Wednesday, April 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLặng im là lời

Lặng im là lời

Trong khi Mỹ nỉ non thì Trung Quốc lại …im lặng. Trung Quốc cần thêm thời gian toan tính câu trả lời? Hay họ chọn im lặng như một cách trả đũa thói trịch thượng của Mỹ?

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc

Chắc chắn, ông Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Ely Ratner, đã phải cay đắng lắm khi buộc phải nói ra điều khó nói. Đó là việc những tháng qua, Bộ Quốc phòng Mỹ đã cố gắng tiếp cận Bộ Quốc phòng Trung Quốc, nhưng đã bị phớt lờ, hoặc từ chối. Cũng ông Ely Ratner cho biết: mới nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có lời đề nghị nói chuyện với người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc tại Diễn đàn Đối thoại Shangri-La lần thứ 20 sẽ tổ chức tại Singapore từ ngày 2-4/6 tới.

Nhưng cho dù đã vận dụng hết các kênh, Trung Quốc vẫn…lặng im!

Sự lặng im này, cùng với các lần lặng im trước đó về đề nghị đối thoại của các quan chức quốc phòng hàng đầu của Washington, trong đó có Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Mark Milley, cùng với người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Đô đốc John Aquilino…, có thể hiểu như thái độ ngạo mạn của Trung Quốc – đối thủ lớn nhất của Mỹ hiện nay bên kia bờ đại dương.

Mỹ lâu nay vẫn tự mãn là cương quốc số 1, trong thế trên. Trong mắt Washington, Trung Quốc, dù có là cường quốc đang trỗi dậy, cũng vẫn còn xa mới theo kịp Mỹ. Đặc biệt, về sức mạnh quân sự, khoảng cách Trung Quốc tới Mỹ có thể coi như “vạn dặm” vì chất lượng vũ khí lẫn năng lực tác chiến, Mỹ đều vượt trội, nắm bí quyết, bản quyền, trong khi Trung Quốc tới nay, cơ bản vẫn chỉ là anh “học mót”, tài sao chép.

Sự ngạo mạn của Trung Quốc khiến Mỹ cay đắng. Càng cay đắng hơn nếu xét về động cơ. Nào Washington có nỉ non, thỉnh cầu Bắc Kinh vì lợi ích của một bên đâu? Nếu lời đề nghị của Washington được đáp ứng, các cuộc đối thoại hanh thông, hai bên có thể thiết lập nền móng, thông qua đó gia tăng “niềm tin chính trị” về quân sự, Trung Quốc cũng có lợi ích kia mà.

Đâu phải mình Mỹ, cả Trung Quốc, với đội ngũ chuyên gia quân sự hùng hậu, quá hiểu, trong quân sự, mạnh/yếu quan trọng, nhưng bên cạnh đó, mọi chuyện đều có thể xảy ra. Tệ hại nhất trong các điều “có thể xảy ra” đó là nhỡ không may một bên hiểu nhầm, đoán nhầm, tính nhầm, bấm nút tên lửa đạn đạo nhầm…, thì thảm khốc lắm.

Chính vì thế, một cơ chế liên lạc cởi mở về quốc phòng là là giải pháp khả khi, góp phần hóa giải những tình huống khủng hoảng vượt tầm kiểm soát. Vậy mà Trung Quốc lại khinh thị thì có “đau” cho Washington không?

Đúng ra, Bắc Kinh từng hồi âm đầu tháng 5 này. Cụ thể, họ nói nói với Washington rằng “có rất ít cơ hội” để ông Lý Thượng Phúc ngồi lại với Lloyd Austin tại Diễn đàn Đối thoại Shangri-La ở Singapore nay mai. Cách trả lời khiến Washington thêm lộn máu vì không chỉ cộc lốc mà còn trịch thượng, khinh thị Mỹ.

Mỹ đã làm gì nên nỗi để bị Trung Quốc đối xử lạnh nhạt và coi thường? Tại một bên, hay “tại anh, tại ả, tại cả đôi bên”?

Vẻ như câu trả lời thứ hai phù hợp hơn nếu quay lại cái lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào ông Lý Thượng Phúc năm 2018. Năm đó là thời của ông tổng thống Trump, Mỹ đã ban lệnh trừng phạt ông Lý Thượng Phúc, theo đó, vị Trung tướng này bị cấm giao dịch với hệ thống tài chính Mỹ, phong tỏa tất cả tài sản ở Mỹ (nếu có) và cấm cấp thị thực.

Có lẽ, khi thực hiện lệnh ấy, Washington cũng không ngờ, ngay sau đó, ông Lý “lên như diều gặp gió”, nhoằng cái, chỉ sau 4 năm, từ hàm Trung tướng, giám đốc Cục Phát triển vũ khí của quân đội Trung Quốc, ông đã được thăng hàm thượng tướng (cao nhất trong quân đội Trung Quốc), và được Trung Nam Hải thần tốc thực hiện các quy trình cần thiết để trở thành bộ trưởng Quốc phòng thay “lão tướng” Ngụy Phượng Hoà ngày 12/3/2023.

Ngay thời điểm ấy, người ta đã nghĩ ngay tới cái khó của Washington gắn với tình huống: Giả như ông Lý được mời đến Mỹ gặp người đồng cấp Lloyd Austin, thì Mỹ xử lý ra sao khi điều này xung đột với luật pháp?

Có thể Bắc Kinh cũng chờ đợi ở Mỹ một câu trả lời, một cách làm thiện chí gỡ cái lệnh “vô lý” kia. Chết nỗi, Mỹ lại cũng ương khi một mặt muốn duy trì và tăng cường các kênh liên lạc quốc phòng, mặt khác, lại muốn chứng tỏ cho Trung Quốc và thế giới thấy, với Mỹ, luật pháp “bất vị thân”.

Chiều ngược lại, không loại trừ, Trung Quốc chỉ chờ Mỹ giữ lệnh như thế, căng như thế, để…làm căng với Mỹ bằng cách lặng im vậy!

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới