Monday, September 16, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNhà đầu tư ngoại kiến nghị Thủ tướng gỡ vướng thị thực

Nhà đầu tư ngoại kiến nghị Thủ tướng gỡ vướng thị thực

Đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ, châu Âu và Hàn Quốc đều đề xuất có chính sách cởi mở với vấn đề thị thực trong buổi đối thoại với Thủ tướng tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF 2023) do Bộ KH-ĐT tổ chức sáng nay 19.3.

Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham).

VBF 2023 khai mạc sáng nay tại Hà Nội, đây là diễn đàn thường niên để cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước tham mưu cho Chính phủ các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bền vững; có cam kết, lộ trình cụ thể, nâng cao trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp…

Kéo dài thị thực du lịch cho khách châu Âu

Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cho rằng cảnh quan, thiên nhiên tươi đẹp cùng di sản văn hóa giàu có khiến Việt Nam trở thành một điểm đến hàng đầu cho khách du lịch.

“Để khai thác tối đa tiềm năng này, việc miễn thị thực một tháng nên được mở rộng cho tất cả các nước EU và các nước có nhiều khách du lịch khác. Hơn nữa, việc thực hiện một chương trình riêng cấp thị thực cho những người về hưu tự túc trong 3 đến 6 tháng có thể là chất xúc tác cho ngành du lịch phát triển mạnh, giống như sự thành công của các quốc gia láng giềng Việt Nam”, ông Gabor Fluit nêu.

Theo Eurocham, thị trường Úc và New Zealand cũng như các quốc gia khác thuộc Liên minh châu Âu đều là thị trường tiềm năng với sức chi lớn, khoảng từ 100 – 150 USD/ngày. Tuy nhiên, chính sách miễn thị thực chưa thỏa đáng với các quốc gia này.

Đối với Úc và New Zealand, Eurocham khuyến nghị cấp visa miễn thị thực với thời hạn 14 ngày và có thể tăng lên tối đa là 21 ngày, hoặc cấp visa tại sân bay với phí định trước không quá 20 USD/người.

Đại diện Eurocham cũng cho biết, qua đại dịch, thói quen du lịch của du khách đã thay đổi, với tần suất ít hơn, nhưng lại dành nhiều thời gian hơn tại mỗi điểm đến. Do đó, thời gian miễn thị thực thông thường không đủ để đẩy mạnh việc phục hồi ngành du lịch. Để bắt kịp xu hướng mới, Eurocham khuyến nghị Việt Nam kéo dài thời hạn miễn thị thực lên 30 ngày.

Các hiệp hội thành viên liên kết (Associate Members) cũng kêu gọi Chính phủ xem xét khả năng cấp miễn thị thực cho người mang hộ chiếu Úc phù hợp với 25 quốc gia đã được miễn thị thực. Hiện có 25 quốc gia miễn thị thực cho du lịch ngắn hạn khi nhập cảnh, xuất cảnh và quá cảnh Việt Nam, thường là 15 ngày (Úc không được bao gồm trong danh sách này).

Cần đơn giản hóa thị thực cho người lao động

Cùng chia sẻ về vấn đề thị thực, ông Greg Testerman, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), kiến nghị đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh để hỗ trợ trao đổi kinh doanh quốc tế.

Theo Amcham, yêu cầu cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Hiện, nhiều tổ chức nước ngoài có kế hoạch thành lập đại diện thương mại tại Việt Nam, lý do phải có người bảo lãnh để xin cấp thị thực cho lao động nước ngoài của mình.

Vì thế, Amcham đề xuất đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, như bỏ quy định phải hợp pháp hóa hồ sơ để xin giấy phép lao động; mở rộng chính sách cấp thị thực điện tử và miễn thị thực để tạo điều kiện đi công tác; mở rộng cơ hội chuyển đổi mục đích sử dụng đối với thị thực cá nhân…

Bên cạnh đó, hiện việc gia hạn thị thực chỉ được phép kéo dài thêm 15 ngày, sau đó người đăng ký phải rời khỏi Việt Nam. Điều này tạo gánh nặng không đáng có, gây tốn kém, lãng phí thời gian cho người nộp đơn và người sử dụng lao động. Amcham cho rằng cần mở rộng thời hạn tối đa của thị thực kinh doanh (hiện nay là 30 ngày) và cho phép gia hạn thị thực kinh doanh trong nước.

Đại diện cho các doanh nghiệp Hàn Quốc, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham), cũng nêu lên vướng mắc liên quan quy trình cấp giấy phép lao động, mất nhiều thời gian (2 – 6 tháng) do phải thực hiện các thủ tục bổ sung.

“Doanh nghiệp sẽ xử lý nhanh hơn nếu được hướng dẫn nhất quán ngay từ đầu. Hiệp hội đề nghị cơ quan liên quan ban hành hướng dẫn chính xác, nhất quán liên quan đến hồ sơ phải nộp”, đại diện KoCham khuyến nghị.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới