Thursday, April 18, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTQ tranh cãi vì tên ga tàu Bắc Kinh

TQ tranh cãi vì tên ga tàu Bắc Kinh

Chính quyền Bắc Kinh gây tranh cãi trên mạng xã hội Trung Quốc, khi thay đổi liên tục cách phiên âm ga tàu điện ngầm giữa tiếng Trung và tiếng Anh.

Biển báo tiếng Trung, phiên âm và tiếng Anh của ga tàu điện ngầm phía nam Bắc Kinh năm 2023.

Cuối tháng 4, chủ đề dịch tên các ga thuộc hệ thống đường sắt Bắc Kinh nóng lên trên mạng xã hội Trung Quốc Weibo, khi người dùng phát hiện các từ “zhan” (ga, trạm) theo phiên âm tiếng Trung trên biển báo đã được đổi thành “station” theo tiếng Anh.

Trước đó, cuối năm 2021, chính quyền Bắc Kinh đã cho thay một loạt biển báo trên hệ thống tàu điện ngầm, thay “station” thành “zhan”, dù hai từ này có nghĩa như nhau.

“Đây năm thứ 5 Bắc Kinh thay đổi bản đồ đường sắt”, Lyt Hu, nhà thiết kế tốt nghiệp học viện Mỹ thuật Trung Quốc tự nhận là người am hiểu lĩnh vực đường sắt, viết trên diễn đàn Zhihui, đề cập đến vấn đề “dịch loạn tên gọi các trạm tàu điện ngầm”.

Lyt Hu cho rằng các quy định và tiêu chuẩn thay đổi liên tục khiến việc đặt tên và làm lại biển báo địa danh ở Bắc Kinh gây lãng phí, đồng thời khiến khách đi tàu bối rối.

“Lại tốn một khoản ngân sách lớn để thay biển báo. Lần sau, chắc họ sẽ sửa lại thành ‘zhan'”, một tài khoản viết ngày 24/4.

Cuối năm 2021, khi từ “station” bị đổi thành “zhan”, nhiều người dùng mạng xã hội phản đối vì cho rằng “cách này thiếu chuyên nghiệp”. “Cách dịch này sẽ khiến chúng ta lâm vào tình cảnh: Người Trung Quốc thì không cần, người nước ngoài lại không hiểu”, là ý kiến nhận được nhiều ủng hộ trên mạng xã hội.

Vài ngày sau, tài khoản Đường sắt Bắc Kinh, cơ quan quản lý hệ thống đường sắt ở thủ đô Trung Quốc, cho rằng việc đổi biển báo này căn cứ vào “quy định quản lý địa danh và cách sử dụng bính âm Hán ngữ”.

Zhou Xin, biên tập viên SCMP, nhận định cuộc tranh luận về cách dịch tên tiếng Anh của các ga tàu điện ngầm thể hiện nỗ lực xác định vị thế của Trung Quốc trên thế giới. Dư luận Trung Quốc vẫn tranh cãi về việc có nên tuân thủ các thông lệ quốc tế, hay tự đặt ra tiêu chuẩn mới và buộc những người khác thích nghi, khi nước này đã trở thành một cường quốc.

Một số người cho rằng du khách nước ngoài khi tới Trung Quốc phải tự tìm hiểu cách đặt vé tàu, thanh toán không tiền mặt và đọc bản đồ tàu điện ngầm, giống như cách người Trung Quốc tự học hỏi khi ra nước ngoài.

Tuy nhiên, số khác lập luận rằng nếu người nước ngoài cảm thấy khó khăn khi di chuyển vì những biển báo toàn chữ Hoa và bính âm Hoa ngữ, Trung Quốc chắc chắn sẽ mất đi nguồn du khách lớn cũng như doanh thu mà họ đem tới.

Theo Zhou Xin, khi ảnh hưởng và sức mạnh kinh tế của Trung Quốc tăng lên, Bắc Kinh phải học cách tìm ra điểm cân bằng. Tuy nhiên, điều này không dễ dàng và có thể dẫn đến những chính sách mâu thuẫn ở các địa phương, trong đó có Bắc Kinh.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới