Saturday, April 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Lằn ranh đỏ”: Nhàm rồi

“Lằn ranh đỏ”: Nhàm rồi

“Lằn ranh đỏ”: Nhàm rồi” là lời bình hàm ý vừa mỉa mai, vừa khiêu khích của nhiều người trước tuyên bố của người phát ngôn Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cảnh báo tân tổng thống Cộng hòa Séc Petr Pavel.

Tổng thống đắc cử Séc Petr Pavel

Cụ thể, ngày 31/1, khi bày tỏ quan điểm phản đối cuộc điện đàm giữa ông Petr Pavel và bà Thái Anh Văn – tổng thống Đài Loan, bà Mao Ninh đã cáo buộc: “Tổng thống đắc cử Séc Pavel đã phớt lờ những nỗ lực nhiều lần của Trung Quốc nhằm ngăn cản ông ấy”.

“Ngăn cản” – quả có thế thật. Chỉ chưa đầy 3 ngày sau thắng lợi trong cuộc chạy đua vào ghế tổng thống và còn hơn tháng nữa mới là tổng thống chính danh sau lễ tiếp nhận, hà cớ gì mà ông Pavel sốt sắng nghĩ ngay tới việc điện đàm với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn?

Sự việc càng khiến Bắc Kinh cay cú hơn, coi đó như động thái “bất thường” vì thời điểm này, Cộng hòa Séc và Đài Loan chẳng hề có một quan hệ nào gọi là chính thức, xét về ngoại giao. Trước đó, trong chiến dịch tranh cử, ông Pavel, cựu tướng quân đội nước này, cùng với chủ trương “Hãy trả lại trật tự và hòa bình cho Cộng hòa Séc”, đã khẳng định cần “tập trung vào chính sách đối ngoại tích cực”. Liên quan câu chuyện Đài Loan, dường như ý thức sâu sắc tính chất nhạy cảm của nó, ông Pavel đã cho rằng, “cần tôn trọng chính sách một Trung Quốc”…

Vậy mà, mọi sự gần như quay ngoắt 360 độ, hỏi sao Bắc Kinh không giận sôi lên cho được?

Giận thì giận, nhưng hành xử, Bắc Kinh vẫn tỏ ra lọc lõi, thực hiện phương châm “khuyên bảo”. Có thể trong thâm tâm, Trung Nam Hải nghĩ rằng, một khi đã có lời thể hiện sự tôn trọng chính sách “một Trung Quốc” trong chương trình tranh cử, ông Pavel sẽ là người có thể “bảo được”?

Cái “bảo” diễn ra ngay khi cuộc điện đàm còn đương chuẩn bị. Cụ thể, qua đường ngoại giao. Bắc Kinh đã nhắc khéo quan điểm “một Trung Quốc” nêu trên, đồng thời bắn tin rằng: Trung Quốc hy vọng tân tổng thống Séc sẽ “nghĩ lại”.

Nhưng hóa ra, cái sự “bắn tin” không ăn thua. Cuộc điện đàm đã diễn ra ngay sau đó, vào ngày 30/1. Thậm chí, hai bên đầu dây còn tỏ ra nồng nhiệt, thịnh tình. Bà Thái Anh Văn, cùng với những lời chúc mừng, còn hứa hẹn “Đài Loan sẵn sàng tăng cường hợp tác với Cộng hòa Séc trong lĩnh vực thiết kế chất bán dẫn, đào tạo nhân tài công nghệ tiên tiến…Đài Loan xem Cộng hòa Séc như một cơ sở quan trọng ở Trung và Đông Âu để tăng cường trao đổi kinh tế và thương mại”.

Nên nhớ, câu chuyện về chất bán dẫn và những con chíp điện tử nhỏ xíu nhưng đang khiến thế giới chạy đua như cuồng lên để có được công nghệ, Đài Loan đang trong vị trí số 1, là nơi cung ứng tới 90% chất bán dẫn dùng cho sản xuất chip điện tử.

Nhiệt tình đến thế, trách nào, ngay sau cuộc điện đàm, ông Pavel cho biết, ông sẵn sàng hội ngộ cùng Tổng thống Thái Anh Văn và cam kết, sẽ tăng cường quan hệ hợp tác với Đài Loan trên nhiều phương diện, ủng hộ Đài Loan duy trì chế độ dân chủ…

Việc lời ngăn cản, cảnh báo của mình bị ông Pavel phớt lờ khiến Bắc Kinh không thể giữ nổi sự bình tĩnh. Chính thế, hẳn là bà Mao Ninh coi lời hỏi xoáy của cánh báo chí về cuộc điện đàm như nhát đâm đau đớn của mũi dao. Đau đến mức không thể đừng, nữ phán ngôn viên ngoại giao này phải tung ra những lời nặng nề nhất: với cuộc điện đàm hôm 30/1, “ông Pavel đã giẫm lên lằn ranh đỏ khi cản trở nghiêm trọng công việc nội bộ của Trung Quốc và làm tổn thương người dân” của nước này”.

“Lằn ranh đỏ” – nghe quen quen? Phải rồi. Cụm từ này, Bắc Kinh, từng nhiều lần sử dụng để răn đe, cảnh báo Chủ tịch Hạ viện Mỹ – bà Pelosi- khi “người đàn bà thép” của nước Mỹ có kế hoạch thăm Đài Loan. Thậm chí, nó được phát ra từ chính ông Tập Cận Bình – ông chủ Trung Nam Hải, trong cuộc điện đàm kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ ngày 28/7/2022 với người đồng cấp là ông Biden – ông chủ Nhà trắng.

Cảnh báo đến thế, răn đe đến thế mà rồi bà Pelosi vẫn khinh thị, cưỡi máy bay vè vè bay tới Đài Loan. Vậy thì lần này, vẫn những ngôn từ nhàm chán ấy nhắc lại, chắc gì nó sẽ khiến tổng thống Cộng hòa Séc chùn bước!

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới