Thursday, September 12, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiRào cản với siêu dự án đường ống dẫn khí Nga -...

Rào cản với siêu dự án đường ống dẫn khí Nga – TQ

Nga dường như cần thị trường Trung Quốc nhiều hơn là Trung Quốc cần khí đốt Nga.

Kỹ thuật viên kiểm tra thiết bị ở mỏ khí đốt tại Trùng Khánh, Trung Quốc.

Nga trở thành nguồn nhập khẩu dầu thô hàng đầu của Trung Quốc trong năm 2023, với lượng khí đốt Nga xuất sang Trung Quốc tăng 61,7% so với năm 2022.

Tuy nhiên, Trung Quốc dường như không vội vàng với đường ống dẫn khí Sức mạnh Siberia 2. Một trong những lý do chính cho sự chậm trễ này có thể là lo ngại về giá khí đốt, theo SCMP.

Khi Nga tách khỏi thị trường châu Âu, Trung Quốc mua được khí đốt với mức giá tốt hơn. Tuy nhiên, hợp tác năng lượng với Trung Quốc không giúp Nga bù đắp được nguồn thu bị mất từ thị trường châu Âu.

Năm 2023, Nga chỉ xuất khẩu 28,3 tỉ m3 khí đốt sang châu Âu, con số nhỏ so với 192 tỉ m3 chỉ riêng Gazprom đã bán cho các nước châu Âu năm 2019.

Năm 2023, Trung Quốc mua 22,7 tỉ m3 khí đốt Nga với mức giá 286,9 USD/1.000m3. Trước đó, giá mà Nga bán khí đốt cho các nước châu Âu là 461,3 USD/1.000m3.

SCMP cho hay, Trung Quốc đang tận dụng mức giá chiết khấu với khí đốt Nga, đồng thời đang tích cực tìm cách để có giá thấp hơn nữa. Nhiều thông tin cho thấy Bắc Kinh dự kiến mua khí đốt Nga ở mức giá gần với giá bán nội địa ở Nga, khoảng 84 USD/1.000 m3.

Điểm đáng lưu ý hơn, Trung Quốc có khả năng chỉ cam kết mua một phần nhỏ trong công suất hàng năm dự kiến 50 tỉ m3 của đường ống Sức mạnh Siberia 2.

Về phía Nga, ít nhất là hiện tại, dường như chưa sẵn sàng nhượng bộ quá nhiều nên việc hiện thực hóa dự án Sức mạnh Siberia 2 vẫn còn chưa chắc chắn, cũng theo SCMP.

Bên cạnh đó, vẫn còn có những nghi ngại về việc Trung Quốc có thực sự cần một đường ống dẫn khí đốt Nga khác không nếu nước này đang hoàn toàn hài lòng với lượng khí đốt nhận được qua đường ống Sức mạnh Siberia sẵn có.

Nhưng lượng khí đốt nhập khẩu của Trung Quốc có thể đạt 300 tỉ m3 mỗi năm vào năm 2040 và các hợp đồng khí đốt hiện có của Trung Quốc với Nga cũng như các nhà cung cấp khác chưa đáp ứng được mục tiêu này. Do đó, cuối cùng, Trung Quốc có thể đạt được thỏa thuận với Mátxcơva về đường ống Sức mạnh Siberia 2.

Cây viết Nikola Mikovic của SCMP chỉ ra, ngay cả khi Trung Quốc không đạt được các kế hoạch đầy tham vọng liên quan đến quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo, thì cũng không có khả năng đường ống dẫn khí Siberia 2 sẽ trở thành ưu tiên năng lượng hàng đầu của nước này.

Trong khi đó, gã khổng lồ năng lượng của Nga Gazprom đã báo cáo khoản lỗ đầu tiên sau hơn 20 năm sau khi mất thị trường châu Âu. “Nga dường như cần thị trường Trung Quốc nhiều hơn là Trung Quốc cần khí đốt của Nga” – Nikola Mikovic lưu ý.

Với Nga, dự án Sức mạnh Siberia 2 có thể trở nên không khả thi về mặt tài chính. Trong bối cảnh xung đột ở Ukraina, cấm vận của phương Tây và gã khổng lồ năng lượng đang thua lỗ, Nga khó có thể tài trợ cho việc xây dựng đường ống dài 2.600 km trị giá nhiều tỉ USD đi qua Nga, Mông Cổ và Trung Quốc.

Do đó, nếu Nga tiếp tục giảm giá khí đốt bán cho Trung Quốc và đưa ra thêm nhiều nhượng bộ, rất khó có khả năng nước này sẽ được hưởng lợi từ đường ống dẫn khí Sức mạnh Siberia 2 nếu dự án này cuối cùng vẫn được tiến hành.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới