng, cũng như ngoại giao và đối thoại là vấn quan trọng hàng đầu.

Đấy là Tuyên bố. Nó mang tính biểu tượng nhiều hơn một sự ràng buộc hay đe doạ trừng phạt. Cũng như lời khuyên của Washington đối với Kiev. Còn việc Ukraina và Nga có chịu đối mặt nhau trong cuộc đàm phán cuối năm hay không lại tùy thuộc vào thái độ của Putin và Zelensky.

“Nước xa không cứu được gần”. Câu ngạn ngữ của người Trung Quốc xem ra lúc này phù hợp với hoàn cảnh của cả Nga và Ukraina. Nhưng chắc chắn súng đạn và máu không bao giờ đem lại hòa bình mà chỉ gây thêm chết chóc và đau khổ. Nếu hai bên không chịu đàm phán thì liệu họ đã nghĩ ra “nước cờ” nào hay để chấm dứt cuộc xâm lược đã kéo quá dài so với dự kiến và sức tưởng tượng của những người yêu chuộng hòa bình, công lý?

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới