Thursday, November 7, 2024
Trang chủBiển nóngManila củng cố bên trong, cứng rắn bên ngoài, sẵn sàng ứng...

Manila củng cố bên trong, cứng rắn bên ngoài, sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất

Trong bối cảnh tranh chấp với Trung Quốc leo thang, ngày 25/3/2024 Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã ký sắc lệnh yêu cầu chính phủ tăng cường phối hợp về an ninh hàng hải để đương đầu với “một loạt thách thức nghiêm trọng” đối với toàn vẹn lãnh thổ và hòa bình khu vực.

Sắc lệnh, được công bố ngày 31/3, không đề cập đến Trung Quốc nhưng được công bố sau một loạt cuộc đối đầu giữa Manila và Bắc Kinh trên biển và hai bên cáo buộc lẫn nhau liên quan đến Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), một khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Tổng thống Marcos nhấn mạnh trong sắc lệnh: “Bất chấp những nỗ lực nhằm thúc đẩy sự ổn định và an ninh trong lãnh hải, Philippines vẫn tiếp tục đối mặt với một loạt thách thức nghiêm trọng đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ cũng như sự tồn tại hòa bình của người dân Philippines”.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr.

Sắc lệnh còn bao gồm việc tái tổ chức hội đồng hàng hải của chính phủ với việc đổi tên Hội đồng Giám sát Bờ biển Quốc gia thành Hội đồng Hàng hải Quốc gia; bổ sung cố vấn an ninh quốc gia, tổng cố vấn pháp luật, giám đốc Cơ quan Điều phối Tình báo Quốc gia và Lực lượng Đặc nhiệm Quốc gia phụ trách Biển Tây Philippines (cách Manila gọi Vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông). Hội đồng Hàng hải Quốc gia được đổi tên sẽ là cơ quan trung ương xây dựng các chiến lược nhằm đảm bảo một khuôn khổ “thống nhất, phối hợp và hiệu quả” cho an ninh và nhận thức về lãnh hải của Philippines. Số lượng cơ quan và bộ ngành hỗ trợ hội đồng này được tăng từ 9 lên 13 cơ quan, trong đó có Bộ Quốc phòng, Cơ quan Điều phối Tình báo Quốc gia, Lực lượng Vũ trang Philippines, Cơ quan Không gian Philippines cùng Viện Hàng hải và Luật Biển của Đại học Philippines. Các chuyên gia quân sự đánh giá, Sắc lệnh này dường như mở rộng vai trò của quân đội bằng cách nêu tên Lực lượng vũ trang Philippines, không chỉ hải quân, trong số các cơ quan hỗ trợ hội đồng.

Sắc lệnh được Tổng thống Marcos Jr. ký ngay sau khi tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu tiếp tế của Philippines và làm bị thương 3 thủy thủ trên tàu hôm 23/3. Trước khi công bố sắc lệnh này, ngày 28/3 ông Marcos tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp đối phó với “các cuộc tấn công bất hợp pháp, cưỡng ép, hung hãn và nguy hiểm” của hải cảnh Trung Quốc. Ông Marcos nói trên Facebook: “Chúng tôi không tìm cách tạo ra xung đột với bất kỳ quốc gia nào, kể cả với những quốc gia có mục đích và tự nhận là bạn của chúng tôi, nhưng chúng tôi sẽ không sợ hãi trong im lặng, bị phục tùng hoặc bị khuất phục”. Tổng thống Marcos còn cho biết ông đã gặp các quan chức quốc phòng và an ninh cũng như liên lạc với “bạn bè trong cộng đồng quốc tế” và “Họ đã đề nghị giúp đỡ chúng tôi về những gì Philippines yêu cầu để bảo vệ và đảm bảo chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của chúng tôi đồng thời đảm bảo hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Chuyên gia an ninh hàng hải Ray Powell, một sĩ quan Không quân Mỹ đã nghỉ hưu, nhận định Sắc lệnh hành pháp này dường như báo hiệu Philippines sẽ tái tổ chức và sắp xếp lại các ưu tiên về nguồn lực liên quan đến các hoạt động ở Biển Tây Philippines. Chuẩn đô đốc Armand Balilo, người phát ngôn của lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines, cho biết họ sẽ tăng cường tuần tra ở vùng biển tranh chấp. Ông nói: “Chúng tôi sẽ đẩy mạnh hoạt động không chỉ ở bãi cạn Ayungin (cách Manila gọi Bãi Cỏ Mây) mà còn ở các khu vực khác. Đó là một phần công việc của chúng tôi”.

Ngày 29/3, Bộ Quốc phòng Philippines tuyên bố Manila không muốn gây chiến hay rắc rối ở Biển Đông nhưng sẽ không im lặng, hay khuất phục. Bộ Quốc phòng Philippines nhấn mạnh rằng những tuyên bố gần đây của Trung Quốc cho thấy sự cô lập của họ với phần còn lại của thế giới về “các hoạt động bất hợp pháp và thiếu văn minh” ở Biển Đông. Tuyên bố của Manila khẳng định: “Những điều đó cũng cho thấy Chính phủ Trung Quốc không có khả năng tiến hành các cuộc đàm phán cởi mở, minh bạch và hợp pháp. Mục đích của họ chỉ là cư xử ‘kẻ cả’ và nếu không làm được điều đó thì họ sẽ đe dọa các nước nhỏ hơn”. Tuyên bố này được cho là nhằm đáp lại bình luận của Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm nói hôm 28/3 rằng Philippines phải chịu trách nhiệm về sự rạn nứt trong quan hệ, yêu cầu Manila chấm dứt những việc mà phía Trung Quốc gọi là “hành vi xâm phạm và khiêu khích”.

Trong khi đó, Tổng Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Philippines, Tướng Romeo Brawner, cho biết ông đã trao đổi với lực lượng bảo vệ bờ biển, hải quân và Cục Nghề cá và Nguồn lợi thủy sản (BFAR) về cập nhật hoạt động luân chuyển quân và hậu cần cho các nhiệm vụ tiếp tế cho tàu BRP Sierra Madre mà Philippines đã cho mắc cạn trên Bãi Cỏ Mây để củng cố yêu sách lãnh thổ của Manila đối với các khu vực xung quanh. Ông Trong khi đó, Tổng Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Philippines, Tướng Romeo Brawner nói với các phóng viên: “Chúng tôi đã thảo luận nhiều (vấn đề) trong cuộc họp của nhóm các cơ quan an ninh, không chỉ về hoạt động trên thực địa. Nhưng chúng tôi có thể làm điều đó với tư cách là một quốc gia, sử dụng tất cả các công cụ có sẵn. Chúng tôi sẽ điều chỉnh hoạt động của mình, nhưng chúng tôi không thể tiết lộ những điều chỉnh đó là gì”.

Chính quyền Manila cho biết họ đang hoàn thiện chiến lược để bảo vệ các yêu sách lãnh thổ của nước này và đảm bảo nhiệm vụ tiếp tế hàng tháng cho Bãi Cỏ Mây, sau những cuộc đối đầu gần đây với lực lượng hải cảnh Trung Quốc. Các nhà phân tích đã bày tỏ lo ngại về thế trận quân sự ngày càng được củng cố này, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải đàm phán ngoại giao bên cạnh việc tăng cường năng lực phòng thủ để ngăn chặn tranh chấp leo thang thành xung đột mở.

Giáo sư Rommel Banlaoi, nhà phân tích hàng đầu về chống khủng bố tại Viện Nghiên cứu Hòa bình, Bạo lực và Khủng bố của Philippines, hôm 31/3 bày tỏ ông rất lo lắng về tình hình hiện tại, vì cả Manila và Bắc Kinh đều đang gia tăng các biện pháp đối phó quân sự. Giáo sư Banlaoi bày tỏ: “Điều đó thực sự sẽ làm tăng nguy cơ xung đột vũ trang trong khu vực”. Theo vị giáo sư này, chính quyền Marcos Jr. nên tăng cường khả năng thực thi pháp luật và năng lực quân sự để khẳng định quyền chủ quyền của đất nước ở Biển Tây Philippines, nhưng ông lưu ý rằng điều đó sẽ đòi hỏi “khả năng tiếp cận nhiều hơn với các tài sản hàng hải mới”, điều đó “có nghĩa là chúng ta (Philippines) cần mua khí tài mới hoặc nhận được các khí tài đó từ các đồng minh của mình… như từ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc”. Mặt khác, Giáo sư Rommel Banlaoi cũng cho rằng chìa khóa để giải quyết xung đột một cách hòa bình là thông qua “đàm phán và đối thoại trực tiếp”. Ông nói: “Bất kỳ động thái gia tăng hoạt động quân sự nào từ tất cả các bên – không chỉ từ Philippines hay Trung Quốc – chỉ càng gây khó khăn cho việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình”.

Phó đô đốc Alberto Carlos, người chịu trách nhiệm quản lý khu vực Biển Tây Philippines, cho biết họ đang nghiên cứu tất cả các kịch bản có thể xảy ra nếu tình hình leo thang khi Philippines thực hiện nhiệm vụ tiếp tế tiếp theo. Ông nói: “Chúng tôi đã sẵn sàng cho những gì họ sắp làm. Quân đội đồn trú trên tàu Sierra Madre đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Chúng tôi đang nghiên cứu tất cả các lựa chọn. Thật không thể chấp nhận được nếu chúng ta định dừng nhiệm vụ tiếp tế”.

Nhà sử học quân sự và phân tích quốc phòng của Philippines Jose Antonio Custodio cho rằng Manila cũng nên xem xét huy động sự ủng hộ của người dân Philippines trong việc khẳng định các quyền và lợi ích của mình ở Biển Tây Philippines thông qua việc hỗ trợ sự hiện diện liên tục của người dân tại những nơi đóng quân, trong các hoạt động đánh bắt cá và các chương trình giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng. Ông nói: “Chúng ta phải tăng cường hoạt động với đồng minh Mỹ và các đối tác khác như Nhật Bản và Australia”.

Ngay sau vụ việc hôm 23/3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro Jr. đã điện đàm về vấn đề xung quanh Bãi Cỏ Mây. Thông cáo từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết: “Bộ trưởng Austin tái khẳng định cam kết chắc chắn của Mỹ đối với Philippines sau khi lực lượng hải cảnh và dân quân biển của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gây cản trở nguy hiểm cho sứ mệnh tiếp tế hợp pháp của Philippines tới Bãi Cỏ Mây ngày 23/3”. Tuyên bố cho biết thêm: “Ông Austin nhấn mạnh sự hỗ trợ của Mỹ đối với Philippines trong việc bảo vệ quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước này, đồng thời nhắc lại rằng Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines áp dụng cả đối với lực lượng vũ trang, tàu và máy bay công vụ của cả hai nước – bao gồm cả lực lượng bảo vệ bờ biển của Philippines – ở bất kỳ đâu trên Thái Bình Dương, bao gồm cả Biển Đông”.

Philippines ngày 02/4 cho biết Cố vấn An ninh quốc gia của họ và người đồng cấp Mỹ đã thảo luận về “các hành động uy hiếp, hung hăng và bịp bợm” của Bắc Kinh ở Biển Đông trong cuộc điện đàm hôm 01/4. Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines cho biết trong một tuyên bố rằng Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines Eduardo Ano “bày tỏ sự đánh giá cao đối với việc Hoa Kỳ tiếp tục đảm bảo và tái khẳng định cam kết sắt đá” đối với liên minh Mỹ-Philippines. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro nói với người dân Philippines trong một bức thư ngỏ ngày 02/4 rằng “chớ rơi vào cái bẫy do tuyên truyền của Trung Quốc giăng ra”.

Ngày 03/4/2024, Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Jonathan Malaya nói rằng Philippines cam kết duy trì vị trí của mình tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) và sẽ không ngừng thực hiện các nhiệm vụ tái tiếp tế cho binh sĩ Philippines trên tàu chiến mắc cạn ở đó. Ông Jonathan Malaya nhấn mạnh: “Chúng tôi cam kết luôn duy trì tàu BRP Sierra Madre ở đó, vì vậy bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm can thiệp vào các nhiệm vụ tái tiếp tế sẽ bị Philippines đáp trả theo cách thức để bảo vệ quân đội của chúng tôi”, ông Malaya nói tại một diễn đàn hàng hải.

Ông Malaya nhấn mạnh rằng các biện pháp đáp trả được Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr công bố  hôm 28/3 chống lại các hành động “hung hăng” của lực lượng hải cảnh Trung Quốc sẽ mang tính “đa chiều” và không chỉ mang tính chất quân sự. Một phần của các biện pháp này bao gồm thực hiện “những thay đổi và điều chỉnh” đối với các nhiệm vụ và hoạt động tiếp tế của Philippines ở Biển Đông. Tuy nhiên, ông Malaya không nêu cụ thể, với lý do lo ngại về an ninh. Nhắc lại lời kêu gọi hôm 02/4 của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines hôm 02/4 về việc công chúng không trở thành nạn nhân của tuyên truyền của Trung Quốc, ông Malaya cảnh báo về “ảnh hưởng ác ý của nước ngoài” nhằm làm suy yếu Philippines. Những động thái kế trên cho thấy chính quyền của Tổng thống Marcos đang nỗ lực củng cố sức mạnh bên trong để nâng cao khả năng phòng thủ quốc gia, đông thời chủ động hợp tác với các nước ngoài khu vực và thể hiện thái độ cứng rắn và quyết tâm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và các lợi ich trên biển của đất nước sẵn sàng đối phó với thách thức từ Bắc Kinh ở Biển Đông, kể cả trong tình huống xấu nhất.

RELATED ARTICLES

Tin mới