Saturday, April 20, 2024
Trang chủĐiểm tinVụ khinh khí cầu TQ vi phạm vùng trời của Mỹ bị...

Vụ khinh khí cầu TQ vi phạm vùng trời của Mỹ bị bắn hạ – một số nhận xét ban đầu

Trong suốt tuần qua, dư luận quốc tế theo dõi sát diễn biến vụ kinh khí cầu do thám của Trung Quốc bay trên bầu trời của Mỹ và bị lực lượng không quân của nước này bắn hạ vào ngày 05/2/2023 ngoài khơi Bang Carolina.

Vậy vụ việc này diễn biến ra sao và có tác động thế nào đến quan hệ Mỹ- Trung nói chung và vấn đề Biển Đông nói riêng, sau đây là một số nhận xét ban đầu.

Hải quân Mỹ công bố hình ảnh xác của khinh khí cầu Trung Quốc

Diễn biến vụ việc:

Ngày 28/1/2023, kinh khí cầu do thám của Trung Quốc được phát hiện đi vào lãnh thổ của Mỹ tại khu vực Alaska. Theo hệ thống giám sát của Bộ chỉ huy quân sự phía Bắc của Mỹ, kinh khí cầu do thám này đã xuất hiện trên không phận đảo Aleutia của nước này. Tiếp tục hành trình di chuyển về phía Đông, đến đêm ngày 30/1/2023, kinh khí cầu này đã bay trên không phận của Canada và ngày 31/1/2023, lại đi vào không phận bang Idaho, Mỹ. Theo mô tả của giới chức quân sự Mỹ, đây là một kinh khí cầu do thám, có kích cỡ to bằng khoảng 03 ô tô khách 2 tầng, được trang bị pin mặt trời phụ vụ việc di chuyển và định hướng lái và có thể nhìn thấy bằng mắt thường tại nhiều địa điểm của Mỹ cho dù bay ở độ cao 65.000 feet (khoảng 20km). Sau 7 ngày di chuyển từ bờ Tây sang bờ Đông, kinh khí cầu này đã bị máy bay F22 của Mỹ bắn hạ trên Đại Tây dương, cách bờ biển bang Carolina khoảng 6 hải lý.

Phản ứng của các bên.

Ngay khi thông tin về kinh khí cầu do thám của Trung Quốc được công khai, dư luận Mỹ đã dấy lên một sự quan tâm đặc biệt về cách xử lý cũng như tác động của vụ việc đến quan hệ Mỹ- Trung vốn đã căng thẳng trong những năm gần đây. Đồng thời, vụ việc này cũng thể hiện rõ chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ đặc biệt là giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ về việc xử lý kinh khí cầu này nói riêng và khả năng cải thiện quan hệ giữa hai nước nói chung.

Ngày 31/1/2023, Tổng thống Biden đã được Bộ trưởng Quốc phòng và Tham mưu trưởng liên quân của nước này báo cáo về vụ việc cũng như dự đoán đường bay của kinh khí cầu. Ngay lập tức, ông Biden đã tham vấn với các cố vấn an ninh và quốc phòng và ngày 01/2/2023, đã ra lệnh cho lực lượng quốc phòng, các cơ quan có liên quan của nước này này tìm cách  bảo vệ các thông tin nhạy cảm, tránh để kinh khí cầu này thu thập được. Đồng thời, ông Biden cũng đã ra lệnh phải bắn hạ kinh khi cầu này. Tuy nhiên, đại diện phía quốc phòng Mỹ cho rằng, nếu bắn hạ thì cần phải an toàn cho người dân và tài sản của Mỹ ở trên mặt đất, do đó, đề xuất đợi đến khi kinh khí cầu này bay ra khỏi lãnh thổ lục địa của Mỹ mới bắn hạ. Phía giới chức quốc phòng Mỹ cũng cho biết bên cạnh lý do an toàn khi bắn hạ kinh khí cầu trên lãnh thổ lục địa Mỹ, họ cũng cần thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu thêm về cách thức vận hành, các trang thiết bị của kinh khí cầu này.

Ở phía đối diện, các nghị sĩ đảng Cộng hòa phản ứng khá quyết liệt trước cách thức xử lý của Chính quyền Biden đối với vụ việc. Nhiều nghị sĩ Cộng hòa thuộc 2 Viện của Mỹ như Hạ nghị sĩ Michael Waltz, Michael R. Turner, Michael McCaul, Mike Rogers; các Thượng nghị sĩ Ted Cruz, Marco Rubio và cựu Tổng thống Donal Trump đều lên tiếng đòi hỏi phải bắn hạ ngay lập tức kinh khí cầu và phê phán cách xử lý “yếu ớt” của chính quyền Biden cho phép khinh khí cầu tiếp tục ở lại bầu trời nước Mỹ trong suốt tuần vừa quaqua. Phe Cộng hòa trong Hạ viện Mỹ cũng đang cân nhắc thông qua một nghị quyết chỉ trích chính quyền của Biden.

Phản ứng lại các chỉ trích của phe Cộng hòa, giới quân sự Mỹ cũng tiết lộ là trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, 3 lần kinh khí cầu của Trung Quốc cũng bay trên không phận của Mỹ, tương tự như vụ việc này, song Chính quyền Cộng hòa cũng đã không tiến hành bắn hạ.

Trong khi đó, ngày 03/2/2023, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát biểu khẳng định kinh khí cầu là của Trung Quốc và đây là thiết bị hàng không dân dụng dùng cho nghiên cứu khoa học, chủ yếu là lĩnh vực khí tượng thủy vận. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng bào chữ cho việc kinh khí cầu này bay vào không phận của Mỹ là do nguyên nhân bất khả kháng đối với khả năng điều khiển hạn chế của kinh khí cầu.

Phản ứng trước việc phía Mỹ bắn hạ kinh khí cầu, ngày 5/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra Tuyên bố, khẳng định Trung Quốc bày tỏ bất bình và phản đối mạnh mẽ việc phía Mỹ sử dụng vũ lực tấn công khinh khí cầu không người lái dân dụng của Trung Quốc. Trung Quốc qua xác minh đã nhiều lần thông báo với phía Mỹ, khinh khí cầu này có tính dân dụng, đi vào lãnh thổ Mỹ vì nguyên nhân bất khả kháng, hoàn toàn là tình huống ngoài ý muốn.

Cùng ngày,  Người phát ngôn báo chí Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đàm Khắc Phi cho biết, việc Mỹ cố ý sử dụng vũ lực tấn công khinh khí cầu không người lái dân dụng của Trung Quốc là phản ứng quá mức một cách rõ ràng; Trung Quốc bày tỏ phản đối nghiêm khắc cách làm này, bảo lưu quyền lợi sử dụng các biện pháp cần thiết xử lý các tình huống tương tự.

Qua vụ việc nêu trên, chúng ta có thể thấy một số điểm nổi lên như sau:

Nội bộ Mỹ tiếp tục chia rẽ sâu sắc về việc thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc, trong đó xu thế tìm cách cản trở sự phát triển của mỗi quan hệ này đang thắng thế, được thể hiện ở một số điểm sau: (i) Mặc dù giới chức quân sự Mỹ đánh giá khả năng thu thập tin tức của kinh khí cầu Trung Quốc là không cao, không gọi là “kinh khí cầu tình báo” mà là “kinh khí cầu giám sát”, không tìm cách cản phá hoặc bắn hạ ngay từ lúc vi phạm không phận của nước này ở khu vực Alaska, song song trước sức ép của dư luận và Đảng cộng hòa đã phải quyết định bắn hạ kinh khí cầu này; (ii) Nội bộ hai đang cáo buộc nhau về cách thức xử lý các vụ việc tương tự. Phía Cộng hòa cho rằng chính quyền Biden yếu kém trong xử lý, ngược lại chính quyền Biden lục lại chuyện trong quá khứ về việc chính quyền Trump thâm chí đã chấp nhận một vài lần kinh khí cầu của Trung Quốc hoạt động trên không phận của Mỹ; (iii) Trung Quốc và Mỹ đã có thể có trao đổi về hướng xử lý vụ việc ngay từ khi mới xảy ra, song do áp lực trong nội bộ Mỹ quá cao, buộc chính quyền của Tổng thống Biden đã phải thay đổi nhiều kế hoạch, trong đó có việc ngày 03/2/2023, Ngoại trưởng Mỹ phải tạm hoãn chuyến thăm đến Trung Quốc và đích thân Ngoại trưởng Mỹ Bliken gọi điện thoại cho ông Vương Nghị để thông báo quyết định này.  Qua vụ việc càng cho thấy khả năng cải thiện quan hệ Mỹ- Trung trong tương lai gần là khá khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh xu thế bài Trung trong nội bộ Mỹ đang ngày càng thắng thế.

Trong những năm gần đây, với sức mạnh ngày càng nổi trội, Trung Quốc đang sử dụng nhiều biện pháp mà Mỹ và các nước đồng minh đã thực hiện trong nhiều thập kỷ qua. Điển hình là Trung Quốc cho tàu tiến hành “qua lại vô hại” ở vùng lãnh hải 12 hải lý của Alasko, vùng biển của Nhật Bản, Úc….và việc cho kinh khí cầu bay trên lãnh thổ của Mỹ và một số nước Mỹ La- Tinh. Điều này, một mặt khẳng định sức mạnh đang lên của Trung Quốc, mặt khác cũng tìm cách thể hiện để Mỹ và các nước đồng minh thấy, Trung Quốc cũng có khả năng “áp dụng” tương tự. Từ đó, cảnh báo, hạn chế các nước trong việc hoạt động tại các khu vực mà Trung Quốc khẳng định chủ quyền hoặc có yêu sách. Các vấn đề pháp lý liên quan phương tiện bay không người lái, không sử dụng vào mục đích quân sự, vấn đề giao thoa giữa luật hàng không dân dụng quốc tế và luật về khoảng không vũ trụ sẽ nổi lên trong thời gian tới, đòi hỏi các nước cần phải xử lý, nhằm củng cố thêm khuôn khổ pháp lý quốc tế để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Không loại trừ, Trung Quốc có thể sử dụng vụ việc này như một tiền lệ trong việc xử lý các phương tiện bay không người lái, không nhằm mục đích quân sự của các nước ở khu vực eo biển Đài Loan, khu vực mà Trung Quốc yêu sách ở Biển Đông, dẫn đến tình hình leo thang, phức tạp hơn. Điều này đòi hỏi các nước có liên quan cần phải cảnh giác, tỉnh táo, theo dõi chặt chẽ các thông tin có liên quan để có bước phòng ngừa hữu hiệu.

RELATED ARTICLES

Tin mới