Thursday, March 28, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiLương phi công tại Việt Nam có "khủng" như đồn đoán?

Lương phi công tại Việt Nam có “khủng” như đồn đoán?

Mức tiền lương bình quân của phi công Việt Nam là 85 triệu đồng/tháng, chỉ bằng 59% so với mức trả cho phi công nước ngoài cùng một hãng bay.

Những bất cập trong việc trả lương cho phi công (Ảnh minh họa:


Lương phi công giảm nghiêm trọng

Tại dự thảo Nghị định của Chính phủ bổ sung Nghị định số 87/2021/NĐ-CP về kéo dài thời gian thực hiện và sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2020/NĐ-CP thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, sau 3 năm triển khai Nghị định số 20 đã phát sinh những hạn chế, nhất là đối với Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cần được giải quyết.

Từ cuối năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực, làm sụt giảm nghiêm trọng các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của VNA và VATM. Trong khi Nghị định số 20 được xây dựng trong điều kiện các doanh nghiệp đang trên đà tăng trưởng bình thường, nên không quy định mức sàn tối thiểu về tiền lương.

Điều này dẫn đến tiền lương, thu nhập của người lao động và người quản lý tính theo quy định tại Nghị định số 20 giảm nghiêm trọng, chỉ còn bằng khoảng 40% – 50% so với năm 2019 (thời điểm trước khi thực hiện thí điểm).

Trên cơ sở báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 87/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 20 theo hướng quy định sàn tiền lương thấp nhất đến 65% mức tiền lương năm 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19).

Đối với VNA, sau khi triển khai Nghị định số 87, nhất là thời gian gần đây, hoạt động sản xuất kinh doanh cơ bản trở lại bình thường khi dịch Covid-19 được kiểm soát, thì tiền lương của người lao động đã được nâng lên tiến gần với mức lương thời điểm trước dịch (năm 2019).

Phi công Việt “lép vế” so với nhân sự ngoại

Riêng đối với phi công Việt Nam, trước khi thực hiện thí điểm tiền lương theo Nghị định số 20, thì tiền lương của phi công Việt Nam đã rất bất cập, thấp hơn nhiều so với phi công nước ngoài cùng làm việc cho VNA.

Theo đó, tiền lương bình quân của phi công Việt Nam năm 2018 là 124 triệu đồng/người/tháng, bằng 50% tiền lương của phi công nước ngoài là 249,69 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2019, tiền lương của nhóm này là 135,4 triệu đồng/người/tháng, bằng 48% tiền lương của phi công nước ngoài (281,68 triệu đồng/người/tháng) cùng làm việc cho VNA.

Giai đoạn 2023-2025, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự kiến lao động phi công Việt Nam là 865, 959 và 1.044 người, tương ứng tiền lương bình quân hằng năm của phi công Việt Nam (chưa bao gồm quỹ tiền lương bổ sung) lần lượt là 115,6, 128,0 và 134,8 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh đó, tiền lương bình quân của phi công nước ngoài làm việc cho VNA lần lượt là 268,4, 273,7, 279,2 triệu đồng (tăng theo cung cầu của thị trường).

Theo đó, khi chưa tính quỹ tiền lương bổ sung cho phi công Việt Nam, dự kiến tiền lương bình quân của phi công Việt Nam giai đoạn 2023-2025 chỉ bằng 43-48% tiền lương bình quân của phi công nước ngoài bay cho VNA.

Khi thực hiện thí điểm tiền lương theo quy định tại Nghị định số 20, Chính phủ cho phép bổ sung phần chênh lệch giữa tiền lương của phi công Việt Nam và phi công nước ngoài để tính đơn giá tiền lương, với điều kiện lợi nhuận kế hoạch năm 2020 không thấp hơn lợi nhuận thực hiện bình quân giai đoạn 2018-2019.

Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, VNA chưa được tính bù chênh lệch tiền lương của phi công Việt Nam so với phi công nước ngoài vào đơn giá khoán, vì VNA không đảm bảo về điều kiện lợi nhuận.

Đến nay, do tác động của Covid-19, tình trạng tiền lương của phi công Việt Nam càng trở nên bất cập hơn so với tiền lương của phi công nước ngoài.

“Chảy máu” nguồn lao động

Theo báo cáo của VNA và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, quỹ tiền lương hiện nay của VNA không đủ bù đắp tiền lương phi công Việt Nam, đang phải đối mặt với tình trạng “chảy máu nguồn lao động phi công Việt Nam”.

Cụ thể, tổng số lao động làm việc cho VNA năm 2022 là 6.028 người, trong đó có 4.417 người do VNA trả lương từ quỹ tiền lương theo đơn giá khoán và 152 phi công nước ngoài do VNA ký hợp đồng với đối tác cung ứng nhân lực.

Tổng quỹ tiền lương theo đơn giá năm 2022 của VNA là 1.689 tỷ đồng, mức tiền lương bình quân của phi công Việt Nam là 85 triệu đồng/tháng, tiếp viên và lao động chuyên môn còn lại là 19,5 triệu đồng/tháng.

Mặc dù số lượng phi công Việt Nam (829 người) chỉ chiếm 18,8% số lao động do VNA trả lương, nhưng chiếm 50% tổng quỹ tiền lương theo đơn giá.

Mức tiền lương bình quân của phi công Việt Nam (85 triệu đồng/tháng) thì chỉ bằng 59% so với phi công nước ngoài (khoảng 145 triệu/tháng) cùng làm việc tại VNA.

Từ thực tế trên và ý kiến của các cơ quan, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, cần thiết xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 20/2020/NĐ-CP và Nghị định số 87/2021/NĐ-CP về kéo dài thời gian thực hiện và sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2020/NĐ-CP nhằm cho phép VNA được tính thêm tiền lương trả cho phi công Việt Nam để giữ chân, tiến tới thu hút đội ngũ lao động này góp phần ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của VNA.

Dự thảo Nghị định đề xuất bổ sung quy định cho phép VNA được tính thêm nguồn tiền lương trả cho phi công Việt Nam.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới