Thursday, March 28, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNăm 2022 đi vào lịch sử với những biến động kỳ dị...

Năm 2022 đi vào lịch sử với những biến động kỳ dị trên toàn bộ các thị trường

Hàng nghìn tỷ đô la đã bị thổi bay khỏi thị trường chứng khoán thế giới; thị trường trái phiếu, tiền tệ và hàng hóa biến động mạnh, và sự sụp đổ của một số đế chế tiền điện tử. Năm 2022 có lẽ là năm hỗn loạn nhất mà các nhà đầu tư từng chứng kiến.

Mỗi năm qua đi, việc thống kê lại những điều đã xảy ra rất hữu ích, nhưng với năm 2022 thậm chí không thể kể hết toàn bộ câu chuyện.

Thực vậy, thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm 14 nghìn tỷ USD và trở thành năm tồi tệ thứ 2 trong lịch sử, nhưng đã có gần 300 lượt tăng lãi suất khiến cho sự biến động trên thị trường năm qua trở nên kỳ dị.

Nguyên nhân chính là tình hình căng thẳng ở Ukraine, kết hợp với lạm phát tràn lan khi các nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi đại dịch. Nhưng Trung Quốc vẫn mắc kẹt với dịch bệnh.

Trái phiếu kho bạc của Mỹ và của Đức – tham chiếu cho các thị trường đi vay trên toàn cầu và là tài sản nắm giữ truyền thống mỗi khi có biến động mạnh – đã mất lần lượt 16% và 24% giá trị tính theo đồng USD.

Jeffery Gundlach của DoubleLine Capital, được mệnh danh là ‘Vua trái phiếu’ trên các thị trường, cho biết có những thời điểm các điều kiện trở nên tồi tệ đến mức nhóm của ông gần như không thể giao dịch trong nhiều ngày liền.

“Đã có một cuộc đình công ở những người mua,” ông nói. “Và chỉ có thể giải thích như vậy bởi vì giá vẫn giảm cho đến gần đây.”

Kịch tính bắt đầu ngay khi rõ ràng rằng dịch COVID-19 sẽ không thể khiến cho nền kinh tế toàn cầu đóng cửa một lần nữa, và ngân hàng trung ương có tầm ảnh hưởng nhất thế giới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất một cách nghiêm túc.

Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng lên 1,8% từ mức dưới 1,5%, thổi bay 5% chỉ số chứng khoán MSCI trên toàn cầu trong tháng 1/2022.

Lợi suất đó hiện ở mức 3,68%, và cổ phiếu giảm 20% trong khi giá dầu tăng 80% trước khi quay đầu giảm. Fed đã nâng lãi suất tổng cộng 425 điểm cơ bản và lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đạt mức kỷ lục 250 điểm cơ bản, mặc dù vào thời điểm này năm ngoái ECB vẫn khẳng định rằng họ không có kế hoạch thay đổi chính sách tiền tệ.

Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – năm 2022 đã tăng gần 9% so với các loại tiền tệ chính trên thế giới và tăng 12,5% so với yên Nhật, mặc dù vào cuối năm Ngân hàng Trung ương Nhật đã có một quyết định bất ngờ là nới lỏng biên độ lợi suất trái phiếu, khiến cho đồng yen sau đó tăng giá mạnh mẽ.

Trên các thị trường mới nổi, lạm phát và các vấn đề về chính sách tiền tệ của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến đồng lira mất thêm 28% giá trị trong năm 2022, nhưng thị trường chứng khoán của nước này lại hoạt động tốt nhất thế giới.

Ai Cập bị áp lực mạnh đã phá giá đồng tiền của mình hơn 36%. Đồng cedi của Ghana đã giảm 60% khi quốc gia này gia nhập nhóm những nước vỡ nợ, cùng với Sri Lanka. Trong khi đó, mặc dù đã giảm mạnh so với mức cao hồi tháng 6, đồng rúp của Nga vẫn là đồng tiền hoạt động tốt thứ hai thế giới, được hỗ trợ bởi các biện pháp kiểm soát vốn của Moscow. Điều đáng nói là ngay sau khi xảy ra xung đột Nga – Ukraine, đồng rúp đã lao dốc thê thảm.

Robert Alster, Giám đốc đầu tư của Close Brothers Asset Management, cho biết: “Nếu bạn hỏi tôi điều gì sẽ xảy ra vào năm 2023 thì tôi thực sự không thể nói cho bạn biết. Ông Alster là người, giống như nhiều người khác, đã chỉ ra những lý do sẽ gây ra sự sụt giảm nghiêm trọng của đồng bảng Anh và thị trường trái phiếu Anh khi chính phủ tồn tại trong thời gian ngắn của Liz Truss dự định một khoản chi tiêu không biết lấy từ đâu.

Lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Anh đã tăng vọt hơn 100 điểm cơ bản và đồng bảng Anh mất 9% chỉ trong vài ngày – một hiện tượng biến động ở quy mô hiếm thấy ở các thị trường lớn.

Rắc rối của lĩnh vực công nghệ

Việc lãi suất tăng cũng đã lấy đi 3,6 nghìn tỷ USD tài sản của những gã khổng lồ công nghệ. Vốn hóa của Facebook và Tesla đều giảm hơn 60% trong khi Google và Amazon của Alphabet lần lượt giảm 40% và 50%.

Chứng khoán Trung Quốc đã có một đợt phục hồi muộn nhờ các dấu hiệu cho thấy chính sách Zero COVID đã kết thúc, nhưng kết quả là chứng khoán nước này vẫn giảm 25% và nợ ngoại tệ mạnh của chính phủ Trung Quốc lần đầu tiên sụt giảm, giống như tình trạng của các nền kinh tế mới nổi.

Các đợt phát hành trái phiếu lần đầu ra công chúng và bán trái phiếu cũng sụt giảm ở hầu hết mọi nơi ngoại trừ Trung Đông, trong khi hàng hóa là loại tài sản hoạt động tốt nhất trong năm thứ hai liên tiếp.

Giá khí đốt tự nhiên tăng hơn 50% và trở thành một trong những mặt hàng tăng giá mạnh nhất trong năm 2022, mặc dù phần lớn là do tình hình Ukraine đã khiến giá tăng 140% tại một thời điểm.

Nỗi lo suy thoái gia tăng cùng với kế hoạch ngừng mua dầu Nga của phương Tây có nghĩa là dầu Brent đã mất đi 80% mức tăng có được trong quý 1/2022. Các thị trường lúa mì và ngô cũng trong tình trạng tương tự.

Thị trường tiền điện tử thậm chí còn hỗn loạn hơn nữa. Bitcoin kết thúc vào năm 2022 với việc mất hơn 60% giá trị, trong khi thị trường tiền điện tử nói chung mất 1,4 nghìn tỷ USD giá trị, bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự sụp đổ sàn FTX của Sam Bankman-Fried, Celsius và kể cả những đồng tiền vốn được coi là ổn định là terraUSD và Luna.

Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng EFG đồng thời là cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ireland, Stefan Gerlach cho biết: “Những gì đã xảy ra trên thị trường toàn cầu trong năm vừa qua thật đau thương.

Nếu các ngân hàng trung ương không đánh giá thấp sự gia tăng lạm phát quá mạnh và phải tăng lãi suất, thì thực tế đã không thảm khốc như vậy”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới