Tuesday, April 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCái “chìa khóa” của Bắc Kinh

Cái “chìa khóa” của Bắc Kinh

Từ đầu tháng 3 đến nay, Trung Quốc lại xua tàu ra Biển Đông. Nhiều tàu dân quân biển và tàu cá của nước này, được Cảnh sát biển hộ tống, tụ tập thành đoàn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam và Philippines ở Biển Đông.

Thông tin này dẫn nguồn từ một tổ chức nghiên cứu của Việt Nam sử dụng dữ liệu theo dõi tàu thuyền. Nguồn tin khác của Dự án Đại Sự ký Biển Đông (SCSCI) cũng cho hay, tàu Hải Dương Địa chất 4 – một tàu khảo sát nặng 2.600 tấn của Trung Quốc, đã xâm phạm EEZ của Việt Nam.

Đặc biệt trong hai tuần đầu tháng 3, số lượng tàu Trung Quốc vi phạm lãnh hải Việt Nam và Philippines đã tăng bất thường (gấp ba lần số lượng quan sát được vào cuối tháng 2). Dữ liệu khá tin cậy vì thu thập được từ tín hiệu của hệ thống nhận diện tự động (AIS) của những con tàu này. Các tàu Trung Quốc ngang nhiên vào sâu bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách bờ biển Quảng Ngãi chỉ hơn 100 km.

Ngày 15/3, tàu nghiên cứu và khảo sát Hải Dương Địa chất 4 của Trung Quốc đã quần thảo nhiều giờ trong vùng biển Việt Nam trước khi đi vào khu vực có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông. “Con tàu này có thể đang bí mật tiến hành một hoạt động gì đó trong khu vực” – cáo buộc của SCSCI.

Việc các tàu khảo sát Trung Quốc ngang nhiên đi vào vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác rõ ràng là đã vi phạm chủ quyền. Tại Việt Nam, vào năm 2019, khi tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc hoạt động nhiều tháng trong vùng biển Việt Nam, người dân nước này đã tiến hành các cuộc biểu tình ngay trước Đại sứ quán Trung Quốc và một số nơi khác.

“Chạy trốn” khỏi vùng biển Việt Nam, năm 2020, Hải Dương Địa chất 8 tiếp tục tham gia một cuộc đối đầu kéo dài một tháng với một tàu thăm dò dầu khí của Malaysia. Các vụ việc liên quan đến tàu Hải Dương Địa chất 8 khiến Mỹ bày tỏ sự chú ý. Washington yêu cầu Bắc Kinh “ngừng hành vi bắt nạt các nước láng giềng tại vùng biển tranh chấp”.

Liều lĩnh và ngang ngược nhất là vào năm 2014 Trung Quốc đã gây nên trận “bão biển” khi đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam. Nếu thiếu kiềm chế thì sẽ xảy ra xung đột vũ trang trên biển. Tuy nhiên, phía Việt Nam đã bình tĩnh, kêu gọi các tàu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, rút ra khỏi khu vực. Và rồi cuối cùng, sau hơn hai tháng, sự trơ tráo cũng phải kết thúc, Hải Dương 981 buộc phải rút lui vì lý do… thời tiết.

“Chiến dịch vùng xám” của Bắc Kinh đã và đang được áp dụng trên Biển Đông. Họ sử dụng các lực lượng phi truyền thống như dân quân biển để thực thi các niệm vụ kinh tế và an ninh-quốc phòng. Ngày 4/3, Lực lượng bảo vệ Bờ biển Philippines đã phát hiện hơn 40 tàu dân quân biển của Trung Quốc trong khu vực ngoài khơi cách đảo Thị Tứ (Philippines gọi là Pag-asa, hòn đảo của Việt Nam do Philippines chiếm giữ) 4,5 đến 8 hải lý.

Bằng cách định kỳ phân tán lực lượng của mình, lực lượng dân quân biển Trung Quốc cố ý tìm cách làm cho các cơ quan thực thi pháp luật của Philippines khó khăn hơn khi theo dõi các chiến thuật kéo bầy đàn đến gây rối trong khu vực.

Theo Sách trắng Quốc phòng năm 2010, Trung Quốc tuyên bố rằng, họ có 8 triệu dân quân trên toàn quốc, bao gồm cả dân quân biển. Từ khi hoàn tất xây dựng tiền đồn trên các đảo nhân tạo vào năm 2016, Trung Quốc dốc sức củng cố quyền kiểm soát các hoạt động trên hầu khắp Biển Đông. Nhân tố đắc địa trong sự chuyển dịch này là mở rộng lực lượng dân quân biển. Bề ngoài là đội tàu bè có nhiệm vụ tham gia đánh bắt thương mại, nhưng thực tế là hoạt động bên cạnh lực lượng thực thi pháp luật và hải quân Trung Quốc, nhằm thực hiện những mục tiêu của Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp.

Ước tính có hơn 120 tàu dân quân biển và 52 tàu khác có thể cũng thuộc lực lượng này của Trung Quốc đang hoạt động trá hình trên Biển Đông.

Chúng tôi nhớ lại câu nói của Cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại cuộc gặp thượng đỉnh Trung Quốc – ASEAN, tại Campuchia, hôm 11/11/2022): “Chúng tôi có đầy đủ tự tin, trí tuệ và năng lực để nắm chắc chìa khóa của vấn đề Biển Đông trong tay chúng tôi”.

Phải chăng cái “chìa khóa” ấy là sự dối trá, xuyên tạc lịch sử; là biến các vùng xanh thành vùng xám trên Biển Đông; là đội quân chuyên làm nghề sử dụng súng đạn được khoác cái áo ngoài là ngư dân đánh cá sẵn sàng uy hiếp ngư dân các nước trong khu vực có tranh chấp?

Và cái “chìa khóa” ấy chứng tỏ một điều: Không bao giờ Trung Quốc xuống thang, buông lỏng các yêu sách ở Biển Đông.

Chừng nào Bắc Kinh còn nắm giữ cái “chìa khóa” ấy trong tay thì quá trình đàm phán Trung Quốc- ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử trên biển (COC) còn kéo dài vô thời hạn.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới