Wednesday, October 9, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hội2 'đại gia' hàng đầu TQ sẵn sàng tham gia dự án...

2 ‘đại gia’ hàng đầu TQ sẵn sàng tham gia dự án đường sắt cao tốc Việt Nam

Hai tập đoàn lớn, có lịch sử lâu đời của Trung Quốc thể hiện mong muốn tham gia đầu tư xây dựng các dự án đường sắt ở Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp lãnh đạo CRRC

Tập đoàn xe lửa Trung Quốc có 125 năm kinh nghiệm
Trong chương trình chuyến công tác tại Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Tôn Vinh Khôn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Đầu máy và toa xe lửa Đại Liên (CRRC) và ông Vương Tiểu Quân, Phó Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc (PowerChina).

Tại buổi tiếp ông Tôn Vinh Khôn, Thủ tướng đề nghị CRRC nghiên cứu hợp tác với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam về sản xuất, chuyển giao công nghệ chế tạo đầu máy, toa xe, đào tạo nhân lực, hỗ trợ về nguồn vốn. Bắt tay vào công việc cụ thể, tham gia xây dựng các dự án đường sắt chất lượng, hiệu quả, góp phần phát triển công nghiệp đường sắt tại Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng hoan nghênh CRRC tham gia các dự án, lĩnh vực khác như năng lượng mới.

Sau khi nghe chia sẻ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo CRRC bày tỏ mong muốn tham gia cụ thể hóa các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, dưới chỉ đạo của Chính phủ hai nước.

Ông Tôn Vinh Khôn khẳng định Công ty có nhiều ưu thế, năng lực nổi bật và công nghệ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực đường sắt. CRRC rất coi trọng và sẵn sàng tham gia xây dựng các tuyến đường sắt kết nối giữa hai nước, cũng như các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM.

Ngoài ra, công ty sẵn sàng cung cấp các giải pháp tổng thể, công nghệ cao, thúc đẩy nội địa hóa, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đào tạo nhân lực như đề nghị của Thủ tướng để góp phần giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp đường sắt, cũng như phát triển các lĩnh vực như giao thông năng lượng mới, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước.

Công ty TNHH Đầu máy và toa xe lửa Đại Liên (CRRC) có lịch sử phát triển lâu đời từ năm 1899, thuộc Tập đoàn Toa xe Trung Quốc, là doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn trọng điểm duy nhất của Trung Quốc độc lập phát triển và sản xuất đầu máy đường sắt (bao gồm đầu máy diesel, đầu máy điện), phương tiện đường sắt đô thị, tàu tốc hành và đầu máy năng lượng mới.

Cho đến nay, Công ty có 8.737 nhân viên và doanh thu năm 2023 là 2,2 tỷ USD, xuất khẩu sản phẩm sang 32 quốc gia. Tại Việt Nam, Công ty đã cung cấp đầu máy toa xe diesel, đầu máy toa xe cho các dự án đường sắt tiêu chuẩn, phương tiện đường sắt đô thị và cung cấp thiết bị năng lượng gió, thiết bị quang điện, đồng thời, từng bước hợp tác để thiết lập các cơ sở sản xuất nội địa hóa.

Trong năm 2013, Công ty đã xuất khẩu 9 đơn vị đầu máy toa xe diesel cho Công ty FHS tại Hà Tĩnh với chức năng điều khiển từ xa, được sử dụng cho vận tải hàng hóa trong điều kiện môi trường khắc nghiệt. Công ty cũng cung cấp đầu máy toa xe cho các dự án đường sắt tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Đồng Đăng- Hà Nội, Móng Cái – Hạ Long – Hải Phòng, Cung cấp phương tiện đường sắt đô thị cho các thành phố lớn ở Việt Nam và cung cấp thiết bị năng lượng gió, thiết bị quang điện cho Việt Nam…

Tập đoàn điện lực hàng đầu Trung Quốc hoạt động tại 130 quốc gia
Tại cuộc tiếp lãnh đạo Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc (PowerChina), Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh kế hoạch mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam của PowerChina trong lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng.

Thủ tướng cũng đề nghị tập đoàn phát huy những kết quả hợp tác tại Việt Nam, tiếp tục đầu tư nhiều hơn, mở rộng hơn lĩnh vực hoạt động, đặc biệt là hợp tác, hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp đường sắt và lĩnh vực năng lượng tái tạo, cũng như các lĩnh vực thế mạnh khác.

Chia sẻ tại buổi gặp, Phó Chủ tịch PowerChina Vương Tiểu Quân PowerChina hoạt động tại Việt Nam từ năm 2000 tới nay trong lĩnh vực năng lượng với tổng giá trị các hợp đồng hơn 9 tỷ USD và sử dụng hơn 1.000 lao động, chuyên gia…

Các dự án điển hình mà PowerChina tham gia gồm dự án thuỷ điện Lai Châu, Sơn La, Trung tâm nhiệt điện duyên hải Vĩnh Tân, hơn 23 dự án điện mặt trời (tổng công suất 2.681 MW), 9 dự án điện gió ngoài khơi (1.217 MW), 16 dự án điện gió trên bờ (1.201 MW), 2 dự án điện rác tại Cần Thơ và Sóc Sơn, Hà Nội (xử lý 4.400 tấn rác thải/ngày)…

Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc (PowerChina), được thành lập năm 2011, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực như: Quy hoạch tổng thể, khảo sát và thiết kế, xây dựng và lắp đặt, nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ, quản lý xây dựng, tư vấn và giám sát, sản xuất và vận hành đầu tư các dự án thủy lợi, năng lượng, đường cao tốc, đường sắt, cảng và đường thủy, sân bay, nhà ở, khu công nghiệp, kỹ thuật đô thị, đường sắt đô thị…

Năm 2023, Tập đoàn xếp thứ 105 trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới theo Tạp chí Fortune và đứng thứ 32/500 doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc. PowerChina hoạt động tại 130 quốc gia và đạt mức doanh thu 571 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 80 tỷ USD).

Cần hàng trăm tỷ USD để xây dựng hàng nghìn km đường sắt
Theo kế hoạch phát triển hệ thống đường sắt đô thị ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Việt Nam dự kiến đầu tư khoảng 100 tỷ USD để xây dựng hơn 1.000km.

Cụ thể, tại buổi họp đầu tháng 6/2024 vừa qua tại Hà Nội, Trưởng ban Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Cao Minh cho biết tổng số vốn Hà Nội cần huy động để xây dựng đường sắt đô thị đến năm 2045 là khoảng 66,384 tỷ USD cho tổng gần 400km.

Trong đó, Thủ đô có thể huy động được 57,770 tỷ USD và cần Trung ương hỗ trợ 8,614 tỷ USD. Hà Nội phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2035 đạt 50-55%, sau năm 2035 đạt 65-70%. Cụ thể, đến năm 2030 hoàn thành thi công xây dựng, đưa vào khai thác khoảng 96,8km/397,8km.

Đến năm 2035 hoàn thành thi công xây dựng, đưa vào khai thác khoảng 301km/397,8km và đến năm 2045 hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị bổ sung thêm theo Quy hoạch chung Thủ đô điều chỉnh và Quy hoạch Thủ đô.

Còn ở TPHCM, tại buổi họp vào trung tuần tháng 5 vừa qua, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết, theo lộ trình đầu tư phát triển mạng lưới đường sắt đô thị đến năm 2060, TP HCM sẽ hoàn thiện 510,02 km.

Trong đó, đến năm 2035, TP.HCM xây dựng hoàn thành khoảng 183 km metro và đến năm 2045, xây dựng thêm khoảng 168,36 km nâng tổng chiều dài lên 351,081 km. Dự kiến tổng mức đầu tư 824.495,704 tỷ đồng, tương đương khoảng 34,39 tỷ USD. Theo đồ án mới, metro có 6 tuyến hướng tâm – xuyên tâm, 2 tuyến vành đai và 2 tuyến kết nối liên khu vực.

Ngoài ra, trong buổi làm việc với tập đoàn Trung Quốc hôm 24/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết Việt Nam hiện có trên 2.000 km đường sắt với hơn 300 nhà ga nhưng những năm qua khai thác chưa thật sự hiệu quả. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều thay đổi, vận tải đường sắt có nhiều lợi thế so với các loại hình khác như giá thành, phù hợp với một số mặt hàng.

Từ đó, Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, CRRC và PowerChina nghiên cứu hợp tác với Tổng Công ty Đường sắt và các doanh nghiệp Việt Nam để góp phần phát triển ngành công nghiệp đường sắt tại Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam khảo sát mô hình đường sắt phù hợp, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, nguồn vốn; phát triển các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, trong đó có tuyến kết nối trung tâm Hà Nội với Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục triển khai các dự án hợp tác cụ thể để đạt hiệu quả, chất lượng và tiến độ nhanh nhất trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới