Thursday, March 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLời đáp trả mạnh mẽ

Lời đáp trả mạnh mẽ

Không những không tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài Liên hợp quốc (PCA) từ năm 2016 về việc Tòa bác bỏ “Đường lưỡi bò” vô lối, Trung Quốc còn luôn la ó, phá hoại các hoạt động phân định ranh giới trên biển giữa các quốc gia láng giềng.

Trung Quốc phản đối vì cho rằng, nơi mà các nước liên quan phân định ranh giới là thuộc “chủ quyền” của họ (!).

Sự kiện mới đây là một minh chứng cho sự vô lối đó. Chuyện rằng, cuối tháng 12/ 2022, Việt Nam và Indonesia công bố kết thúc quá trình đàm phán (kéo dài 12 năm) giữa hai quốc gia trong việc phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Cần phân định rõ ràng vì trước đó có sự chồng lấn theo các quy định của Công ước Luật biển (UNCLOC- 1982).

Quá trình trao đổi để phân định thềm lục địa, Hà Nội đã chủ động đề xuất sử dụng chung một đường phân định cho cả thềm lục địa và EEZ giữa Việt Nam và Indonesia. Thế nhưng, Jakarta không đồng ý vì cho rằng, thềm lục địa và EEZ là hai vấn đề khác biệt nhau – theo quy định của UNCLOS. Jakarta đề nghị, không thể sử dụng một đường duy nhất để phân định cả hai khu vực.

Một điểm gây tranh cãi nhiều nhất là, sử dụng đường cơ sở để đo lường khu vực phân định. Indonesia là quốc gia quần đảo, được phép sử dụng đường cơ sở quần đảo, còn Việt Nam thì sử dụng đường cơ sở thông thường. Đương nhiên, lợi thế thuộc về Indonesia khi đám phán phân định EEZ tách biệt khỏi thềm lục địa.

Mặc dù có những bất đồng như thế, nhưng qua nhiều vòng đàm phán qua hàng chục năm, hai nước đã tìm được tiếng nói chung. Việc hoàn tất quá trình phân định EEZ tạo ra một dấu mốc quan trọng không chỉ đối với hai nước, mà còn có tác động rất lớn đối với khu vực Đông Nam Á đang có những tranh chấp trên biển kéo dài.

Không chỉ thống nhất phương án phân định EEZ, hai nước còn ký kết được một thoả thuận hợp tác khí đốt. Sắp tới, vào năm 2026, Indonesia sẽ xuất khẩu khí đốt sang Việt Nam từ Lô Cá Ngừ (Tuna Block). Đáng chú ý, Lô Cá Ngừ là khu vực Trung Quốc liên tục đe doạ Indonesia trong những năm qua, mặc dù nó thuộc EEZ của Indonesia.

Vì lợi ích riêng cho nên Trung Quốc đã ngay lập tức lên tiếng phản đối Việt Nam và Indonesia. Họ cho rằng, hai quốc gia đã vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền… Trung Quốc. Một số học giả Trung Quốc đã nói và viết với giọng chợ búa. Không hiểu đây là ý kiến riêng hay là chủ đích của chính phủ Trung Quốc ?

Chuyên gia Shahriman Lockman- Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (ISIS) của Malaysia đã nhanh nhảu bình luận, rằng “Trung Quốc thế nào cũng phản đối thỏa thuận này của Indonesia và Việt Nam”.

Dự báo của Shahriman Lockman đã không sai. Người lên tiếng đầu tiên là Ngô Sĩ Tồn (Wu Shicun), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc-Đông Nam Á về Biển Đông, có trụ sở ở Hải Nam,(Trung Quốc). Ông Ngô viết trên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng: “Các cuộc đàm phán phân định ranh giới trên vùng biển tranh chấp phải có sự hiện diện của tất cả các bên yêu sách, bởi khu vực này liên quan đến vùng biển tranh chấp, nơi Trung Quốc cũng tuyên bố quyền tài phán và quyền lịch sử, một phần vùng biển cũng là ngư trường truyền thống của ngư dân Trung Quốc…”

Ngô Sĩ Tồn thật trơ trẽn khi cho rằng: các EEZ chồng lấn của Việt Nam hay Indonesia đều nằm trong phạm vi của “Đường chín đoạn” mà Bắc Kinh đã sử dụng để đưa ra các yêu sách lãnh thổ (chiếm tới 90% diện tích Biển Đông).

Ông Ngô cố tình quên một điều, cái gọi là yêu sách khi xuất hiện lần đầu (năm 2009) trong một bản đồ đính kèm công hàm của Trung Quốc đã bị các nước Đông Nam Á có liên quan đến Biển Đông phản đối kịch liệt. Và rồi, vào năm 2016 Toà Trọng tài kết luận: yêu sách “quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với các thực thể và vùng nước bên trong đường lưỡi bò này là vô giá trị.

Việc Ngô Sĩ Tồn cất giọng lạc lõng khi thoả thuận phân định biển giữa Việt Nam và Indonesia được ký kết, một lần nữa chứng tỏ dã tâm độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Theo các nhà bình luận quốc tế, mặc cho Trung Quốc cậy thế nước lớn bắt nạt, chèn ép các quốc gia trong khu vực, Việt Nam và Indonesia vẫn quyết tâm đàm phán, giải quyết dứt điểm các khu vực chồng lấn. Đó là một thái độ bình tĩnh, khách quan, không lùi bước trước cái gọi là yêu sách “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc. Kết quả đạt được với Indonesia sẽ khuyến khích Hà Nội đàm phán những thỏa thuận tương tự với Philippines và Malaysia.

Hai quốc gia cũng đưa ra các tuyên bố công khai bác bỏ yêu sách ngang ngược đó. Thoả thuận mới được ký kết giữa Hà Nội và Jakarta là lời đáp trả mạnh mẽ các yêu sách phi lý, hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới