Thursday, April 25, 2024
Trang chủUncategorizedSự khôn khéo của Malaysia trong cách tiếp cận các tranh chấp...

Sự khôn khéo của Malaysia trong cách tiếp cận các tranh chấp trên biển

Trong các tranh chấp ranh giới hàng hải, Malaysia sẵn sàng lựa chọn một loạt công cụ chính sách sẵn có, từ chính trị cho tới các cuộc đàm phán pháp lý, từ kiềm chế cho tới cương quyết đối đầu ngay trên biển. Giới phân tích cho rằng các tiếp cận linh hoạt, khôn khéo này của Malaysia trong các vấn đề tranh chấp hàng hải đã giúp cho nước này vừa bảo vệ được lợi ích chính đáng của mình vừa tránh việc rơi vào những xung đột căng thẳng không cần thiết.

Trong việc giải quyết các vấn đề trên biển với nước láng giềng Indonesia, Malaysia biết cách thích nghi, giống như cách họ từng dàn xếp với Indonesia khi hai nước phân định thềm lục địa vào năm 1969 dựa trên những hiểu biết lẫn nhau. Kuala Lumpur ủng hộ yêu cầu của Jakarta về quy chế quần đảo để đổi lấy một hiệp ước cho phép Kuala Lumpur tiếp cận quần đảo Natuna. Một ví dụ khác thể hiện sự khôn khéo hơn của Kuala Lumpur là việc Malaysia tham gia vụ kiện Sipadan và Ligitan vào năm 2002, giành chiến thắng nhờ các hoạt động kinh tế trên đảo – điều mà Jakarta xem là vi phạm những hiểu biết trước đó về cách hành xử kiềm chế. Mặt khác, Kuala Lumpur cũng thách thức diễn giải pháp lý của Indonesia về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở phía Bắc Biển Natuna (đường ranh giới kép) và thậm chí còn đối đầu triền miên với Hải quân Indonesia xung quanh lô Ambalat giàu dầu mỏ ngoài khơi bờ biển phía Đông đảo Borneo.

Đối với Trung Quốc, như những gì thể hiện qua các cuộc trao đổi Công hàm giai đoạn 2019-2020, Malaysia từ chối công nhận sự tồn tại của tranh chấp và thách thức tính hợp pháp của cái gọi là “Đường 9 đoạn” mà Trung Quốc yêu sách ở Biển Đông. Tuy nhiên, Kuala Lumpur cho thấy họ sẵn sàng thiết lập một cơ chế tham vấn song phương để xử lý tranh chấp và ngầm chấp nhận sự hiện diện gần như lâu dài của Trung Quốc trong vùng biển của mình. Qua cách ứng xử của các lực lượng trên biển của Malaysia và trong các cuộc trao đổi với một số sĩ quan Hải quân Hoàng gia Malaysia (RMN), có thể thấy rằng chừng nào Bắc Kinh chỉ triển khai Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc (CCG) tại các vùng biển của Malaysia thay vì Hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), Kuala Lumpur có thể vẫn tiếp tục xem đây là những hành vi gây hấn mà họ có thể tạm chấp nhận.

Những kinh nghiệm kiểm soát ranh giới của Kuala Lumpur là một tập hợp linh hoạt, thể hiện cách tiếp cận thực dụng, trong đó nhìn nhận các vấn đề quan trọng như quyền tài phán trong vùng biển mà họ kiểm soát hoàn toàn là điều có thể thương lượng. Câu hỏi ở đây là khi nào và vì sao Kuala Lumpur chọn cách kiềm chế hoặc hung hăng khi tiếp cận các tranh chấp biên giới trên biển?

Để hiểu được tính nhạy cảm của ranh giới trên biển theo góc nhìn Malaysia, cần giải thích được cách họ khái niệm hóa không phận Tanah (cả vùng trời phía trên đất liền và biển) hoặc toàn vẹn lãnh thổ, vốn mang tính thực dụng thay vì bị chi phối bởi những quan niệm về quyền sở hữu. Qua các cuộc trò chuyện với giới tinh hoa và học giả Malaysia, người ta có thể thấy nổi lên quan điểm cho rằng khái niệm về lãnh hải của Malaysia nhấn mạnh đến chức năng phục vụ tối đa các lợi ích trên đất liền. Điều này khiến Kuala Lumpur sẵn sàng hơn trong việc đàm phán về các vùng biển, chẳng hạn như từ bỏ danh nghĩa và quyền sở hữu các vùng biển tranh chấp với Brunei để đổi lấy việc tiếp cận khu vực và quyền khai thác các mỏ dầu; hay cam kết của Brunei về từ bỏ yêu sách đối với Limbang (bang Sarawak).

Malaysia không ngần ngại sử dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế để giải quyết các tranh chấp trên biển với các nước láng giềng. Kuala Lumpur đã nhiều lần đệ trình lên tòa án công lý quốc tế các vụ kiện về tranh chấp biên giới trên biển và đã thắng Indonesia trong vụ Sipadan-Ligitan năm 2003 nhưng lại thua Singapore trong vụ kiện Pedra-Branca năm 2008. Tuy nhiên, một nguyên tắc được Kuala Lumpur quán triệt là chỉ chấp nhận phương án pháp lý khi họ đã vận dụng hết mọi lựa chọn ngoại giao và chính trị.

Quan điểm đề cao chủ quyền đối với lãnh thổ là khái niệm mà phương Tây thiết lập vẫn có vị trí chi phối trong bối cảnh hiện nay và nhiều người vẫn tiếp tục cho rằng các vùng biển nên được xem là khu vực thịnh vượng chung. Do đó, Kuala Lumpur muốn theo đuổi đàm phán chính trị khi có thể đảm bảo các lợi ích cốt lõi của mình như củng cố an ninh, tối đa hóa lợi ích kinh tế và làm sâu sắc thêm mối quan hệ lâu dài với các đối tác quan trọng.

Với việc trì hoãn giải quyết tranh chấp ở Eo biển Malacca (với Singapore và Indonesia) để thúc đẩy các cuộc tuần tra chung, Kuala Lumpur đảm bảo được không gian an toàn hơn cho việc quản trị một eo biển nhộn nhịp, có tầm quan trọng toàn cầu. Kuala Lumpur cũng gác lại tranh chấp ở Biển Đông để xúc tiến hợp tác thăm dò khai thác chung với Thái Lan và Việt Nam. Năm 1979, Malaysia ký với Thái Lan Thỏa thuận khai thác chung vùng biển chồng lấn giữa hai nước trong vịnh Thái Lan; năm 1992 Malaysia ký với Việt Nam Thỏa thuận hợp tác khai thác chung vùng biển chống lấn giữa hai nước nằm gần cửa vịnh Thái Lan. Các thỏa thuận hợp tác này đều được triển khai khá thành công.

Dù có phần thực dụng, ưu điểm trong cách tiếp cận của Kuala Lumpur là duy trì mối quan hệ tốt với các nước láng giềng. Với các đối tác quan trọng, Kuala Lumpur tránh những đòi hỏi sự có đi có lại để thể hiện thiện chí và sự công nhận về vị thế của các đối tác. Đây cũng là cách để Malaysia phát đi thông điệp rằng Kuala Lumpur kỳ vọng đối tác cũng ưu tiên mối quan hệ với Malaysia và tôn trọng, hoặc quan tâm tới các lợi ích cốt lõi của nước này, đặc biệt là tính hợp pháp của chế độ cầm quyền và các lợi ích kinh tế.

Kuala Lumpur lặng lẽ xử lý các hoạt động “vùng xám” của Bắc Kinh trong vùng biển mà họ có quyền tài phán nhằm không để ảnh hưởng tới quan hệ với Trung Quốc  và vẫn bảo đảm các khoản đầu tư từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tại khu vực có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị. Tuy nhiên, tiền không phải là “phần thưởng” duy nhất mà Malaysia mong muốn. Việc Kuala Lumpur thể hiện sự linh hoạt là tín hiệu củng cố mối quan hệ lâu dài của Malaysia với Trung Quốc, một phần trong chiến lược lâu dài nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các lợi ích khu vực của Bắc Kinh vốn được triển khai từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Kuala Lumpur tính toán rằng việc coi trọng mối quan hệ với Bắc Kinh sẽ cho phép họ mở rộng chương trình nghị sự khu vực với sự hỗ trợ của siêu cường châu Á.

Mặt khác, Kuala Lumpur luôn trú trọng củng cố cơ sở pháp lý cho các yêu sách của họ ở Biển Đông, kể cả phối hợp cùng các nước liên quan để triển khai vấn đề này. Năm 2009, Malaysia đã cùng với Việt Nam đệ trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên hợp quốc Báo cáo chung xác định ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý. Ngày 12/12/2019, Malaysia có công hàm số HA59/12 đệ trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc yêu cầu xác lập giới hạn thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý. Ngay trong ngày 12/12/2019, Trung Quốc gửi công hàm tới Liên hợp quốc để phản đối. Tiếp đó, các nước ven Biển Đông như Philippines, Việt Nam, Indonesia và các nước ngoài khu vực như Mỹ, Úc, Anh. Pháp. Đức, Nhật Bản, New Zealand đã gửi công hàm lên Liên hợp quốc phản đối các yêu sách của Trung Quốc và trình bày lập trường pháp lý trên các vấn đề liên quan ở Biển Đông. Như vậy, Malaysia được coi là đã khởi đầu cho cuộc chiến công hàm xung quanh vấn đề Biển Đông thu hút sự tham gia của các nước trong và ngoài khu vực.

Giới chuyên gia nhận định với trọng tâm là tối đa hóa lợi ích, có vẻ như cách tiếp cận then chốt của Malaysia trước nguy cơ Trung Quốc có thể chiếm đóng các vùng biển tranh chấp là “thu hoạch” càng nhiều tài nguyên càng tốt trước khi điều đó xảy ra. Kuala Lumpur tránh va chạm với Bắc Kinh trên thực địa ở Biển Đông để duy trì mối quan hệ thân thiết với Bắc Kinh, song Malaysia vẫn kiên trì bảo vệ vị thế pháp lý của mình ở Biển Đông thông qua các công hàm gửi lên Liên hợp quốc. Cách tiếp cận của Malaysia trong các vấn đề trên biển với Trung Quốc được một số học giả đặt tên là có thể tránh căng thẳng leo thang trên thực địa trong thời gian trước mắt, tuy nhiên điều này có thể khiến Trung Quốc được đà lấn tới để càng trở nên hung hăng hơn.

Với các nước láng giềng ven Biển Đông khác trong ASEAN như Indonesia, Singapore, Việt Nam cách ứng xử của Malaysia có thể được coi là thành công bởi các nước này đều là những nước đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng quyền lợi chính đáng của các bên liên quan. Tuy nhiên, với Trung Quốc – nước có tham vọng thôn tính Biển Đông và luôn có tư tưởng bá quyền, đại Hán – thì hiệu quả của cách ứng xử của Malaysia còn chưa rõ ràng. Chúng ta vẫn cần chờ xem Kuala Lumpur sẽ phản ứng như thế nào nếu Bắc Kinh thể hiện rằng họ không còn coi Malaysia là một đối tác có giá trị nữa, một yếu tố có thể có tác động và mang tính quyết định tới chính sách “chờ đợi” của Malaysia.

Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới diễn biến phức tạp và Trung Quốc với sức mạnh vượt trội cả về kinh tế, quân sự ngày càng hung hăng hơn ở Biển Đông. Cách tiếp cận khôn khéo của của Malaysia trên vấn đề Biển Đông nên được các bên tranh chấp tham khảo. Theo giới phân tích của giới luật gia thì nếu các nước tranh chấp ở Biển Đông trong ASEAN có thể tự giải quyết với nhau được các vấn đề liên quan ở Biển Đông thì nên cố gắng tự giải quyết với nhau trên cơ sở luật pháp quốc tế, kể cả thông qua các cơ quan tài phán quốc như một số nội dung mà Malaysia đã giải quyết với Indonesia, Singapore. Đây được xem là biện pháp hữu hiệu để ứng phó với sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới