Friday, April 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐối thoại Shangri-La và điều không thể đối thoại

Đối thoại Shangri-La và điều không thể đối thoại

Trung tâm sự chú ý của Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á năm nay là sự căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Mặc dù đã dự đoán trước nhưng các vị tướng lĩnh đến từ 28 quốc gia vẫn không khỏi bất ngờ.

Hội nghị thường niên có cái tên quen thuộc là Đối thoại Shangri-La (SLD). Đây là một diễn đàn an ninh liên chính phủ, tổ chức bởi một tổ chức cố vấn độc lập – Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS).

Hội nghị năm nay diễn ra từ ngày 2 đến 4/6, có sự tham dự của các Bộ trưởng Quốc phòng và các Tướng lĩnh quân đội của 28 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương. Diễn đàn được đặt theo tên của Khách sạn Shangri-La (Singapore) – nơi hội nghị được tổ chức từ năm 2002.

Hôm 3/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã “hắt nước” vào đại diện Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Ông này nói, do Trung Quốc từ chối tổ chức các cuộc hội đàm về quân sự, khiến hai nước siêu cường đã bế tắc càng thêm bế tắc hơn khi bàn về “vấn đề Đài Loan” và giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Việc Bắc Kinh né tránh đối thoại đã làm suy yếu những nỗ lực duy trì hòa bình trong khu vực và chạy theo việc gia tăng sức mạnh quân sự.

Ông Austin chỉ trích: “Tôi lo ngại sâu sắc rằng, Trung Quốc không sẵn lòng giao tiếp nghiêm túc về việc thiết lập các cơ chế tốt hơn để quản lý khủng hoảng giữa quân đội hai nước. Càng đối thoại nhiều thì chúng ta càng tránh được những hiểu lầm và tính toán sai lầm có thể dẫn đến khủng hoảng hoặc xung đột”.

Lời chỉ trích của Austin đã bị phản ứng từ phía Bắc Kinh. Trung tướng Cảnh Kiến Phong – một quan chức quân sự cao cấp của Trung Quốc phản bác: “Chính Mỹ phải chịu trách nhiệm về sự đổ vỡ đối thoại. Chính Mỹ đã gia tăng chế tài nhắm vào các quan chức Trung Quốc và gây bất ổn ở Châu Á-Thái Bình Dương với sự hiện diện quân sự của họ. Nên nhớ rằng, các tương tác và liên lạc của chúng tôi chưa bao giờ bị trì hoãn”.

Trước khi Hội nghị diễn ra, các nhà phân tích đã có những hi vọng mong manh Đối thoại Shangri-La lần này sẽ là cơ hội để hàn gắn mối quan hệ Mỹ – Trung, vốn đang ở mức xấu nhất trong nhiều thập niên. Hai nước đã bất đồng về nhiều vấn đề, từ tương lai của Đài Loan được cai trị một cách dân chủ, các yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông, rồi các hạn chế của Tổng thống Joe Biden đối với chip bán dẫn xuất khẩu.

Thế nhưng hi vọng ấy đã tan như bong bóng xà phòng. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc đã khước từ lời mời hội kiến ông Austin tại Hội nghị. Mặc dù hai bộ trưởng đã bắt tay bên lề hội nghị nhưng đó là cái bắt tay lạnh nhạt, bởi không có hội đàm chi tiết nào diễn ra.

Xin nhắc lại, đối thoại Mỹ – Trung đã bị đình trệ kể từ khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hủy chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 2, sau khi một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bay vào vùng trời Mỹ.

Ngoài chuyện “khinh khí cầu” còn là các vấn đề nóng rẫy như: tương lai của Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh muốn thu phục. Những lo ngại Trung Quốc xâm lược Đài Loan và Mỹ sẽ bị lôi kéo vào bất cứ cuộc xung đột nào, không phải là không có cơ sở. Nga xâm lược Ukraine cũng là cái gân gà khó nhá. Ông Austin nói: “Thế giới của chúng ta sẽ trở nên nguy hiểm như thế nào nếu các nước lớn có thể xâm lược các nước láng giềng hòa bình của họ mà không bị trừng phạt”.

“Cái gân gà” ấy chỉ có Mỹ tự nuốt vào thôi – Tướng Cảnh Kiến Phong nói. Ông Cảnh cho rằng, những bình luận của Austin là võ đoán. Chính Nhà Trắng đã gây căng thẳng bằng cách củng cố mối quan hệ ngoại giao trực tiếp với Đài Loan và tăng cường bán vũ khí cho lãnh thổ này. Mỹ đã cố tình sử dụng Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc và lực lượng ly khai Đài Loan kêu gọi sự hỗ trợ của Mỹ để thúc đẩy độc lập. Điều này làm thay đổi hiện trạng, khiến căng thẳng leo thang.

Bình luận về những phát biểu của tướng Cảnh, giới chuyên gia Trung Quốc nhấn mạnh thêm, thời điểm thích hợp để nước này và Mỹ có thể nối lại đối thoại là khi Washington dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc, đồng thời tạo ra “bầu không khí và điều kiện cần thiết” để đối thoại.

Như vậy, trên lý thuyết cả Mỹ và Trung Quốc đều mong muốn đối thoại và đều ra sức đổ lỗi cho nhau. Cuộc cãi vã không có trọng tài và chưa biết khi nào có hồi kết.

Đối thoại Shangri-La là vấn đề lớn, vấn đề quốc tế mà các nước cùng mong muốn bàn thảo, tiếp cận đến chân lý. Thế nhưng “đối thoại nhỏ” lại muôn phần khó khăn. Khó nhất là việc cạnh tranh và xung đột địa – chính trị, bắt đầu từ việc không bên nào chịu xuống thang trước.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới