Thursday, March 28, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnLại có chuyện “lằng nhằng” về ông Tập

Lại có chuyện “lằng nhằng” về ông Tập

Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội) sẽ khai mạc tại Bắc Kinh vào ngày 5/3. Trong cuộc bầu cử đại biểu nhân dân tỉnh Giang Tô ngày 19/1, ông Tập Cận Bình đã “trúng cử” vị trí đại biểu Quốc hội với 100% phiếu bầu. Bí ẩn về tư cách đại biểu Quốc hội của ông Tập đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông Nhật Bản.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có bài phát biểu hôm 1/7/2022, đánh dấu kỷ niệm 25 năm ngày Vương Quốc Anh bàn giao Hong Kong cho Trung Quốc.

Lưỡng Hội là hai cuộc họp thường niên của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) được tổ chức vào mùa xuân. Đó là cuộc họp của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Toàn quốc (CPPCC, tương đương với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc).

NPC năm nay gây chú ý với việc “bầu chọn” ông Tập Cận Bình làm Chủ tịch nước không giới hạn nhiệm kỳ. Tuy nhiên, truyền thông Nhật Bản lại chú ý tới một nghi vấn khác, đó là tại sao ông Tập lại “trúng cử” đại biểu tại Đại hội đại biểu nhân dân tỉnh Giang Tô.

Phiên bản trực tuyến của tuần báo kinh tế Nhật Bản Shukan Hoseki đã đăng một bài viết nói rằng, cuộc bầu cử NPC của ĐCSTQ lại là một “trò trẻ con” khác.

Bài báo mở đầu bằng đoạn: “Khi phiên họp toàn thể của NPC sắp được tổ chức vào đầu tháng 3, các cuộc bầu cử đại biểu đã được tổ chức ở nhiều địa phương của Trung Quốc vào đầu tháng 1, và các nhà lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ đã lần lượt trúng cử. Năm nay, Chủ tịch Tập Cận Bình ra tranh cử ở Giang Tô và được thông qua với 100% phiếu bầu. Tuy nhiên, tỉnh Giang Tô không có liên quan gì đến quê quán cũng như nơi ông Tập từng công tác. Lần trước đó ông Tập Cận Bình được bầu làm đại biểu NPC là ở Nội Mông. Rốt cuộc việc ông Tập Cận Bình liên tục thay đổi khu vực bầu cử có ý nghĩa gì?”.

Phóng viên của tuần báo Shukan Hoseki không tìm thấy câu trả lời chính xác cho câu hỏi này trên các kênh truyền thông chính thức của ĐCSTQ. Nhưng trong quá trình tìm hiểu, họ đã tìm thấy một “trò trẻ con” lớn hơn có liên quan đến các cuộc bầu cử đại biểu và cuộc họp của Quốc hội Trung Quốc.

Đó chính là, theo “Hiến pháp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” – văn bản tới nay vẫn còn hiệu lực trên lý thuyết – cái gọi là “bầu cử đại biểu nhân dân” của Trung Quốc trong những năm qua, bao gồm cả cuộc bầu cử mà ông Tập Cận Bình “trúng cử”, đều không hợp lệ.

Điều 60 trong Hiến pháp Trung Quốc quy định rõ: “Vào thời điểm Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc hết nhiệm kỳ, Ủy ban thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc phải hoàn thành việc bầu cử đại biểu Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc khóa mới từ trước đó hai tháng”.

Cụ thể, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Khóa 13 của Trung Quốc tại nhiệm từ tháng 3/2018 đến tháng 3/2023. Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Khóa 14 bắt đầu từ tháng 3/2023 đến tháng 3/2028. Vậy theo Hiến pháp, thời điểm muộn nhất để các cuộc bầu cử đại biểu cho khóa mới nhất – khóa 14 – phải hoàn tất là tháng 12/2022.

Tờ Shukan Hoseki chỉ ra: “Từ quy định này có thể thấy, các cuộc bầu cử đại biểu nhân dân được tổ chức ở nhiều nơi tại Trung Quốc từ dịp ‘Tết Dương lịch cho đến Tết Nguyên đán’ là không hợp lệ, tức là các cuộc họp hàng năm của NPC là vi hiến. Sự sơ suất này lẽ ra phải gây kinh ngạc, nhưng chính phủ Trung Quốc luôn giả vờ không chú ý đến”.

Ở Trung Quốc ngày nay, có rất ít cuộc bầu cử đại biểu NPC không vi phạm các điều khoản của Hiến pháp do ĐCSTQ quy định. Ít nhất có một khu vực bầu cử phù hợp với quy định của Hiến pháp, đó là Hong Kong, cuộc bầu cử đại biểu NPC của Hong Kong được tổ chức vào tháng 12.

Tờ Ming Pao của Hong Kong đưa tin vào ngày 31/1 rằng, thời đầu khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, ông cũng được bầu làm đại biểu NPC ở Thượng Hải – nơi cuối cùng ông giữ chức vụ tại địa phương trước khi vào trung ương. Sau đó, chính quyền trung ương đã thay đổi cách làm, các nhà lãnh đạo cố ý tránh quê hương hoặc nơi làm việc và trưởng thành của bản thân, và các địa điểm trúng cử dường như được lựa chọn ngẫu nhiên. Tuy vậy, lần này ông Tập Cận Bình chọn Giang Tô, dường như lại có hàm ý khác.

Theo bài báo, Giang Tô được kỳ vọng sẽ “thanh tẩy” và trở lại vị thế chính trị cao. Giang Tô là quê hương của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân. Sau khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã tiến hành một chiến dịch thanh tẩy đẫm máu trong chốn quan trường Giang Tô.

Ví như, Đại tướng Lý Nguyên Triều, người thuộc phe Đoàn Thanh niên ĐCSTQ và 10 năm trước từng chấp chính Giang Tô, đã không thể gia nhập hàng ngũ Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Ngoài ra còn có cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang đang ngồi tù, ông này nguyên quán ở Vô Tích, tỉnh Giang Tô. Trong khi đó, “đại thư ký” của ông Lý Nguyên Triều là Lý Vân Phong, Bí thư Thành ủy Nam Kinh Dương Vệ Trạch, Thị trưởng Nam Kinh Lý Kiến Nghiệp cũng lần lượt ngã ngựa. Nam Kinh là một thành phố lớn ở Giang Tô.

Khi ấy, Giang Tô bỗng chốc trở thành “hố trũng chính trị”.

Bài báo chỉ ra rằng, vào năm 2016, Tỉnh trưởng Chiết Giang Lý Cường đã được ông Tập Cận Bình ưu ái và trở thành “lãnh đạo cao nhất” của Giang Tô. Tuy ông Lý Cường chỉ ở Giang Tô 2 năm, sau đó được chuyển sang làm Bí thư Thành ủy Thượng Hải, nhưng đã giúp Giang Tô trở mình khỏi chiến dịch thanh tẩy.

Hiện tại, Bí thư Tỉnh ủy Giang Tô Ngô Chính Long, người từng cộng tác với ông Lý Cường, được cho là sắp đảm nhiệm vị trí Ủy viên Quốc vụ (chỉ thấp hơn phó thủ tướng và đứng trên các bộ trưởng). Nếu 5 năm tới ông Tập “nhập tịch” Giang Tô, tỉnh này sẽ có hy vọng lấy lại vị thế cao trong chính trường.

Thủ tục cách ly đối với nhà báo nước ngoài trong ‘Lưỡng Hội’
Có rất nhiều biến số trong hai kỳ họp năm nay của ĐCSTQ. Và ở Trung Quốc vẫn đang tiềm ẩn một đợt bùng phát dịch khác.

Ming Pao ngày 1/3 đưa tin, nếu muốn tới hiện trường đưa tin về cuộc họp báo và lễ khai mạc của Lưỡng Hội, các nhà báo nước ngoài ở Bắc Kinh phải nộp đơn đăng ký cho trung tâm báo chí của hai phiên họp theo đúng thời hạn.

Bào báo cho biết, thông tin đính kèm đơn đăng ký nêu rõ, nếu đăng ký thành công, trước đó một ngày phóng viên phải đến khách sạn cách ly từ lúc 8h tối và khai báo xem trong 3 ngày qua có từng tiếp xúc gần với ca nhiễm Covid-19 trong khi không có biện pháp bảo vệ nào hay không; hoặc phải khai báo xem có xuất hiện các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, ho, tiêu chảy, viêm họng… hay không. Các phóng viên được yêu cầu cung cấp thông tin đúng sự thật, nếu không sẽ chịu trách nhiệm pháp lý và hậu quả tương ứng.

Trước đó, truyền thông Hong Kong còn tiết lộ, một số ủy viên của CPPCC đã được thông báo rằng, trong hai phiên họp năm nay, tất cả nơi lưu trú của họ sẽ bị quản lý khép kín, không được tự do ra vào. Các biện pháp phòng chống dịch cụ thể sẽ được thông báo riêng.

Một số ủy viên CPPCC tham dự cuộc họp cho biết, mặc dù chính quyền ĐCSTQ đã nới lỏng rất nhiều các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhưng các “lãnh đạo” sẽ xuất hiện dày đặc trong suốt hai phiên họp. Trước sự an toàn của giới quan chức cấp cao, dịch bệnh vẫn là một trong những điều đáng lo ngại.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới