Saturday, April 20, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnDoanh nghiệp du lịch TQ tin tưởng vào sự phục hồi của...

Doanh nghiệp du lịch TQ tin tưởng vào sự phục hồi của thị trường Việt Nam

Trung Quốc chính thức nối lại du lịch theo đoàn tới 40 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhiều công ty du lịch Trung Quốc đang tích cực chuẩn bị các sản phẩm để đón đầu cơ hội vàng dịp nghỉ lễ 1/5.

Ông Ngô Tinh (Wu Xing), phụ trách nghiệp vụ du lịch của BJST.

Công ty BJST có trụ sở ở Bắc Kinh là đơn vị chuyên tổ chức tour du lịch quốc tế cho công dân Trung Quốc. Năm 2017, BJST bắt đầu khai thác thị trường Việt Nam, thời kỳ cao điểm mỗi ngày công ty có thể đưa hơn 800 lượt khách sang Việt Nam bằng đường hàng không.

Cầm cự sau 3 năm đại dịch bằng cách chuyển hướng sang làm du lịch nội địa, nay khi biết tin Việt Nam được nối lại du lịch theo đoàn, BJST đã lập tức bắt tay xây dựng các sản phẩm thế mạnh, để không bỏ lỡ cơ hội vàng dịp nghỉ lễ 1/5 đang đến gần.

Ông Ngô Tinh (Wu Xing), phụ trách Nghiệp vụ Du lịch của BJST, cho biết: “Kế hoạch của chúng tôi trong năm nay trước tiên là chuẩn bị một số sản phẩm trên tất cả các tuyến du lịch Việt Nam vào tháng 5. Các sản phẩm giờ đã thiết kế xong. Chúng tôi cần khoảng 1 tháng để quảng bá ra thị trường, bao gồm cả việc tuyên truyền trên một số kênh và các hoạt động xúc tiến du lịch”.

Chỉ còn tháng rưỡi nữa là đến kỳ nghỉ lễ 1/5, nhiều du khách ở Trung Quốc đã bắt đầu lên kế hoạch cho hành trình của mình. Theo dữ liệu của Ctrip, nền tảng du lịch trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, lượng đặt tour trong dịp này đang dần khởi sắc. Tính đến 28/2, tổng lượng đặt chỗ du lịch nước ngoài đã tăng gần 17 lần so với năm ngoái.

Riêng với Việt Nam, số liệu của Ctrip cho thấy, từ ngày 8/1 đến ngày 8/3, lượng đặt vé máy bay của du khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng hơn 23 lần, lượng đặt phòng khách sạn tăng hơn 22 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, theo dữ liệu của nền tảng Tongcheng Travel, trong số 40 quốc gia thí điểm nối lại du lịch nước ngoài lần này, du khách Trung Quốc quan tâm nhiều nhất đến Việt Nam, Italy, Serbia, Pháp và Tây Ban Nha.

Ông Ngô Tinh cho biết, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam là những thị trường chính của BJST. Trước khi đại dịch bùng phát, mỗi năm công ty này đưa khoảng 80.000 – 100.000 lượt khách đến Việt Nam. Đây là thị trường chiếm tới hơn 50% nghiệp vụ của công ty.

Nay khi Trung Quốc đã mở cửa du lịch trở lại cho 60 quốc gia, nhưng vẫn chưa có Nhật Bản và Hàn Quốc, thị trường Việt Nam càng trở nên quan trọng với BJST: “Việt Nam là mảng kinh doanh rất quan trọng đối với chúng tôi, tôi rất tin tưởng vào thị trường Việt Nam, bao gồm cả việc xúc tiến tại thị trường Trung Quốc. Tất nhiên, tôi cũng hy vọng Tổng cục Du lịch Việt Nam làm tốt hơn nữa việc quảng bá và xúc tiến tại Trung Quốc, bao gồm cả việc hỗ trợ và giúp đỡ các công ty du lịch hay việc tạo thuận tiện về thị thực cho du khách Trung Quốc, chẳng hạn như miễn thị thực hay miễn lệ phí thị thực”.

Theo số liệu của Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, vào thời điểm trước dịch, tức năm 2019, các hãng lữ hành của nước này đã tổ chức cho 62,88 triệu lượt người ra nước ngoài du lịch. Trong số 10 quốc gia và vùng lãnh thổ hàng đầu xếp theo số lượng du khách, Việt Nam xếp thứ 4 sau Thái Lan, Nhật Bản và Đài Loan, chiếm 8%, trong đó Thái Lan nhiều hơn gấp đôi, chiếm 17%.

Nếu Thái Lan là quốc gia đón nhiều du khách Trung Quốc nhất thế giới trước đại dịch, thì Nha Trang là địa phương làm được điều đó ở Việt Nam.

“Nha Trang chiếm hơn 80% sản phẩm của chúng tôi tại Việt Nam. Về lý do, tôi cho rằng Nha Trang có nhiều chuyến bay trên khắp Trung Quốc. Ngoài ra, chuỗi ngành nghề từ khách sạn, xe cộ, dịch vụ, hệ thống mua sắm tại Nha Trang cũng tương đối hoàn chỉnh. Sự thân thiện của người dân Nha Trang đối với Trung Quốc cũng khiến họ cảm thấy rất thân tình. Theo tôi, đảo Phú Quốc có thể là sự lựa chọn của du khách Trung Quốc trong tương lai”.

Là quốc gia đón nhiều du khách Trung Quốc nhất, Cục Du lịch Thái Lan ước tính sẽ có khoảng 5 triệu lượt khách Trung Quốc đến nước này trong năm nay, tức chưa tới 50% so với năm 2019. Trong khi đó, theo dự báo của chuyên gia HSBC đối với thị trường Việt Nam, tỷ lệ quay trở lại của du khách Trung Quốc có thể đạt 50%-80% so với trước đại dịch, tương đương 3-4,5 triệu lượt, nếu Việt Nam có thể giải quyết những hạn chế về chuyến bay hay nới lỏng thêm các yêu cầu về thị thực nhập cảnh.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới