Monday, September 16, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiKinh tế thế giới ở thời điểm quyết định trong cuộc chiến...

Kinh tế thế giới ở thời điểm quyết định trong cuộc chiến lạm phát

Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) – cơ quan bảo trợ ngân hàng trung ương của thế giới – kêu gọi tăng lãi suất nhiều hơn, đồng thời cảnh báo nền kinh tế thế giới đang ở thời điểm có tính chất quyết định khi các nước đang nỗ lực kiềm chế lạm phát.

Ngân hàng trung ương Thụy Điển Riksbank ở Stockholm, Thụy Điển.

Lãi suất tăng liên tục trong 18 tháng qua nhưng lạm phát ở nhiều nền kinh tế hàng đầu vẫn ở mức cao, với chi phí đi vay tăng vọt dẫn tới việc phá sản ngân hàng nghiêm trọng nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 15 năm trước.

“Nền kinh tế toàn cầu đang ở thời điểm có tính chất quyết định. Những thách thức nghiêm trọng phải được giải quyết. Giai đoạn theo đuổi tăng trưởng ngắn hạn đã qua. Chính sách tiền tệ hiện tại phải khôi phục ổn định giá cả. Chính sách tài khóa phải được củng cố” – Agustin Carstens, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, nêu trong báo cáo thường niên của tổ chức được công bố ngày 25.6.

Ông Claudio Borio – người đứng đầu đơn vị kinh tế và tiền tệ của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế – nói thêm, nguy cơ “tâm lí lạm phát” đang hình thành dù các đợt tăng lãi suất lớn hơn dự kiến diễn ra tuần trước ở Anh và Na Uy cho thấy, các ngân hàng trung ương đang nỗ lực ứng phó.

Báo cáo của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế lưu ý, lạm phát duy trì ở mức cao càng lâu thì yêu cầu thắt chặt chính sách càng mạnh mẽ và kéo dài. Nếu lãi suất đạt đến mức như giữa những năm 1990 thì gánh nặng nợ tổng thể với các nền kinh tế hàng đầu sẽ là cao nhất trong lịch sử. “Tôi nghĩ rằng các ngân hàng trung ương sẽ kiểm soát lạm phát. Khôi phục sự ổn định giá cả là công việc của họ. Câu hỏi đặt ra là chi phí bao nhiêu” – ông Claudio Borio nói.

Gần đây, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế có trụ sở tại Thụy Sĩ đã tổ chức cuộc họp thường niên để các ngân hàng trung ương hàng đầu thảo luận về tình hình hỗn loạn của lĩnh vực ngân hàng trong vài tháng qua.

Tháng 3 và tháng 4, một số ngân hàng khu vực của Mỹ, trong đó có ngân hàng Silicon Valley, phá sản. Tiếp sau đó là cuộc giải cứu khẩn cấp Ngân hàng Credit Suisse ở sân sau của chính Ngân hàng Thanh toán Quốc tế.

Một phần báo cáo của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế được công bố tuần trước cũng đưa ra kế hoạch chi tiết nhằm tạo chuyển biến cho hệ thống tài chính phát triển. Ở đó, các loại tiền kĩ thuật số của ngân hàng trung ương và các tài sản ngân hàng mã hóa tăng tốc, cùng với đó là thông minh hóa các giao dịch và thương mại toàn cầu.

Bình luận thêm về bức tranh kinh tế, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế – Agustin Carstens cho biết, trọng tâm hiện nay là các nhà hoạch định chính sách phải hành động.

“Những kì vọng không thực tế về mức độ và sức bền của các biện pháp hỗ trợ tài chính và tiền tệ xuất hiện kể từ đại khủng hoảng tài chính và đại dịch COVID-19 cần phải được điều chỉnh” – ông nói.

Ngân hàng Thanh toán Quốc tế cho rằng, một cuộc hạ cánh “mềm” về kinh tế – trong đó lãi suất tăng mà không gây ra suy thoái hoặc sự cố ngân hàng lớn – vẫn có thể xảy ra.

Các nhà phân tích tại Bank of America tính toán có 470 lần tăng lãi suất trên toàn cầu trong 2 năm qua. Trong khi đó, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính đã có 1.202 lần cắt giảm lãi suất.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nâng lãi suất thêm 500 điểm cơ bản từ mức gần bằng 0, Ngân hàng trung ương châu Âu tăng lãi suất của khu vực đồng euro thêm 400 điểm cơ bản và nhiều nền kinh tế đang phát triển trên thế giới đã làm nhiều hơn thế.

CNN chỉ ra, tăng lãi suất là công cụ chính mà các ngân hàng trung ương có sẵn để giảm lạm phát. Lạm phát đang chậm lại ở nhiều quốc gia sau hơn 1 năm tăng lãi suất, nhưng vẫn ở trên mức 2%. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra, có độ trễ ít nhất 12 tháng kể từ khi một ngân hàng trung ương hành động đến khi kết quả của việc tăng lãi suất được cảm nhận trên toàn bộ nền kinh tế.

Đó là lí do sau 10 lần tăng lãi suất liên tiếp kể từ tháng 3 năm ngoái, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tạm dừng tăng lãi suất tại cuộc họp tháng 6. Tuy nhiên, dự báo, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể tăng lãi suất trở lại vào tháng sau vì muốn kiểm soát lạm phát.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới