Thursday, April 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBắc Kinh có thể mất cơ hội kéo Philippines khỏi quỹ đạo...

Bắc Kinh có thể mất cơ hội kéo Philippines khỏi quỹ đạo của Mỹ

Có vẻ như Philippines đang tuột dần khỏi tay Trung Quốc và ngả hẳn vào Mỹ. Vậy chẳng lẽ chuyến thăm của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr tới Trung Quốc hồi đầu tháng 1/2023 vừa qua chỉ là màn kịch?

Tại chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Trung Quốc của Tổng thống Philippines, lãnh đạo hai nước đều khẳng định, từ dấu mốc này sẽ xác định lại mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước, đồng thời giữ thế cân bằng trong quan hệ đối ngoại với các cường quốc.

Nói thì hay ho, nhưng sau cái bắt tay tạm biệt chủ nhà, ông chủ Manila đã quay ngoắt.

Thái độ ấy có thể thấy qua chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tới Philippines trong tuần này. Dự kiến Mỹ sẽ đưa ra thông báo về việc mở rộng quyền tiếp cận của nước này đối với các căn cứ quân sự ở Philippines.

Nói trắng ra rằng, Manila đã không còn coi Bắc Kinh ra gì khi đồng ý để Washington mở rộng các lựa chọn an ninh tại Philippines. Động thái này như một phần trong nỗ lực ngăn chặn bất kỳ hành động nào của Trung Quốc chống lại Đài Loan tự trị. Dịp này, Manila mong muốn tăng cường bảo vệ các yêu sách lãnh thổ của mình ở Biển Đông đang có tranh chấp.

Tối 31/1, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Austin đến Manila. Ông đã gặp người đồng cấp Philippines – Bộ trưởng Quốc phòng Galvez, cùng các quan chức khác vào 2/2 “để xây dựng mối quan hệ song phương mạnh mẽ của chúng ta, thảo luận về một loạt sáng kiến an ninh và thúc đẩy tầm nhìn chung về một Thái Bình Dương tự do và rộng mở” – Ông Austin viết trên Twitter.

Xin nhắc lại, Bộ trưởng Quốc phòng Galvez vừa được Tổng thống Philippines bổ nhiệm cách đây chưa đầy một tháng. Ông này nguyên là Cố vấn Tổng thống và từng dẫn đầu lực lượng chuyên trách phòng chống dịch Covid-19.

Ông Galvez ngồi ghế nóng sau khi Quyền bộ trưởng Quốc phòng Jose Faustino Jr. nộp đơn từ chức không hiểu vì lý do gì. Việc thay vị trí đứng đầu Bộ Quốc phòng đánh dấu sự thay đổi mới nhất trong cơ cấu bộ máy chính quyền mới được xây dựng trong vòng sáu tháng của Tổng thống Marcos.

Xem ra Austin và Galvez có vẻ tâm đầu ý hợp. Ông Austin cho biết: “Liên minh của chúng ta làm cho cả hai nền dân chủ trở nên an toàn hơn và giúp duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Ông nói cụ thể hơn: “Chúng tôi đã thảo luận rất kỹ về các hành động cụ thể để giải quyết các hoạt động gây bất ổn ở vùng biển chung quanh Philippines, bao gồm Biển Tây Philippines. Hai bên cam kết tăng cường năng lực chung để chống lại hành động tấn công vũ trang”.

Bắc Kinh cay cú nhất là khi Bộ trưởng “diều hâu” Austin tuyên bố trắng trợn: “Đó chỉ là một phần trong nỗ lực hiện đại hóa liên minh của chúng tôi. Những nỗ lực này đặc biệt quan trọng khi Trung Hoa tiếp tục làm càn, thúc đẩy các yêu sách phi pháp ở Biển Tây Philippines”.

Phản đòn, Bắc Kinh cho rằng, việc Mỹ tìm cách tiếp cận nhiều hơn với các căn cứ quân sự của Philippines đã làm suy yếu sự ổn định trong khu vực và làm gia tăng căng thẳng. Bà Mao Ninh -Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “ Chính Mỹ làm leo thang căng thẳng và gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định khu vực. Các nước trong khu vực nên cảnh giác tránh bị Mỹ xuyên tạc tình hình, kích động, lợi dụng”.

Mặc cho Bắc Kinh la lối, Mỹ vẫn tăng cường xây dựng các căn cứ quân sự tại Philippines. Các địa điểm bổ sung theo thỏa thuận EDCA mà Mỹ có thể tiếp cận lên tới 9 địa điểm. Nhà trắng thông báo đã phân bổ hơn 82 triệu USD cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại các địa điểm hiện có.

Austin và Galvez đều không nêu rõ địa điểm nào sẽ được mở để Mỹ tiếp cận. Có thể đó là các căn cứ trên đảo chính Luzon ở phía bắc, địa điểm của Philippines gần nhất với Đài Loan và trên đảo Palawan ở phía tây nam, gần quần đảo Trường Sa đang tranh chấp ở Biển Đông (?).

Trước khi gặp người đồng cấp, Bộ trưởng Quóc phòng Mỹ Austin đã hội kiến Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos. Ông nói: “Chúng tôi sẵn sàng giúp ngài bằng mọi cách có thể”.

Còn Tổng thống Marcos thì không ngần ngại khi bày tỏ: “Tôi vẫn luôn nói rằng tương lai của Philippines và vấn đề châu Á-Thái Bình Dương sẽ luôn có sự tham gia của Mỹ”.

Lúc này có thể Bắc Kinh đang tự trách mình để vuột mất cơ hội kéo Philippines khỏi quỹ đạo của Mỹ. Kiểu hành xử hung hăng, cá lớn nuốt cá bé trên Biển Đông của Trung Quốc hóa ra lợi bất cập hại.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới