Wednesday, April 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTHÔNG ĐIỆP SAU CHUYẾN THĂM NGA CỦA CHỦ TỊCH TQ TẬP CẬN...

THÔNG ĐIỆP SAU CHUYẾN THĂM NGA CỦA CHỦ TỊCH TQ TẬP CẬN BÌNH

Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin có thể giúp Trung Quốc nâng tầm hình ảnh, nhưng khiến phương Tây hoài nghi về vai trò ngày càng tăng của Bắc Kinh.

Tổng thống Putin đón Chủ tịch Tập Cận Bình tại Điện Kremlin hôm 21/3.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kết thúc chuyến thăm chính thức kéo dài 3 ngày (20-22/3) tới Nga. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông Tập đắc cử Chủ tịch Trung Quốc nhiệm kỳ ba. Tổng thống Vladimir Putin cho biết các cuộc hội đàm, bao gồm cuộc gặp kín giữa hai nhà lãnh đạo cũng như cuộc gặp giữa phái đoàn quan chức hai nước, đã diễn ra “thành công” trong bầu không khí “nồng ấm, hữu nghị và mang tính xây dựng”.

Theo ông Putin, hai tuyên bố chung mà hai nhà lãnh đạo ký kết trong chuyến thăm lần này của ông Tập Cận Bình đã đặt ra khuôn khổ và phản ánh đầy đủ tính chất đặc biệt của quan hệ Nga – Trung – mối quan hệ mà Tổng thống Nga mô tả là “đang ở mức cao nhất trong lịch sử”.

“Đây là một ví dụ về cách các cường quốc thế giới, những thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và có trách nhiệm đặc biệt trong việc duy trì sự ổn định, an ninh trên hành tinh, nên tương tác với nhau”, ông Putin nói tại bữa tiệc chiêu đãi sau cuộc hội đàm kéo dài nhiều giờ tại Điện Kremlin.

Trong bài phát biểu chúc mừng, Tổng thống Nga đã trích dẫn “I Ching” (“Cuốn sách về những thay đổi”), để nói rằng người dân Nga và Trung Quốc có một “tâm hồn đồng điệu” và có thể vượt qua mọi trở ngại bằng sức mạnh chung của họ.

Trong khuôn khổ chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, Nga và Trung Quốc đã ký kết 14 tài liệu, bao gồm 2 tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo, nghị định thư về tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực, từ thương mại, công nghiệp đến khoa học và quân sự.

Về kinh tế – thương mại, Tổng thống Putin khẳng định hợp tác kinh tế và thương mại vẫn là ưu tiên hàng đầu của hai nước, vì Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Nga. Năm ngoái, thương mại song phương đã tăng 30%, lập mức kỷ lục mới là 185 tỷ USD. Năm nay, con số này đang trên đà vượt mức hơn 200 tỷ USD, dù thực tế hai phần ba trong số đó được tính bằng đồng nhân dân tệ và rúp, khi cả hai nước đều đang rời xa đồng đô la.

“Tổng thống Putin và tôi đã nhất trí đẩy mạnh kế hoạch toàn diện ở cấp cao nhất, tăng cường thương mại năng lượng và tài nguyên”, ông Tập tuyên bố.

Hai nhà lãnh đạo đã ký tuyên bố về phát triển các lĩnh vực hợp tác kinh tế then chốt đến năm 2030. Ông Putin đặc biệt nhấn mạnh hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời cho biết Nga sẵn sàng tăng cường cung cấp thịt và ngũ cốc cho Trung Quốc.

Tổng thống Putin cho biết ông ủng hộ việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong các thỏa thuận thương mại với các nước khác ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh.

Ông Tập và ông Putin cũng thảo luận về việc tăng quy mô thương mại, phát triển hơn nữa cơ sở hạ tầng hậu cần và xuyên biên giới, mở rộng hợp tác nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực cho cả hai nước, cải thiện hợp tác trong trao đổi năng lượng, khoáng sản, kim loại và hóa chất. Trung Quốc và Nga cam kết mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghệ, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI).

“Bằng cách kết hợp tiềm năng khoa học và năng lực sản xuất dồi dào của chúng tôi, Nga và Trung Quốc có thể trở thành những nhà lãnh đạo thế giới trong lĩnh vực công nghệ thông tin, an ninh mạng và trí tuệ nhân tạo”, Tổng thống Putin nói.

Về hợp tác quân sự, Tổng thống Putin mô tả mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc khác với các liên minh chính trị – quân sự đã phát triển trong Chiến tranh Lạnh, nói rằng mối quan hệ này đã “vượt trội so với hình thức hợp tác đa quốc gia và không có bản chất đối đầu”.

Lãnh đạo hai nước đồng ý “thường xuyên tiến hành các cuộc tuần tra chung trên biển và trên không cũng như các cuộc tập trận chung”, tăng cường trao đổi và hợp tác quân sự bằng cách sử dụng tất cả các cơ chế song phương sẵn có, đồng thời tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau giữa các lực lượng vũ trang.

“Thúc đẩy quan hệ với Nga là một lựa chọn chiến lược mà Trung Quốc đã đưa ra trên cơ sở lợi ích cơ bản của chính mình và các xu hướng phổ biến của thế giới”, ông Tập Cận Bình nói sau cuộc hội đàm đầu tiên hôm 20/3, giải thích rằng hai quốc gia đã chia sẻ cam kết xây dựng một thế giới đa cực.

Về lĩnh vực an ninh, tuyên bố của ông Putin và ông Tập nêu rõ, Nga và Trung Quốc lo ngại trước sự hiện diện ngày càng tăng của NATO ở châu Á, đồng thời cáo buộc Washington gây tổn hại cho an ninh toàn cầu.

“Các bên kêu gọi Mỹ ngừng phá hoại an ninh khu vực và quốc tế cũng như sự ổn định chiến lược toàn cầu để đảm bảo lợi thế quân sự đơn phương của mình”, hai nhà lãnh đạo cho biết.

Phát biểu với các phóng viên sau cuộc hội đàm với ông Putin, ông Tập nói rằng, với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Moscow và Bắc Kinh sẽ thúc đẩy một thế giới đa cực, đóng góp cho an ninh lương thực và năng lượng. Ông Tập nói thêm rằng quan hệ Trung – Nga rất quan trọng đối với “trật tự thế giới hiện đại”.

Về hợp tác năng lượng, ông Putin – người đang tìm cách chuyển hướng nguồn cung năng lượng của Nga sang châu Á do các lệnh trừng phạt của phương Tây – cho rằng Moscow có thể đáp ứng “nhu cầu ngày càng tăng” của Bắc Kinh về nguồn năng lượng. Nhà lãnh đạo Nga cho biết đã đạt được thỏa thuận về đường ống dẫn khí Power of Siberia 2, đường ống này sẽ đưa khí đốt tự nhiên của Nga đến Trung Quốc qua Mông Cổ.

Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga hôm 21/3 cho biết họ đã đạt kỷ lục trong ngày về lượng khí đốt cung cấp cho Trung Quốc thông qua đường ống Power of Siberia hiện có.

Về cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi đối thoại, trong khi Tổng thống Putin hoan nghênh lộ trình hòa bình do Trung Quốc đề xuất vào tháng trước. Ông Putin nói rằng nhiều điểm trong lộ trình này “có thể được coi là nền tảng cho một giải pháp hòa bình khi phương Tây và Kiev sẵn sàng”.

“Chúng tôi luôn ủng hộ hòa bình và đối thoại, và chúng tôi kiên quyết đứng về phía lẽ phải của lịch sử”, ông Tập Cận Bình nói về việc giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine.

Hai nhà lãnh đạo cũng ký một tuyên bố khẳng định, điều quan trọng là “tôn trọng những mối quan tâm chính đáng của tất cả các nước”. Tuyên bố nhấn mạnh việc ngăn chặn cuộc xung đột Ukraine vượt khỏi tầm kiểm soát.

“Nga và Trung Quốc kêu gọi chấm dứt tất cả các bước góp phần làm leo thang căng thẳng và kéo dài chiến sự, tránh làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng”, tuyên bố nêu rõ.

Nhiều thỏa thuận được ký kết trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc tới Nga. Trong hai tuyên bố chung, Nga và Trung Quốc đã cam kết “làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược bước vào một kỷ nguyên mới”, đồng thời xây dựng một kế hoạch phát triển cho các lĩnh vực hợp tác kinh tế quan trọng đến năm 2030.

Các bộ khoa học của hai nước đã ký một nghị định thư về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực “nghiên cứu khoa học cơ bản”, trong khi một nghị định thư khác thiết lập một cơ chế cho các cuộc gặp thường xuyên giữa lãnh đạo hai nước trong tương lai.

Moscow và Bắc Kinh đã đồng ý hợp tác sản xuất chương trình truyền hình chung. Đài truyền hình công cộng Nga VGTRK và China Media Group đã ký một biên bản ghi nhớ hợp tác. Các hãng thông tấn nhà nước Tass (Nga) và Tân hoa xã (Trung Quốc) cũng đồng ý trao đổi thông tin.

Sáu bản ghi nhớ đã được ký kết liên quan đến thương mại, lâm nghiệp, nông nghiệp, bảo vệ người tiêu dùng và cơ sở hạ tầng ở Viễn Đông của Nga. Tập đoàn năng lượng hạt nhân Nga Rosatom và cơ quan năng lượng nguyên tử Trung Quốc đã nhất trí về “một chương trình toàn diện hợp tác lâu dài trong lĩnh vực lò phản ứng neutron nhanh và khép kín chu trình nhiên liệu hạt nhân”.

Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã mời Tổng thống Putin đến thăm Bắc Kinh vào cuối năm nay để dự Diễn đàn Hợp tác Quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ ba.

Thông điệp sau chuyến thăm

Một số nhà quan sát quốc tế cho rằng cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Moscow đã mở ra những thay đổi địa chính trị mạnh mẽ sang một trật tự thế giới mới.

“Hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Putin – Tập Cận Bình nhiều khả năng sẽ được ghi vào lịch sử như một trong những sự kiện địa chính trị, địa kinh tế, chiến lược – quân sự quan trọng nhất, vĩ đại nhất và to lớn nhất trong thế kỷ 21”, Tiến sĩ Kiyul Chung, tổng biên tập của 4th Media và là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Thanh Hoa, nói.

Chuyên gia Kiyul vạch ra 3 điểm chính của cuộc gặp: Đầu tiên, hai nhà lãnh đạo đã nói rõ rằng sự xuất hiện của “thế giới đa cực” hiện nay là “không thể đảo ngược”. Thứ hai, ông Tập và ông Putin đã khởi động quá trình chuyển đổi từ trật tự thế giới đơn cực do phương Tây lãnh đạo sang một thế giới đa cực dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại hòa bình và cùng thịnh vượng. Thứ ba, các nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại ngày càng tăng về các hành động cứng rắn của Mỹ và các đồng minh NATO, bao gồm sự hiện diện quân sự tăng cường của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Một số chuyên gia cho rằng, chuyến đi của ông Tập Cận Bình tới Nga đã thành công trong việc giúp Trung Quốc xây dựng hình ảnh như một nhà kiến tạo hòa bình và một chủ thể ngoại giao quan trọng trên trường quốc tế.

Hôm 22/3, truyền thông Trung Quốc nhấn mạnh cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo đã gửi một tín hiệu quan trọng để thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình tại Ukraine. Bắc Kinh chỉ ra rằng Moscow đã tái khẳng định cam kết nối lại các cuộc đàm phán hòa bình càng sớm càng tốt và hoan nghênh việc Trung Quốc “sẵn sàng đóng một vai trò tích cực trong việc giải quyết chính trị và ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine”.

Vào tháng 2, Trung Quốc đưa ra đề xuất gồm 12 điểm, kêu gọi nối lại đàm phán hòa bình giữa Kiev và Moscow, giữ an toàn cho nhà máy điện hạt nhân và giảm rủi ro chiến lược, chấm dứt các biện pháp trừng phạt đơn phương và từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh, đồng thời thúc đẩy tái thiết hậu xung đột ở Ukraine.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ trích Trung Quốc, đồng thời tuyên bố đề xuất hòa bình của Bắc Kinh nhằm đánh lạc hướng khỏi “mối đe dọa sắp xảy ra” khi Trung Quốc bị nghi ngờ cung cấp vũ khí sát thương cho Nga, một giả định mà cả Moscow và Bắc Kinh bác bỏ. Trong khi đó, vào tháng 3, Trung Quốc đã làm trung gian cho một cuộc hòa giải lịch sử giữa Iran và Ả Rập Xê Út. Hai đối thủ đã ký một thỏa thuận khôi phục quan hệ ngoại giao đầy đủ, nâng cao vị thế của Trung Quốc như một bên trung gian hòa giải có ảnh hưởng.

“Tôi nghĩ rằng họ (các nước Trung Đông) từng cho rằng Mỹ là bên kiến tạo hòa bình ở Trung Đông, nhưng thay vào đó nước này lại gây ra nhiều cuộc chiến bất tận và tạo ra nhiều bất ổn trong khu vực. Tôi nghĩ, nhiều người bắt đầu nhận ra thực tế rằng Mỹ không hẳn là bên kiến tạo hòa bình ổn định”, Thomas W. Pauken II, nhà tư vấn về các vấn đề châu Á – Bình Dương và là nhà bình luận địa chính trị, nhận định.

Trong khi đó, rõ ràng là “Trung Quốc rất nghiêm túc trong việc trở thành một chủ thể ngoại giao lớn (sau thỏa thuận giữa Iran và Ả Rập Xê Út)”, theo Jonathan Sullivan, giáo sư khoa học chính trị và giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Viện nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Nottingham ở Anh.

“Tất nhiên, Mỹ cũng không vui mừng trước viễn cảnh về một chiến thắng ngoại giao tiềm năng khác cho Trung Quốc (sau thỏa thuận giữa Iran và Ả Rập Xê Út)”, chuyên gia Sullivan nói thêm.

Theo chuyên gia Thomas W. Pauken II, phương Tây dường như đã mất cảnh giác trước những thay đổi địa chính trị do Moscow và Bắc Kinh thúc đẩy.

Sau cuộc hội đàm với Tổng thống Putin tại Điện Kremlin, Chủ tịch Tập Cận Bình thông báo hai nhà lãnh đạo đã “ký một tuyên bố về việc làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược và quan hệ song phương vốn đang bước vào một kỷ nguyên mới”. Ông Tập mô tả các cuộc hội đàm của ông với nhà lãnh đạo Nga là “thẳng thắn, thân thiện và đạt được nhiều kết quả”.

Tuy nhiên, Alexander Gabuev, chuyên gia cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho rằng các thỏa thuận mà Nga và Trung Quốc đã đạt được trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình “khá hạn chế”.

Ông Gabuev cho biết, các thỏa thuận lần này chủ yếu cập nhật thêm so với các thỏa thuận mà hai nước đã đồng ý trước đó, bao gồm một phụ lục của thỏa thuận năm 1997 tạo ra một khuôn khổ cho các cuộc gặp thường xuyên giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga và thỏa thuận về một nhà máy điện hạt nhân đang được Nga xây dựng ở Trung Quốc. Hai nước cũng nhất trí hợp tác “trong lĩnh vực sản xuất chung các chương trình truyền hình”.

Theo ông Gabuev, điều còn thiếu là một thỏa thuận về đường dẫn khí đốt tự nhiên được gọi là Power of Siberia 2 mà Tổng thống Putin rất muốn xây dựng để thúc đẩy doanh thu xuất khẩu năng lượng. Ngoài ra, thỏa thuận giữa hai bên cũng thiếu một bước đột phá nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn một năm qua ở Ukraine. Ông Gabuev nói rằng, Chủ tịch Tập Cận Bình đã định hình chuyến thăm Moscow như một sứ mệnh hòa bình, nhưng kết quả đạt được là một tín hiệu rõ ràng cho thế giới rằng Trung Quốc không chỉ đang gia tăng ảnh hưởng ở Nga mà còn chơi theo luật của riêng nước này. David Speedie, thành viên của Ủy ban Mỹ về Hiệp định Mỹ – Nga, nhận định, về mặt tích cực, “sự can dự của Chủ tịch Tập Cận Bình (trong vấn đề Ukraine) cần được hoan nghênh”, tuy nhiên hiện vẫn chưa rõ “liệu sự can thiệp của Trung Quốc có thể mang lại bất kỳ bước đột phá nào hay không”.

Bất chấp sự nồng ấm của quan hệ Nga – Trung, một số nhà phân tích cảnh báo sẽ có những giới hạn đối với mối quan hệ này. Theo tổ chức tư vấn kinh tế Macro-Advisory, “Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ không thể liên kết Trung Quốc với Nga với cái giá phải trả là mối quan hệ của nước này với phương Tây”.

“Chuyến thăm của ông Tập rõ ràng đặt quan hệ Trung Quốc và Nga lên trên bất kỳ mối quan hệ song phương nào khác mà Trung Quốc có thể có. Tuy nhiên, tuyên bố chung (của hai nước) sẽ không giúp Trung Quốc giành được nhiều bạn bè ở châu Âu”, Jean-Pierre Cabestan, giáo sư khoa học chính trị ở Hong Kong, cho biết.

Theo một số chuyên gia, thông qua chuyến đi tới Nga, ông Tập Cận Bình muốn tập trung vào hợp tác kinh tế và quan hệ chiến lược, hơn là can dự trực tiếp vào cuộc xung đột tại Ukraine. Bắc Kinh hiểu rõ rằng, cả Ukraine và phương Tây đều tỏ ra hoài nghi với đề xuất hòa bình do Trung Quốc đưa ra.

“Mục tiêu của ông Tập trong chuyến đi này là giữ nguyên hiện trạng với Nga, chứ không phải xích lại gần hơn hay mở đường cho sự hợp tác mới”, Yu Jie, nhà nghiên cứu cấp cao về Trung Quốc tại Chatham House, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại London (Anh) nhận định.

Theo chuyên gia Yu Jie, phái đoàn tháp tùng ông Tập Cận Bình tới Nga không có thành viên cấp cao nào thuộc quân đội Trung Quốc. “Điều này có thể gửi một thông điệp rõ ràng rằng Bắc Kinh khó có khả năng hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Moscow, bất kể một số chuyên gia đã khẳng định như vậy”, bà Yu nói.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới