Saturday, October 12, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaGiới nhà giàu TQ lo nhất điều gì?

Giới nhà giàu TQ lo nhất điều gì?

Việc nhiều tài phiệt Nga bị phong tỏa tài sản vì xung đột Ukraine khiến giới giàu Trung Quốc ngại đầu tư ra nước ngoài, vì lo ngại chung số phận nếu căng thẳng chính trị tăng cao.

Một khu phố ở Trung Quốc.

2022 là thời điểm mà một số người giàu Trung Quốc như Billy Huang, chủ một tập đoàn đầu tư ở miền nam nước này, phải suy nghĩ lại chiến lược kinh doanh.

Xung đột Ukraine, lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga và quan hệ Mỹ – Trung ngày càng căng thẳng khiến Huang phải trì hoãn kế hoạch mở rộng ra nước ngoài trong năm nay. Ông cũng có cái nhìn thận trọng về thị trường nội địa thời gian tới, mặc dù Trung Quốc đã mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19.

“Tôi đã tham vấn hơn 100 chuyên gia, hỏi xem lĩnh vực gì đáng để đầu tư trong những năm tới và lĩnh vực nào nên tránh nếu triển vọng kinh tế yếu”, Huang nói.

Dựa trên nghiên cứu của mình, ông đã thu hẹp trọng tâm đầu tư vào chăm sóc y tế và năng lượng, đồng thời tránh xa các thị trường hàng tiêu dùng nhanh và dịch vụ chăm sóc bà mẹ, trẻ em.

“Nếu quan hệ Trung – Mỹ tiếp tục xấu đi và biến thành một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, lượng tiền mà người Trung Quốc chúng tôi đưa ra nước ngoài, bất kể ở đâu, rất có thể sẽ gặp rủi ro nghiêm trọng”, Huang than thở. “Hãy xem điều gì đã xảy ra với các nhà tài phiệt Nga. Roman Abramovich là một ví dụ điển hình”.

Chủ sở hữu cũ của câu lạc bộ bóng đá Anh Chelsea nằm trong số hơn 1.000 doanh nhân Nga bị trừng phạt sau khi Moskva phát động chiến dịch ở Ukraine với cáo buộc hưởng lợi từ mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Vladimir Putin. Abramovich bị đóng băng tài sản trị giá hàng tỷ USD nhưng ông phủ nhận có quan hệ tài chính với Điện Kremlin.

Căng thẳng địa chính trị gia tăng, cạnh tranh giữa Bắc Kinh và Washington, triển vọng ảm đạm về xuất khẩu và cơn hỗn loạn trên thị trường tài chính toàn cầu sau cú sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley, Mỹ, tất cả đều góp phần khuếch đại cảm giác bất an trong giới nhà giàu Trung Quốc.

“Các doanh nhân Trung Quốc từng là nhóm có cái nhìn lạc quan nhất về nền kinh tế đất nước. Nhưng không nhiều người giữ được tinh thần lạc quan đó về 3-5 năm tới với tình hình hiện tại”, Huang nói thêm. “Họ lo ngại sẽ có những căng thẳng kinh tế như trong Chiến tranh Lạnh. Tôi không có bất kỳ kế hoạch di cư nào, vì tôi cần giữ quốc tịch Trung Quốc để điều hành công việc kinh doanh chính ở trong nước. Nhưng ngay cả khi tôi có thẻ xanh, tài sản của tôi ở nước ngoài vẫn đối mặt nguy cơ bị đóng băng hoặc trừng phạt”.

Một cuộc khảo sát về giới giàu ở Trung Quốc, được công ty tư vấn đầu tư và quản lý tài sản Hurun công bố vào tháng trước, cho thấy khoảng 70% người giàu nước này có kế hoạch tăng đầu tư nội địa trong ba năm tới.

Theo Annie Chung, nhân viên bán bảo hiểm cao cấp tại Hong Kong có khách hàng là những người Trung Quốc giàu có, dòng tiền đổ vào đặc khu này đang tăng mạnh do lo ngại rủi ro sau biến cố ngân hàng Silicon Valley và cuộc khủng hoảng tại đại gia ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse.

“Một số khách hàng Trung Quốc gần đây cân nhắc không đầu tư ra nước ngoài mà thay vào đó tập trung vào Hong Kong. Một số hợp đồng bảo hiểm theo kiểu tiết kiệm đang ngày càng hấp dẫn”, Chung nói. “Ít khủng hoảng địa chính trị và tài chính, ổn định và an toàn, đó là những điều họ quan tâm nhất”.

Rachel Huang, có gia đình điều hành một công ty Internet ở Thâm Quyến, là một trong số những người thuộc tầng lớp giàu có của Trung Quốc đang do dự với quyết định phân bổ nhiều tiền hơn trong bối cảnh kinh tế rủi ro.

“Trong ít nhất hai năm, chúng tôi sẽ không đầu tư mới vào kinh doanh, cũng như không rót tiền vào bất động sản, vì lợi thế xuất khẩu và nhân khẩu học của Trung Quốc đã là dĩ vãng”, bà nói, đồng thời lưu ý khối lượng xuất khẩu liên tục giảm có thể kéo theo cả nền kinh tế quốc gia cũng như tài sản của giới giàu đi xuống.

“Một số người bạn của tôi đã bị giảm tài sản do tác động từ thị trường hay chính sách”, bà nói. “Chồng tôi và tôi hiện tại quan tâm nhất đến việc tăng tỷ lệ tài sản có tính thanh khoản cao như tiền gửi, bảo hiểm và vàng”.

Theo báo cáo từ Hurun, lần đầu tiên trong thập kỷ qua, tiền gửi ngân hàng đã trở thành khoản đầu tư hàng đầu mà người giàu Trung Quốc dự định tăng nắm giữ, sau cổ phiếu và vàng. Trái lại, bất động sản đang mất dần sức hút.

Báo cáo cũng lưu ý rằng chi tiêu của người tiêu dùng cao cấp vẫn rất quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc, mặc dù tổng quy mô của thị trường xa xỉ đã giảm 5% vào năm ngoái so với năm 2021, xuống còn 240 tỷ USD.

Dù vậy, Belle Liang, nhân viên bán du thuyền ở tỉnh Hải Nam, vẫn kỳ vọng hoạt động kinh doanh sẽ phục hồi trong năm nay vì những người giàu có hào hứng chi tiêu hơn sau khi các hạn chế Covid-19 được gỡ bỏ.

“Tôi bán được 6 – 7 chiếc du thuyền nhỏ có giá khoảng 150.000 USD mỗi năm trong thời kỳ đại dịch, nhưng năm nay tôi dự kiến bán được hơn 5 chiếc nhỏ và khoảng 5 du thuyền cỡ lớn với đơn giá trên 1,5 triệu USD”, cô nói.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới