Thursday, March 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNguy cơ chiến tranh ngày càng cao

Nguy cơ chiến tranh ngày càng cao

Trung Quốc hiện là nước có số lượng quân nhân đông nhất thế giới. Thế nhưng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc chỉ bằng khoảng 1/4 so với Mỹ.

Sau khi Trung Quốc công bố ngân sách quốc phòng cho năm 2023 thì báo chí thế giới nhất loạt thông tin và cho rằng dây là con số kỷ lục. Đằng sau con số này là gì? Liệu nó có ẩn chứa thông điệp gì trong cuộc chạy đua vũ trang?

Thật ra con số 1,55 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 224 tỷ USD) chưa phải là con số cuối cùng trong chiến lược hiện đại hóa quân đội Trung Quốc. Tháng 3 năm ngoái nhiều tờ báo loan tin Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng lên mức kỉ lục. Và kỉ lục ấy tiếp tục bị phá vỡ. Tính đến thời điểm này là năm thứ tám nước này liên tục tăng chi tiêu quốc phòng ở mức một con số.

Thủ tướng Lý Khắc Cường trước khi “hạ cánh” vẫn cố vớt vát, rằng chúng tôi tăng ngân sách quốc phòng là bởi vì “có những nỗ lực đang gia tăng từ bên ngoài nhằm kiềm chế Trung Quốc”. Địa chỉ mà ông Lý gọi “bên ngoài” đích thị là Mỹ và phương Tây, bởi không có quốc gia nào mấy năm nay không đổ tiền của cho việc mua sắm, hiện đại hóa vũ khí, khí tài của quân đội.

Nói sát vào việc, ông Lý cho biết: “Các lực lượng vũ trang cần gia tăng huấn luyện quân sự và sẵn sàng chiến đấu trên mọi mặt, phát triển hướng dẫn chiến lược quân sự mới, đặt nhiều nỗ lực hơn vào huấn luyện quân sự trong điều kiện chiến trường và có những nỗ lực phối hợp tốt để tăng cường công tác quân đội ở mọi hướng và mọi mặt”.

“Hướng” nào và “mặt” nào vậy? Ai cũng hiểu Trung Quốc hiện có những thách thức, những bất ổn ngày càng gia tăng liên quan đến vấn đề Đài Loan và Biển Đông. Tháng 8 năm 2022, Trung Quốc đã có cuộc diễn tập quân sự lớn gần Đài Loan nhằm phản đối chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan – “đứa con bất trị” của Đại lục.

Thông tin từ quân đội Trung Quốc cho hay: với số lượng quân nhân đứng đầu thế giới, họ đang phát triển mạnh mẽ các loại vũ khí quân sự mới, bao gồm tàu sân bay và chiến đấu cơ tàng hình. Thế nhưng, chi tiêu quốc phòng hiện vẫn thấp so với GDP. Bắc Kinh thường phản pháo trước “dư luận xấu” khi cho rằng một số quốc gia phương Tây đã làm méo mó hình ảnh Trung Quốc khi xuyên tạc nước này là mối đe doạ hoà bình thế giới (!). Và rằng, hiện đại hóa quân đội, Trung Quốc chỉ hướng tới một mục đích duy nhất là phòng thủ, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Theo các nguồn tin từ quân đội Trung Quốc, dù có tăng ngân sách quốc  phòng thì cũng chưa thấm tháp gì so với Mỹ. Bởi ngân sách quốc phòng năm 2023 của Mỹ rất lớn, lên tới 858 tỷ USD, trong đó có khoản chi khổng lồ để mua các vũ khí, tàu chiến và máy bay, hỗ trợ Đài Loan và Ukraine. Tính ra, ngân sách quốc phòng trung bình hằng năm của Mỹ  chiếm hơn 40% tổng số ngân sách của thế giới, nhiều hơn cả 15 quốc gia đứng ở vị trí sau Mỹ cộng lại.

Không chỉ Mỹ, Nhật Bản cũng là quốc gia châu Á tăng mạnh chi tiêu quốc phòng. Nước này vừa thông báo kế họach tăng chi tiêu quốc phòng lớn nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ II với ước tính 43.000 tỉ yên (khoảng 320 tỉ USD) cho 5 năm tới.  

Nhưng đó là thông tin từ phía Trung Quốc. Còn theo các nhà bình luận quốc tế, vấn đề chi tiêu quốc phòng của nước này tăng mạnh, vượt xa dự báo tăng trưởng kinh tế cho thấy, họ đã lường trước sẽ phải đối mặt với áp lực lớn hơn trong môi trường an ninh tiềm ẩn, bao gồm cả những tình huống bất ngờ. Không ngoại trừ trường hợp xảy ra chiến tranh nóng, liên quan đến vũ khí hạt nhân.

Trung Quốc luôn khẳng định, theo đuổi chính sách quốc phòng phòng thủ, dù có đầu tư chi tiêu quốc phòng cao bao nhiêu, các lực lượng vũ trang được hiện đại hoá ra sao, thì nước này cũng “không bao giờ theo đuổi bá quyền, bành trướng và gây ảnh hưởng hòa bình thế giới” (!).

Dù phòng thủ hay tấn công, dù là Mỹ hay Trung Quốc, việc gia tăng ngân sách cho quốc phòng là điều không nên khuyến khích, nếu không muốn dùng từ mạnh mẽ hơn là lên án. Nếu ngân sách ấy được tăng thêm cho phát triển kinh tế, giáo dục, khoa học công nghệ, chống biến đổi khí hậu mới thật là đáng khích lệ.

Có cầu ắt có cung. Túi tiền mua tên lửa, máy bay, tàu chiến hiện đại càng lớn thì kẻ lái súng càng béo bở, nguy cơ chiến tranh càng cao. Nó đe dọa hòa bình, an ninh thế giới, trái với các Nghị quyết của Liên hợp quốc, đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân tiến bộ trên thế giới.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới