Thursday, April 25, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNhững công ty phải quay lại TQ

Những công ty phải quay lại TQ

Các thương hiệu thời trang Mỹ gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm những nhà máy bên ngoài nước Mỹ có thể sản xuất theo chất lượng và số lượng mà họ yêu cầu.

Khi Lanny Smith thành lập thương hiệu thời trang Active Black Inc. vào năm 2020, anh đã thuê các nhà máy ở Trung Quốc để sản xuất trang phục thể thao cho mình. Nhưng từ năm ngoái, do lo ngại về sự chậm trễ trong sản xuất do lệnh đóng cửa biên giới vì COVID-19 của Trung Quốc, Smith đã tìm cách đặt ở nơi khác. Anh gửi hàng mẫu cho một đại lý chuỗi cung ứng, khi họ đảm bảo với anh rằng có những lựa chọn thay thế ở khu vực Mỹ Latin.

Smith – 38 tuổi, cựu ngôi sao bóng rổ tại Đại học Houston (Mỹ) – cho biết: “Ngày hôm sau, họ trả lời tôi rằng: ‘Anh sẽ không tìm được ai có thể làm được điều này ở Tây bán cầu đâu.’ ”

Doanh nghiệp Mỹ muốn giảm phụ thuộc vào các nhà cung cấp Trung Quốc
Theo trang tin The Business Standard, đối với các công ty Mỹ như Active Black, việc đặt hàng từ Trung Quốc đã trở nên khó khăn hơn trong những năm gần đây do tăng thuế, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhà máy đóng cửa do chính sách zero-Covid của Bắc Kinh và căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Những lo ngại đó đã dẫn đến việc các chủ doanh nghiệp Mỹ muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp Trung Quốc. Nhưng việc rời khỏi Trung Quốc không hề dễ dàng, và hầu hết tiến bộ đều tập trung vào các ngành như chất bán dẫn mà các nhà lập pháp Mỹ coi là quan trọng đối với an ninh quốc gia.

Còn các nhà sản xuất các sản phẩm công nghệ thấp, tỷ suất lợi nhuận thấp hơn như quần áo, giày dép và đồ gia dụng… đang nhận thấy rằng rất ít nhà máy bên ngoài Trung Quốc có máy móc hoặc lực lượng lao động lành nghề tương đương.

Kể từ những năm 1990, Trung Quốc đã chi hàng trăm tỷ USD để biến mình thành cứ điểm sản xuất hàng đầu thế giới. Các nhà máy của nước này có máy móc và chuyên môn cần thiết để sản xuất các sản phẩm chất lượng với số lượng và tốc độ khó có nơi nào nào sánh kịp.

Dọc theo quãng đường dài 130 km từ Thâm Quyến đến Quảng Châu, các công ty có thể dệt, nhuộm, may, cắt, dán nhãn và đóng gói bất cứ thứ gì từ áo phông đến áo vest. Và đầu tư của Trung Quốc vào đường cao tốc, đường sắt, trung tâm hàng không và cảng biển đã tạo ra một dây chuyền thông suốt từ cổng nhà máy đến tay người tiêu dùng trên toàn thế giới.

Kurt Cavano – Giám đốc điều hành Nimbly Inc., một nền tảng phần mềm kết nối các thương hiệu quần áo với các nhà máy và nhà cung cấp – cho biết: “20 năm tập trung sản xuất đã tạo ra điều này, và việc tách rời và chuyển nó [hoạt động sản xuất] đến những nơi khác trên hành tinh là điều thực sự khó khăn.”

Bất chấp căng thẳng gia tăng, thương mại Mỹ – Trung tiếp tục phát triển mạnh. Theo Bộ Thương mại Mỹ, năm 2022, nước này nhập khẩu 537 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, thấp hơn một chút so với mức kỷ lục 539 tỷ USD vào năm 2018.

Đối với hàng may mặc, Trung Quốc vẫn là nhà xuất khẩu lớn nhất của Mỹ, xuất khẩu 10 tỷ chiếc chỉ riêng trong năm ngoái, gần gấp đôi so với nhà xuất khẩu đứng thứ 2 là Việt Nam. Phần lớn các nhà cung cấp cho Levi Strauss, Nike và North Face… đều ở Trung Quốc.

Và theo dữ liệu gần đây nhất của Chính phủ Mỹ, Trung Quốc cũng là nguồn cung cấp đồ nội thất, giường ngủ, đèn, đồ chơi và dụng cụ thể thao hàng đầu cho người tiêu dùng Mỹ.

Cố gắng rời đi rồi vẫn phải quay trở lại Trung Quốc
Theo The Business Standard, lợi thế của Trung Quốc lớn đến mức một số công ty Mỹ từng cố gắng rời đi đã phải quay trở lại và khôi phục ít nhất một phần hoạt động sản xuất của họ ở Trung Quốc.

Nhà sản xuất giày và phụ kiện Steven Madden Ltd. đã chuyển khoảng một nửa hoạt động sản xuất túi xách từ Trung Quốc sang Campuchia trong những năm gần đây để đa dạng hóa nguồn cung ứng và tận dụng các mức thuế thấp hơn. Nhưng những lợi thế về thuế quan đó đã hết hạn vào năm 2020 và không được gia hạn.

Ed Rosenfeld – Giám đốc điều hành Madden – cho biết: “Điều đó khiến chúng tôi chậm lại và trong một số trường hợp thậm chí còn phải đảo ngược việc chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.”

Steve Lamar – Giám đốc điều hành Hiệp hội May mặc & Giày dép Mỹ, một nhóm ngành công nghiệp gần 600 nhà bán lẻ và nhà cung cấp – nhận định, mặc dù các nhà lập pháp có thể sẽ khôi phục các khoản cắt giảm thuế quan đã hết hiệu lực, nhưng sự không chắc chắn khiến các doanh nghiệp khó cam kết rời khỏi Trung Quốc hơn.

Và theo The Business Standard, khi các công ty chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, họ thường phải làm việc với các nhà cung cấp thuộc sở hữu của Trung Quốc hoặc tìm nguồn cung ứng linh kiện và vật liệu từ quốc gia này.

Thomas Nichols – chủ tịch công ty chuyên sản xuất các thiết bị chăm sóc da Pretika Corp. – đã thử chuyển hoạt động sản xuất máy massage mặt từ Trung Quốc sang Malaysia. Nhưng pin, động cơ và các linh kiện khác của máy massage mặt vẫn có xuất xứ từ Trung Quốc.

Mặc dù chi phí cho mỗi sản phẩm có thể sẽ cao hơn do phải thực hiện thêm bước nhập khẩu các linh kiện từ Trung Quốc, nhưng ông Nichols vẫn đặt mục tiêu bắt đầu vận chuyển máy massage mặt do Malaysia sản xuất đến Mỹ vào mùa hè này.

Ông Nichols nói: “Trung Quốc vừa thực hiện một công việc rất hiệu quả là đảm bảo sản xuất ở đẳng cấp thế giới vừa có nguồn cung cấp linh kiện trong nước.”

Sự thống trị của Trung Quốc gây khó khi tìm giải pháp thay thế
Theo tổ chức nghiên cứu Altana Technologies, nhà sản xuất dệt may Texhong International Group (Trung Quốc) và hàng chục công ty con của họ chiếm gần 2/3 thương mại toàn cầu đối với một số loại nguyên liệu cotton-spandex. Điều đó còn phức tạp hơn bởi các quy định của Mỹ và Châu Âu hạn chế sử dụng cotton từ khu vực Tân Cương phía tây bắc của Trung Quốc.

Leo Bonnani – Giám đốc điều hành công ty tư vấn chuỗi cung ứng Sourcemap – cho biết, thường rất khó để tìm ra nguyên liệu đến từ đâu và không phải lúc nào cũng có sẵn các lựa chọn thay thế. “Nhiệm vụ thực tế là thiết kế lại chuỗi cung ứng để đáp ứng các tiêu chuẩn này có thể mất nhiều tháng sau khi phát hiện ra rủi ro ban đầu”, Bonnani nói thêm.

Theo trang tin The Business Standard, một phần của khó khăn là nhiều công ty Trung Quốc đã mở chi nhánh ở nước ngoài để đa dạng hóa sản xuất của chính họ và hưởng lợi từ chi phí lao động thấp hơn.

Công ty sản xuất hàng may mặc khổng lồ Shenzhou International Group Holdings đã đầu tư rất nhiều vào Việt Nam và Campuchia, và hiện nay chỉ còn khoảng một nửa số nhà máy của họ là ở Trung Quốc, giảm so với 90% vào năm 2013. Và các nhà sản xuất Trung Quốc thường dựa vào mạng lưới các nhà cung cấp dày đặc để giữ chân các công ty Mỹ.

Vicky Wu – chủ một nhà máy may mặc với hơn 60 công nhân ở trung tâm thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) – cho biết: “Hãy tưởng tượng bạn muốn đính sequin lên 100 chiếc áo phông. Bạn có thể làm việc này ở một cửa hàng trên cùng một con phố. Mặc dù ở những nơi khác có chi phí lao động thấp hơn, nhưng chúng tôi không thể rời khỏi hệ sinh thái này.”

Theo The Business Standard, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đang cố gắng thúc đẩy đầu tư vào Trung Mỹ nhằm chống lại sự thống trị của Trung Quốc và tạo cơ hội việc làm giúp ngăn chặn dòng người di cư từ khu vực này sang Mỹ.

Nhà Trắng cho biết, những nỗ lực của bà Harris đã mang lại hơn 4 tỷ USD cam kết đầu tư. Columbia Sportswear Co., đã cam kết mua tới 200 triệu USD sản phẩm từ các nhà máy ở Trung Mỹ trong vòng 5 năm tới.

Peter Bragdon – Giám đốc hành chính của Columbia – cho biết, đó có thể là quần áo thể thao đơn giản như áo sơ mi câu cá, vì khu vực này thiếu sự đa dạng về vải, chỉ và các vật liệu khác vốn có sẵn ở châu Á. Ông nói: “Tăng trưởng ở đó đã diễn ra trong suốt nhiều thập kỷ, và nó sẽ không xảy ra chỉ sau một đêm ở bất cứ nơi nào khác.”

Và các lựa chọn thay thế đi kèm với sự phức tạp về kinh tế và chính trị của riêng chúng. Haggar Clothing Co., – công ty bán quần tây nam hàng đầu nước Mỹ – đã chuyển khoảng 5% hoạt động sản xuất từ châu Á sang Kenya và Ethiopia vài năm trước.

Nhưng các nhà máy ở Kenya mất quá nhiều thời gian để tìm nguồn vải và Ethiopia không còn được hưởng quy chế miễn thuế với Mỹ từ năm 2022 do cuộc nội chiến ở nước này. Vì vậy, Haggar đã ngừng sản xuất ở cả hai nước.

Tuy nhiên, Tony Anzovino – Giám đốc tìm nguồn cung ứng của Haggar – cho biết, ông rất ấn tượng với các nhà máy ở Ethiopia: “Tôi sẽ quay lại đó ngay khi quy chế miễn thuế được khôi phục.”

Mặc dù Haggar chỉ sản xuất các sản phẩm của mình tại Trung Quốc với tỷ lệ nhỏ, nhưng khoảng 20% nguyên liệu thô của họ đến từ quốc gia này. Tỷ lệ này đã giảm từ 70% xuống còn 60% vào 5 năm trước, nhưng vải Trung Quốc vẫn rất cần thiết để may quần âu và áo vest của Haggar.

Anzovino nói: “Trung Quốc vẫn là đầu tàu về vải. Mọi người đều cảm thấy khó khăn khi chuyển nhiều thứ ra khỏi Trung Quốc vì Trung Quốc làm nhiều thứ quá tốt. Chuyên môn ở đó, thiết bị ở đó.”

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới