Thursday, April 25, 2024

Khó cho SOM-DOC

Hội nghị Quan chức Cao cấp ASEAN-Trung Quốc lần thứ 20 về thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (SOM-DOC) đã nhất trí đề xuất đăng cai Hội nghị SOM-DOC lần thứ 21 của Trung Quốc, dự kiến trong quý IV/2023.

SOM ASEAN và Trung Quốc tại hội nghị lần thứ 21.

Thông tin trên được công bố khi bế mạc SOM-DOC lần thứ 20, do Việt Nam đang cai tổ chức, diễn ra ngày 17/5, tại thành phố du lịch Hạ Long.

Trung Quốc hẳn đang lấy làm hể hả trước việc được đại diện các quốc gia ASEAN gật đầu đề xuất đăng cai của mình. Hể hả bởi qua đó, Bắc Kinh có cơ hội chứng tỏ cho thế giới thấy họ thực sự trách nhiệm và sốt sắng trước một trong những vấn đề nóng, phức tạp trong khu vực, liên quan trực tiếp đến ASEAN và Trung Quốc. Điều ý nghĩa hơn với Trung Quốc còn ở chỗ: nhờ đó, họ hy vọng loại bỏ hoàn toàn sự hoài nghi của nhiều nước ASEAN và cộng đồng quốc tế lâu nay, rằng: Trung Quốc nói và làm không đồng nhất; Trung Quốc cố tình tìm mọi cách trì hoãn tiến độ đàm phán xây dựng COC (Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông – tiếng Anh là Code of Conduct).

Tuy nhiên, cái mừng của Trung Quốc lại đang thành nỗi lo lắng của một số thành viên ASEAN; trong đó, nhóm đầu chắc chắn phải là Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia. Lo gì? Lo rằng: một khi thành chủ nhà, Bắc Kinh sẽ công thần, hành xử kiểu “cua cậy càng, cá cậy vây”. Cách hành xử đó khiến vấn đề Biển Đông càng bàn càng… rối, và đẩy tiến độ đàm phán COC lao nhanh đến…ngõ cụt.

Lo lắng tới mức đó, liệu có oan uổng cho Trung Quốc?

Oan hay không, câu trả lời chuẩn xác và cuối cùng phải chờ tới những tháng cuối năm. Khi đó, trong tư cách chủ nhà, qua ứng xử của mình cũng như qua kết quả thực tế đàm phán COC, Trung Quốc mới cho cộng đồng quốc tế thấy họ chân thành thực lòng hay đãi bôi đầu lưỡi. Chỉ có điều, bằng với những gì diễn ra trong SOM-DOC lần thứ 20 vừa qua, số người lo như đang ngày một nhiều hơn.

SOM-DOC lần thứ 20 có gì nghiêm trọng chăng? Nếu thế, sao truyền thông thế giới có những tin, bài lạc quan, như: đánh giá cao kết quả tích cực trong thực hiện DOC thời gian qua; khẳng định ý nghĩa của những hoạt động hợp tác cụ thể đã được triển khai hiệu quả, đúng kế hoạch, trong đó có hợp tác bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, đối xử nhân đạo và công bằng đối với ngư dân, tìm kiếm và cứu nạn trên biển…?

Có thế thật. Nhưng đó mới chỉ một mặt của vấn đề. Cũng cánh báo chí chứ ai, đã tán phát rộng rãi lo lắng của các quốc gia (tham dự) về về một số diễn biến phức tạp trên Biển Đông thời gian qua; nhấn mạnh rằng: những diễn biến phức tạp đó gây xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia ven Biển Đông.

Chẳng phải chuyên gia phân tích quốc tế cũng thấy: vào thời điểm ý nghĩa kỷ niệm 20 năm DOC, rõ một điều, cái lo lớn hơn cái mừng; cái mất lớn hơn cái được. Thì đấy, “xói mòn niềm tin” – điều đó là nhỏ hay là lớn? Nhắm mắt cũng có thể trả lời: là lớn, thậm chí lớn nhất.

Lớn nhất bởi quan hệ ngoại giao, một khi khi không còn niềm tin, một khi sự hoài nghi lúc nào cũng kè kè và ám ảnh, thì tránh sao khỏi thủ thế. Chỉ tiếc một điều, “nói gần nói xa chẳng quả nói thật” – câu tục ngữ Việt Nam ấy sao đúng thế những gì diễn ra tại SOM-DOC lần thứ 20. Nói cách khác, ai cũng biết, nhưng tại sự kiện trên, dường như rào cản ngoại giao khiến các quốc gia cố ý né tránh chỉ đích danh Trung Quốc là bên gây ra, phải chịu trách nhiệm về “diễn biến phức tạp đó gây xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng…” trên Biển Đông.

Ngay cả Đại sứ Vũ Hồ, quyền Trưởng SOM ASEAN Việt Nam dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị, sau khi đề cập thực trạng tình hình Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp, các hành động đơn phương vi phạm luật pháp quốc tế vẫn tiếp diễn, cũng chỉ tế nhị kêu gọi các nước phát huy “nói đi đôi với làm”, biến các cam kết chính trị thành các hành động cụ thể, phù hợp trên thực địa…, chứ nào có chỉ ra một cách đích đáng rằng ai, quốc gia nào là thủ phạm gây ra tình trạng đó…

Một hội nghị như SOM-DOC về thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông tổ chức tại Việt Nam – quốc gia hăng hái bậc nhất trong các quốc gia muốn giải quyết vấn đề Biển Đông một cách hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), mà cũng chỉ đạt được một kết quả có thể nói là mơ hồ, vậy thì với hội nghị tiếp theo tổ chức ở Trung Quốc – bên đối trọng với nhóm các quốc gia ASEAN, cũng là bên đơn phương đưa ra yêu sách “đường 9 đoạn”…, liệu có thể kỳ vọng tạo nên một bước chuyển biến tích cực cho việc xử lý vấn đề Biển Đông hay không? Khó đấy!


T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới