Sunday, September 8, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐức điều tra về “đồn cảnh sát mật” của TQ

Đức điều tra về “đồn cảnh sát mật” của TQ

Hôm 15/5, các quan chức Đức cho biết họ tin rằng hai đồn cảnh sát trái phép của chính quyền Trung Quốc vẫn hoạt động ở nước này, mặc dù Bắc Kinh đã hứa sẽ đóng cửa các cơ sở này vào tháng 2/2023.

Một người đàn ông đạp xe ngang qua Đại sứ quán Trung Quốc ở Berlin, Đức, hôm 11/12/2017.

Trong một cuộc họp giao ban thường nhật hôm thứ Hai (15/5), một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Liên bang Đức tuyên bố rằng các tiền đồn cảnh sát này “không phải là văn phòng cố định, mà là những cơ sở di động”. Vị phát ngôn viên cho biết có một số cá nhân mang quốc tịch Trung Quốc đã thực hiện “các nhiệm vụ chính thức” theo mệnh lệnh của nhà nước Trung Quốc.

“Đồn cảnh sát hải ngoại” được cho là một phần của hơn 100 cơ sở tương tự do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) điều hành trên phạm vi toàn cầu, theo Safeguard Defenders, một nhóm nhân quyền có trụ sở tại Tây Ban Nha. Trích dẫn các thông báo chính thức, các nhà nghiên cứu đã xác định các đồn cảnh sát không chính thức ở ít nhất 53 quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ, Anh, Canada, Ý và Đức.

Theo báo cáo tiếp theo của nhóm, được công bố vào tháng 12/2022, nhà nước Trung Quốc đã lợi dụng các cơ sở này để “sách nhiễu, đe dọa, uy hiếp và ép buộc các mục tiêu quay trở lại Trung Quốc để chịu bức hại”.

Do sự hiện diện dày đặc của những đồn cảnh sát mật này, chính phủ Đức và các chính phủ châu Âu khác đã tiến hành điều tra các cơ sở đó trên đất nước của họ.

Vào tháng 10/2022, một đại diện của Bộ Nội vụ nói với nhật báo địa phương Handelsblatt rằng: “Chính phủ liên bang Đức không chấp nhận việc thực thi quyền lực của chính quyền nước ngoài và do đó, chính quyền Trung Quốc không có quyền hành pháp trên lãnh thổ Cộng hòa Liên bang Đức”.

Berlin sau đó tuyên bố rằng ĐCSTQ đã thành lập ít nhất 2 đồn cảnh sát trên khắp nước này, nhiều hơn một đồn so với tiết lộ của Safeguard Defender. Báo cáo của Safeguard Defender chỉ đề cập đến một đồn cảnh sát của ĐCSTQ hiện diện ở thành phố Frankfurt.

Các tiền đồn của cảnh sát Trung Quốc này không có văn phòng thường trực ở Đức và do các nhà lãnh đạo của cộng đồng người Hoa ở hải ngoại điều hành, theo phản hồi của chính phủ Đức hồi tháng 3 trước câu hỏi bằng văn bản của một nhà lập pháp.

Vào tháng 11/2022, chính phủ Đức đã thúc giục giới lãnh đạo Trung Quốc đóng cửa đồn cảnh sát này.

Bà Andrea Sasse, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Đức, nói với các phóng viên hôm 15/5 rằng: “Phía Trung Quốc đã liên lạc với chúng tôi vào đầu tháng Hai và nói rằng những cơ sở gọi là trạm dịch vụ này, như phía Trung Quốc gọi, đã bị đóng cửa”.

Tuy nhiên, phát ngôn viên của Bộ Nội vụ nói rằng “các cơ quan an ninh nước này vẫn cho rằng có hai đồn cảnh sát của ĐCSTQ ở hải ngoại trên lãnh thổ nước Đức”.

Các quan chức ở Ireland và Hà Lan cũng đã ra lệnh đóng cửa các đồn cảnh sát tương tự đang hoạt động ở nước họ.

Hoa Kỳ đã đệ trình các cáo buộc hình sự đầu tiên đối với những người liên quan đến các đồn cảnh sát bí mật này. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã bắt giữ hai cá nhân vào tháng 4 vì tình nghi họ điều hành một đồn cảnh sát ở thành phố New York thay mặt cho ĐCSTQ.

Các công tố viên cáo buộc hai người này âm mưu hoạt động như những đặc vụ của ĐCSTQ và cản trở công lý. Theo đơn khiếu nại liên bang, các bị cáo đã nhận được chỉ thị từ các quan chức Trung Quốc để truy lùng và đe dọa những người bất đồng chính kiến ​​Trung Quốc tại Hoa Kỳ.

Biện lý Hoa Kỳ Breon Peace cho biết các vụ bắt giữ cho thấy sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của ĐCSTQ đối với Hoa Kỳ, cũng như sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế.

Trong một cuộc họp báo hôm 17/4 ở Brooklyn, ông Peace cho biết: “Việc truy tố này cho thấy chính phủ Trung Quốc đã vi phạm trắng trợn chủ quyền quốc gia của Hoa Kỳ bằng cách thiết lập một đồn cảnh sát bí mật ở ngay trung tâm Thành phố New York”.

“Quý vị hãy tưởng tượng về việc Sở cảnh sát New York cũng mở một đồn cảnh sát bí mật và không khai báo ở Bắc Kinh”.

Ông Peace nói thêm rằng hai bị cáo trên đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Công an Trung Quốc để thực hiện các kế hoạch trấn áp xuyên quốc gia tại Hoa Kỳ.

Ông Michael Driscoll, Trợ lý Giám đốc đặc trách Văn phòng FBI tại New York cho biết: “Chúng tôi tin rằng mục đích cuối cùng của đồn cảnh sát bất hợp pháp này không phải là để bảo vệ và phục vụ, mà là để bịt miệng, sách nhiễu và đe dọa các cá nhân tại Hoa Kỳ, đặc biệt là những người bày tỏ quan điểm đối lập với chính phủ Trung Quốc”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới