Saturday, April 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVì sao ngành y Việt ngày một khốn khổ

Vì sao ngành y Việt ngày một khốn khổ

Để tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế thời gian vừa qua không lặp lại, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan cần phối hợp tham mưu cho Chính phủ xây dựng hành lang pháp lý căn cơ, dài hơi.

Cần nhìn nhận nghiêm túc những bất cập về cơ chế kéo dài trong lĩnh vực y tế.


Ai giải cứu ngành y?

Chúng ta đang chứng kiến những điểm nghẽn cơ chế gây ùn tắc, thiếu hụt, thậm chí khủng hoảng về thuốc, máy móc, vật tư, sinh phẩm y tế… ở các bệnh viện công lập trong những tháng gần đây.

Trước thực tế đó, Chính phủ đã có một số quyết sách mang tính khẩn cấp để “giải cứu” khó khăn cho ngành y tế và giúp người bệnh.

Tuy nhiên, vẫn phải nhìn nhận một cách nghiêm túc những bất cập về cơ chế kéo dài trong lĩnh vực y tế để hạn chế những hệ lụy tiêu cực của nó kéo dài tới đây.

Từ năm 2021, khi dịch Covid diễn ra, tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh, máy móc, hóa chất, sinh phẩm y tế đã xuất hiện ở các cơ sở chữa bệnh công lập từ trung ương đến địa phương. Lãnh đạo các bệnh viện đã liên tục kiến nghị, đề đạt để giải quyết tình trạng này nhưng chưa được các cấp có thẩm quyền khắc phục. Tình thế đến nay ngày càng trở nên trầm trọng.

Theo thống kê của Bộ Y tế tại 34 Sở Y tế, 21 bệnh viện tuyến Trung ương và 2 bệnh viện trực thuộc trường Đại học cho thấy: 40/55 Sở Y tế và bệnh viện Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc. Trong đó, các thuốc thiếu tại cơ sở khám chữa bệnh bao gồm cả một số thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền…

Báo cáo với đoàn giám sát của Quốc hội ngày 8/8/2022, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế do “tâm lý lo ngại, sợ sai, không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm” của một số địa phương và đơn vị trong ngành y tế.

Những nguyên nhân này dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số tỉnh thành, khiến bệnh nhân thuộc nhóm bảo hiểm y tế chi trả khi khám hoặc điều trị tại cơ sở y tế công lập phải tự mua thuốc bên ngoài. Thậm chí các bệnh viện đặc biệt cấp quốc gia như Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy… phải hạn chế nhận bệnh nhân vào viện.

Trước thực trạng đó, hàng loạt tờ báo “rung chuông” báo động về thực trạng thiếu thuốc, máy móc, vật tư, sinh phẩm y tế ở các bệnh viện. VietNamNet đã có nhiều bài như Vẫn thiếu thuốc nhiều nơi, Bộ Y tế nói do “sợ sai, sợ thanh tra”; Bệnh viện 51 tuổi ở TP.HCM quá tải bệnh nhân, nhiều hạng mục xuống cấp; Thiếu vật tư y tế, bác sĩ lo ‘tay không bắt giặc’; Cảnh tượng chưa từng thấy ở Bệnh viện Chợ Rẫy…

Những nút thắt pháp lý

Nguyên nhân của tình trạng trên đây là do bất cập về cơ chế; xin dẫn dụ những bất cập trong một số văn bản quy phạm pháp luật.

Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/06/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư; Thông tư số 68/2022/TT-BTC ngày 11/11/2022 của Bộ Tài chính quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước…

Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 quy định chi tiết một số điều của luật quản lý, sử dụng tài sản công. Theo nghị định này, một số trang thiết bị sau khi kết thúc đề án liên doanh, liên kết có giá trị dưới 50% nhưng vẫn trong điều kiện hoạt động tốt thì vẫn tiếp tục được sử dụng. Trong khi đó, nghị định số 29/2018/NĐ-CP, ngày 05/3/2018 về quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân lại quy định điều kiện để xác lập sở hữu toàn dân thì tài sản phải có giá trị còn lại trên 50%. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng yêu cầu trang thiết bị phải được xác lập sở hữu toàn dân mới thanh toán bảo hiểm y tế.

Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 về quản lý giá trang thiết bị y tế; Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/03/2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước.

Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 05/11/2022 về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Do các văn bản trên đây còn bất cập, không sát thực tế, chồng chéo, đưa ra các quy định không thể thực hiện được nên các cơ sở y tế công lập lúng túng khi vận dụng, thậm chí không dám thực hiện. Đây là những điểm nghẽn dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong thời gian vừa qua.

Những câu hỏi còn bỏ ngỏ

Xin đặt ra một vài câu hỏi:

Vì sao cũng những bệnh viện công đó, cũng các bác sỹ đó mà họ vẫn tiếp cận đầy đủ vât tư y tế trước đây? Thậm chí, trong dịch bệnh, họ là những người ở tuyến đầu.

Vì sao cũng vẫn là những con người đó lại để xảy ra tình trạng thiết thuốc, vật tư y tế trên diện rộng?

Lỗi ở thể chế, hay chỉ đơn giản từ cái tâm, lòng tham của con người?

Trả lời câu hỏi này đòi hỏi cả công trình nghiên cứu, khảo sát chứ không phải là khuôn khổ giới hạn của một bài báo này!

Bệnh viện mà lại thiếu thuốc, điểm nghẽn ở đâu cần xóa ngay
Đúng như những gì đã dự đoán mấy tháng trước, chuỗi cung ứng thuốc chữa bệnh đã thực sự bị đứt gãy, nhiều bệnh viện lâm vào tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế.

Để khắc phục tính trạng trên đây, ngày 4/3/2023 Chính phủ đã ban hành nghị quyết 30 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế. Nhiều khó khăn về hành lang pháp lý trong đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế ở các bệnh viện công lập đã được bật đèn xanh tháo gỡ.

Tuy nhiên, để tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế thời gian vừa qua không lặp lại, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan cần phối hợp tham mưu cho Chính phủ xây dựng hành lang pháp lý về công tác khám chữa bệnh căn cơ, dài hơi.

Khoảng chục năm trở lại đây, triết lý quản lý luôn được gắn với “xây dựng chính phủ kiến tạo”. Đây là quan điểm mang tính cốt lõi mở đường cho đất nước phát triển.

Trong những nhiệm kỳ vừa qua, bộ máy Chính phủ đã có những chuyển biến tích cực trong việc xây dựng hành lang pháp lý để giải tỏa các điểm nghẽn cơ chế đang kìm hãm đối với sự phát triển kinh tế, xã hội. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản để đất nước đạt được những thành tựu kinh tế, xã hội quan trọng.

Tuy nhiên, trên bình diện tổng thể, triết lý “xây dựng chính phủ kiến tạo” chưa được các cấp, các ngành quán triệt và vận dụng đầy đủ vào thực tiễn đời sống kinh tế, xã hội, trong đó những bất cập ở ngành y, từ lĩnh vực xây dựng thể chế, đến hoạt động thực tế của các bệnh viện là ví dụ.

Ít nhất, tháo gỡ những điễm nghẽn thể chế trong lĩnh vực y tế để các bệnh viện hoạt động bình thường trở lại, để người bệnh có cơ hội chữa bệnh sẽ phát đi tín hiệu “kiến tạo” mà nhân dân luôn kỳ vọng lâu nay.

RELATED ARTICLES

Tin mới