Wednesday, October 9, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTháo 'điểm nghẽn', gỡ khó cho nền kinh tế

Tháo ‘điểm nghẽn’, gỡ khó cho nền kinh tế

Trước những khó khăn, thách thức rất lớn, Chính phủ và Quốc hội cơ bản nhất trí cần phải đánh giá tình hình một cách toàn diện, nhìn thẳng vào sự thật để vực dậy nền kinh tế; giúp doanh nghiệp hồi sinh, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động…

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự phiên khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.


Ngày 22.5, Quốc hội khóa XV khai mạc kỳ họp thứ 5 với nhiều nội dung quan trọng. Trong phát biểu khai mạc kỳ họp, dành một phần lớn cho nội dung KT-XH, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết dù đạt được nhiều kết quả, song KT-XH cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế. Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quốc hội tập trung phân tích cụ thể, đánh giá một cách khách quan, sát thực, toàn diện, thẳng thắn về kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, nhất là việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu KT-XH, việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm; giải ngân vốn đầu tư công, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản (BĐS), các vấn đề về văn hóa, lao động, an sinh xã hội…

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân khách quan, chủ quan cả trong công tác tổ chức thực hiện và những vấn đề liên quan đến chính sách, thể chế, pháp luật; những khó khăn, hạn chế của nội tại nền kinh tế. Từ đó, đề xuất giải pháp thiết thực, kịp thời, nhất là có giải pháp hữu hiệu để chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, góp phần hoàn thành các mục tiêu năm 2023.

Nhiều địa phương tăng trưởng âm
Buổi sáng, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện phát triển KT-XH, ngân sách nhà nước năm 2022 và thực hiện những tháng đầu năm 2023. Báo cáo cho hay năm 2022 dù rất khó khăn, song Chính phủ vẫn thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, nhiều chỉ tiêu tốt hơn so với con số đã báo cáo Quốc hội trước đó.

Tình hình này tiếp tục được duy trì trong 4 tháng đầu năm nay, khi GDP quý 1 vẫn duy trì đà tăng trưởng đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước; CPI có xu hướng giảm, bình quân 4 tháng tăng 3,84%. Một điểm sáng là nhiều công trình giao thông trọng điểm đã được và sắp khởi công như dự án cao tốc Bắc – Nam, Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 Hà Nội; thúc đẩy tiến độ Cảng hàng không quốc tế Long Thành… Một số dự án tồn đọng, kéo dài được tích cực xử lý, đạt kết quả bước đầu như khánh thành Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, Thái Bình 2 sau nhiều năm bị gián đoạn.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng thừa nhận tăng trưởng GDP quý 1 còn thấp hơn cùng kỳ (5,03%). Nhiều địa phương, sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp, thậm chí có địa phương tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm trước như Bắc Ninh, Quảng Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu…

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng mới đạt 15,65% kế hoạch năm, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (18,48%). Vốn FDI đăng ký mới giảm 17,9%, vốn thực hiện giảm 1,2%. Đáng chú ý, trong 4 tháng đầu năm, số doanh nghiệp (DN) thành lập mới và quay trở lại hoạt động là 78.900, giảm 2%; số DN tạm ngừng hoạt động và giải thể là 77.000, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước.

“Nguyên nhân do tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều diễn biến chưa có tiền lệ, vượt dự báo. Trong khi đó, nền kinh tế có độ mở lớn, sức chống chịu và tính cạnh tranh chưa cao nên chịu tác động”, báo cáo của Chính phủ nêu rõ. Đặc biệt, nhiều vấn đề nội tại, yếu kém lâu nay mới dần bộc lộ như thị trường BĐS, trái phiếu DN, ngân hàng yếu kém. Một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, kịp thời, nhạy bén, bên cạnh đó còn có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai…

Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp cho thời gian tới về tín dụng, triển khai hiệu quả gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỉ đồng, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt tối thiểu 95%, tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường BĐS, nhà ở xã hội… Đặc biệt, tiếp tục thực hiện lộ trình cải cách tiền lương; sớm trình cấp có thẩm quyền về lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27 của Hội nghị T.Ư 7 khóa XII.

Doanh nghiệp không hấp thụ được vốn
Thay mặt Ủy ban Kinh tế (UBKT) Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh bên cạnh những kết quả đạt được, KT-XH 4 tháng đầu năm 2023 tiếp tục bộc lộ những khó khăn, thách thức kéo dài từ quý 4/2022, gây áp lực lên khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023.

UBKT lưu ý tăng trưởng GDP quý 1/2023 đạt 3,32%, mức rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa sau khi kiểm soát dịch Covid-19 và trên nền thấp của cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,5% rất khó khăn. Để đạt mục tiêu 6,5%, 3 quý cuối năm, bình quân mỗi quý GDP phải tăng khoảng 7,5%. Điều này càng khó khăn hơn khi một số địa phương là trung tâm sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chính của cả nước tăng trưởng âm so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, theo UBKT, nhiều DN đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng DN, bán cổ phần với mức giá rất thấp, trong nhiều trường hợp bán cho các đối tác nước ngoài. Cùng đó, một số điểm nghẽn của nền kinh tế chưa được tháo gỡ hiệu quả. Tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030 rất chậm so với yêu cầu. Việc triển khai đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025, xử lý các ngân hàng yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài… còn rất chậm.

“Giải ngân đầu tư công tuy cải thiện nhưng ước tỷ lệ giải ngân 4 tháng mới đạt 14,66% kế hoạch, tạo áp lực lớn lên giải ngân, khả năng hoàn thành mục tiêu trong những quý còn lại của năm 2023. Mặt bằng lãi suất cho vay bình quân vẫn ở mức cao (khoảng 9,3%/năm) và tín dụng đến cuối tháng 4 tăng trưởng 2,75% so với đầu năm là rất thấp, cho thấy những khó khăn trong khả năng hấp thụ vốn của DN và nền kinh tế. Nợ xấu có xu hướng tăng”, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Về thị trường, UBKT nhận định các DN BĐS tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, nhiều DN chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Quý 3/2023 dự kiến có khoảng 104.000 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn tiềm ẩn nguy cơ rất lớn đối với thị trường trong thời gian tới. “Một số vụ việc xảy ra thời gian qua đã gây ảnh hưởng lớn đến niềm tin của người dân đối với hệ thống tài chính, ngân hàng, thị trường bảo hiểm, đặc biệt là những bất cập trong việc nhân viên ngân hàng tư vấn đầu tư trái phiếu DN, bán chéo bảo hiểm”, ông Thanh nêu.

Hạ lãi suất điều hành hỗ trợ tăng trưởng
UBKT đánh giá nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế trong thời gian vừa qua là do tác động, ảnh hưởng nặng nề của các yếu tố bất lợi từ bên ngoài và những hạn chế, bất cập từ nội tại nền kinh tế tích tụ trong thời gian dài chưa được xử lý dứt điểm. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ, công chức ở T.Ư và địa phương còn né tránh, đùn đẩy công việc, thiếu trách nhiệm gây ách tắc, trì trệ trong giải quyết công việc, chậm phản ứng chính sách đối với các biến động của nền kinh tế.

Nêu dự báo từ nay đến cuối năm 2023 khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, để đạt mức cao nhất các chỉ tiêu KT-XH theo Nghị quyết của Quốc hội, UBKT cũng đề xuất Chính phủ nhiều giải pháp về ổn định vĩ mô, kết hợp chính sách tiền tệ và tài khóa.

Đặc biệt, Chính phủ cần chủ động xem xét tiếp tục hạ lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ tăng trưởng. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đồng thời tăng cường quản lý, giám sát các thị trường tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu DN, BĐS… Đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch chuyên ngành, nhất là quy hoạch năng lượng. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, khắc phục tình trạng né tránh trách nhiệm trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức.

UBKT cũng lưu ý Chính phủ tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc đối với các quy định về phòng cháy, chữa cháy; tiếp tục giải quyết dứt điểm vấn đề kiểm định xe cơ giới; xử lý những bất cập trong việc tư vấn đầu tư trái phiếu DN, bán chéo bảo hiểm… Đặc biệt, Chính phủ sớm có quyết sách phù hợp về việc công bố tình trạng dịch Covid-19 ở trong nước. Có giải pháp hiệu quả để ổn định việc làm cho người lao động (NLĐ), có giải pháp hỗ trợ kịp thời cho NLĐ thất nghiệp, mất việc làm…

Cử tri lo doanh nghiệp thua lỗ rời thị trường
Sáng 22.5, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) VN Đỗ Văn Chiến phản ánh do bất ổn của tình hình thế giới, các đơn hàng bị cắt giảm, lao động, việc làm, thu nhập của một bộ phận lao động rất khó khăn. Sản xuất, kinh doanh của nhiều DN không hiệu quả, thua lỗ. Thu nhập của NLĐ ở nhiều ngành, nghề giảm sút khá nghiêm trọng, đặc biệt trong bối cảnh đời sống của một bộ phận người dân chưa được ổn định sau đại dịch Covid-19. “Cử tri và nhân dân lo lắng nếu kéo dài tình trạng này thì một số DN sẽ tiếp tục rời khỏi thị trường, đời sống của NLĐ sẽ khó khăn hơn”, ông Chiến thông tin.

Bên cạnh đó, một bộ phận người dân còn băn khoăn, lo lắng, bức xúc vì đã chi tiền mua nhà ở, đất ở của các dự án nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay chưa nhận được nhà ở, đất ở mà chưa lấy lại được tiền đã đầu tư. Nhiều người đầu tư vào trái phiếu, bảo hiểm… có thể gặp rủi ro.

Ủy ban T.Ư MTTQ kiến nghị với Đảng, Nhà nước chỉ đạo nghiên cứu, có các chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và sớm phục hồi sản xuất cho DN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định việc làm và thu nhập của nhân dân, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, NLĐ mất việc, giãn việc ở các khu công nghiệp; có các giải pháp phù hợp, khả thi, vừa bảo đảm được sự ổn định để phát triển đất nước, vừa bảo đảm quyền lợi của người dân đã đầu tư vào BĐS, trái phiếu, bảo hiểm.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới