Thursday, April 25, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiBáo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 4/2023...

Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 4/2023 của World Bank

GDP của Việt Nam tăng trưởng 3,3% (so với cùng kỳ) trong quý I/2023, chậm lại so với mức 5,9% (so với cùng kỳ) trong quý IV/2022. Đây là tốc độ tăng trưởng quý I (so với cùng kỳ) thấp thứ hai trong thập kỷ qua.

Tăng trưởng tín dụng giảm tốc trong quý I/2023 xuống còn 9,5%.

Theo báo cáo của Wolrd Bank, tốc độ tăng trưởng thấp phần lớn là do sự thu hẹp của ngành công nghiệp (-0,4% so với cùng kỳ) trong quý I/2023, so với mức trung bình 5,3% (so với cùng kỳ) trong giai đoạn 2020-22 và ảnh hưởng đến tăng trưởng (-0,1 điểm % đóng góp vào GDP). Sự suy giảm trong ngành công nghiệp phản ánh mức giảm 11,8% trong xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy yếu.

Trong quý I/2023, các ngành dịch vụ tăng trưởng 6,8% ( so với cùng kỳ ) và đóng góp 2,9 điểm % vào GDP. Nông nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng khá ổn định ở mức 2,5% – và đóng góp 0,3 điểm % vào tăng trưởng GDP trong Q1-2023.

Bất chấp sự sụt giảm chung trong quý I/2023, sản xuất công nghiệp đã có những dấu hiệu cải thiện tạm thời trong tháng 3/2023. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI) quý I/2023 thấp hơn 1,6% so với Q1-2022. Tuy nhiên, IPI đã được cải thiện vào tháng 3/2023, tăng 9,4% (so với tháng trước), đối lập với mức giảm mạnh vào tháng 1 (-22,7% so với tháng trước, một phần do nghỉ Tết) và mức tăng trưởng yếu (3,5% so với tháng trước) vào tháng 2.

Hầu hết các ngành và phân ngành công nghiệp đều ghi nhận mức tăng trưởng (so cùng kỳ tháng) trong tháng 3/2023 đặc biệt là ngành khai khoáng, dệt may, sản xuất kim loại và sản xuất phương tiện vận tải. Sản xuất các sản phẩm điện tử và nội thất là hai trường hợp ngoại lệ, giảm lần lượt 13% và 21,7% (so với cùng kỳ) vào tháng 3/2023.

Sự sụt giảm này phản ánh sự sụt giảm trong xuất khẩu điện thoại thông minh (-42% so với cùng kỳ), máy tính và các sản phẩm thiết bị điện tử khác (-11% so với cùng kỳ) và đồ nội thất (-22,8% so với cùng kỳ). Triển vọng phục hồi của lĩnh vực sản xuất vẫn không chắc chắn khi Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) quay trở lại vùng thu hẹp (47,7) vào tháng 3 sau đợt phục hồi ngắn vào tháng 2 trên mốc 50 (51,2).

Cũng theo báo cáo, doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 1,9% (tháng/tháng) và 13,4% (so cùng kỳ) vào tháng 3/2023. Đây là tháng thứ 13 liên tiếp doanh số bán lẻ ghi nhận mức tăng hai con số so với cùng kỳ, phần lớn là do yếu tố nền (điểm so sánh) thấp liên quan đến các đợt phong tỏa do COVID-19 trong quý III/2021.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng vững chắc, tăng 11,3% so với cùng kỳ trong tháng 3. Mặc dù chỉ đóng góp khoảng 20% tổng doanh số bán lẻ, doanh số bán hàng của các ngành dịch vụ đã ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ vào tháng 3 năm 2023, với doanh thu của cơ sở lưu trú và ăn uống tăng 25,5% (so với cùng kỳ) và doanh thu của dịch vụ lữ hành tăng 113,9% (so với cùng kỳ). Lượng khách quốc tế đạt 2,7 triệu lượt trong quý I/2023, so với 91 nghìn lượt quý I/2022.

Trong khi đó, xuất khẩu và nhập khẩu giảm lần lượt là 11,8% (so cùng kỳ) và 14,6% (so với cùng kỳ) trong quý I/2023. Điều này phản ánh sự sụt giảm trong xuất khẩu ở một số tiểu ngành chính: điện tử, máy móc, dệt may, giày dép và các sản phẩm đầu vào nhập khẩu liên quan.

Ngoài ra, sự sụt giảm vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký trong năm 2022 tiếp tục diễn ra trong quý I/2023 (-40% so với cùng kỳ) trong bối cảnh bất định toàn cầu ở mức cao, phản ánh tác động của những bất định đến triển vọng kinh tế toàn cầu và việc thắt chặt chính sách điều kiện tài chính ở các nền kinh tế phát triển. Giải ngân vốn FDI (hay tình hình thực hiện các cam kết FDI) bắt đầu chậm lại trong quý I/2023.

Báo cáo cũng cho biết tăng trưởng tín dụng giảm tốc xuống còn 9,5% (so cùng kỳ năm trước) trong quý I/2023 – mức thấp nhất kể từ năm 2020. Điều này phản ánh sự chậm lại trong hoạt động kinh tế (đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp và bất động sản) cũng như môi trường lãi suất cao.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới