Wednesday, October 9, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiQuyết định của ICC chỉ thể hiện… lập trường (!)

Quyết định của ICC chỉ thể hiện… lập trường (!)

Ông Vladimir Putin không phải là vị Tổng thống đầu tiên trên thế giới bị Tòa án quốc tế phát lệnh bắt giữ vì tội ác chiến tranh. Tuy nhiên, việc tới đây ông có bị bắt không lại là vấn đề khác.

Không những không hề “run sợ” trước phán quyết của Tòa, ông Putin còn tỏ ra bình thản khi quyết định chuyến đi bất ngờ đến Ukraine. Hãng thông tấn TASS hôm 19/3 đưa tin, Tổng thống Putin đã bay trực thăng từ bán đảo Crimea đến thành phố Mariupol, tỉnh Donetsk, miền Đông Ukraine. Ông đã lái ôtô vòng quanh thành phố và nói chuyện với người dân. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Putin đến vùng lãnh thổ này kể từ khi Nga xâm lược Ukraine.

Trước đó, ngay sau khi kết thúc phiên tòa hôm 17/3, dư luận quốc tế đã nổi sóng với các quan điểm trái chiều. Trung tâm sự chú ý là việc Tòa án hình sự quốc tế (ICC), trụ sở tại La Haye, thông báo phát lệnh bắt giữ Tổng thống Putin.

Người đứng đầu Điện Kremlin bị kết tội về trách nhiệm của ông trong các tội ác chiến tranh xảy ra kể từ khi Nga tiến hành chiến tranh xâm lược Ukraina. Nghiêm trọng nhất là các vụ đày trẻ em Ukraina đến Nga và các vùng bị chiếm đóng. Các nguồn tin từ Ukraine cho hay, một năm qua có tới hơn 16 nghìn trẻ em nước này đã bị đưa sang Nga. Một số trẻ đã được nhận làm con nuôi và mang quốc tịch Nga.

Công tố viên của Tòa án, ông Karim Khan cho biết: “Đây là kết quả đầu tiên trong cuộc điều tra của Tòa án. Putin bị tình nghi đã đày các trẻ em Ukraina đến Nga, không thể ngụy biện cho tội ác chiến tranh này. Tổng thống Nga cũng bị truy tố về tội đã di tản trái phép nhiều trẻ em Ukraina đến các vùng bị chiếm đóng, nhất là vùng Donbass”.

Cùng bị truy tố với Tổng thống còn có Ủy viên về quyền trẻ em của Nga – bà Maria Lvova Belova. Trong đó Putin bị truy tố với tư cách là thủ phạm trực tiếp và là đồng phạm với Belova.

Tuy nội dung của các lệnh bắt giữ không được công bố, nhưng theo giải thích của ICC, thông tin nêu trên nhằm tìm cách ngăn chặn những tội ác chiến tranh có thể xảy ra trong tương lai.

Khó nhất trong việc thi hành án là làm thế nào bắt được Tổng thống Nga, bởi Nga chưa phê chuẩn hiệp ước thành lập Tòa án hình sự quốc tế. Vào năm 2016, ông Putin đã ký sắc lệnh tuyên bố Nga sẽ không trở thành một bên của ICC. Chính vì vậy Nga không công nhận thẩm quyền của Tòa án này và coi các quyết định của tòa là vô hiệu.

Moscow chắc chắn sẽ chẳng bao giờ thừa nhận tội ác chiến tranh. Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov đã bác bỏ lệnh bắt giữ Tổng thống Putin. Ông Peskov nói, Tòa án hình sự quốc tế không có thẩm quyền đó. Đây là hành động thô bỉ, ngang ngược.

Đó là phản ứng của Nga. Còn đương nhiên, Ukraine, Mỹ và đồng minh thì hoan nghênh nhiệt. Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky ca ngợi một quyết định “lịch sử” của Tòa án hình sự quốc tế. Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định: lệnh bắt giữ tổng thống Putin về tội ác chiến tranh là hoàn toàn “đúng đắn”. Ông Biden bình luận về phán quyết của Tòa: “Tôi nghĩ nó hợp lý. Dù không được quốc tế công nhận nhưng phán quyết này đã đưa ra một lập trường cứng rắn”.

Tương tự như ý kiến Tổng thống Mỹ, Lãnh đạo ngoại giao Liên hiệp châu Âu Joseph Borrel tuyên bố, đây là một “quyết định quan trọng”. Mọi vấn đề liên quan về tội ác chiến tranh phải bị trừng trị!

Dịp này thế giới lại có dịp nhớ lại những vụ án nổi tiếng khi các vị lãnh đạo cao nhất của một số quốc gia phải hầu tòa vì tội ác chiến tranh. Không một ai có thể nằm ngoài tầm kiểm soát của luật pháp.

Đó là Milosevic (1941 – 2006), một chính trị gia người Serb của Nam Tư. Ông là Tổng thống Serbia, tiếp đến là Tổng thống Cộng hòa Liên bang Nam Tư. Sau Chiến tranh Kosovo năm 1999, ông bị khối quân sự NATO do Mỹ dẫn đầu lật đổ và là quốc trưởng đầu tiên đang nắm quyền bị buộc tội diệt chủng tại tòa án xử các tội phạm chiến tranh.

Đó là Charles Taylor (sinh năm 1948) là Tổng thống thứ 22 của Liberia, nhiệm kỳ từ năm 1997 cho đến khi ông từ chức vào tháng 8 năm 2003. Trong nhiệm kỳ tổng thống, Taylor bị cáo buộc về tội ác chiến tranh và tội ác chống loài người do tham gia cuộc nội chiến Sierra Leone.

Đó là Karadzic (sinh năm 1945), Cựu Tổng thống Cộng hòa Srpska. Tháng 7/2008, Karadzic bị chính quyền Serbia bắt và cho dẫn độ sang Hà Lan. Sau hơn bảy năm giam giữ Tòa án hình sự quốc tế về Nam Tư (cũ) kết án ông 40 năm tù vì các tội ác chiến tranh trong Chiến tranh Bosnia, tội ác chống lại loài người liên quan tới chiến dịch khủng bố khi bao vây thành phố Sarajevo khiến gần 12 nghìn người bị thiệt mạng và tội diệt chủng trong vụ thảm sát Srebrenica.

Vân vân…

Những dẫn chứng này cho thấy không một ai có thể đứng trên pháp luật, kể cả khi đã là người đứng đầu quốc gia. Nhưng với trường hợp Tổng thống Nga Putin, đúng là không dễ thi hành án, vì Nga không phải một bên của ICC. Tuy nhiên, với phán xét này của Tòa án hình sự quốc tế uy tín của Tổng thống Nga đã giảm sút ở mức thấp nhất.

Còn có một lối thoát duy nhất đối với Putin đó là, sớm kết thúc cuộc chiến lạc lõng và điên rồ tại Ukraine.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới