Thursday, September 12, 2024
Trang chủThâm cung bí sửNhững vụ ám sát từng gây chấn động Trung Đông

Những vụ ám sát từng gây chấn động Trung Đông

Khu vực Trung Đông đã chứng kiến nhiều vụ ám sát quan chức quân sự, chính trị gia cấp cao như Quốc vương Jordan Abdullah I hay Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat, từng khiến tình hình trở nên rất căng thẳng.

Bá tước Folke Bernadotte (trái) trò chuyện với tù nhân Australia ở Thụy Điển năm 1943.

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tối 30/7 thông báo đã không kích trúng một tòa nhà 8 tầng ở ngoại ô thủ đô Beirut của Lebanon và hạ sát Fuad Shukr, “cánh tay phải” của thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah. Sau đó một ngày, Ismail Haniyeh, thủ lĩnh chính trị của nhóm vũ trang Hamas, cũng thiệt mạng khi dinh thự nơi ông lưu trú tại Tehran trúng tên lửa.

Ông Haniyeh bị ám sát khi tới Iran với vai trò thượng khách, dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Masoud Pezeshkian. Iran và Hamas cáo buộc Israel là bên gây ra vụ tấn công, song Tel Aviv từ chối bình luận.

Nước này trước đó cảnh báo sẽ săn lùng, hạ sát Haniyeh và các thủ lĩnh cấp cao khác của Hamas “ở bất cứ đâu”, nhằm đáp trả vụ tập kích hiệp đồng của nhóm vũ trang vào lãnh thổ Israel hồi tháng 10/2023.

Hai vụ ám sát gây chấn động trong vòng chưa đầy 12 giờ khiến “lò lửa” Trung Đông đang trở nên nóng hơn bao giờ hết và có thể bùng nổ bất cứ lúc nào, đặc biệt khi tình hình khu vực này vốn đang căng thẳng liên quan xung đột Israel – Hamas tại Dải Gaza.

Kể từ năm 1945, Trung Đông đã chứng kiến nhiều vụ ám sát có mức độ nghiêm trọng tương tự. AP cho biết sự việc đầu tiên xảy ra vào năm 1948, khi Bá tước Folke Bernadotte, nhà ngoại giao Thụy Điển và là người trung gian của Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Palestine, bị ám sát tại Jerusalem bởi Stern Gang, tổ chức người Do Thái có thành viên là thủ tướng Israel tương lai Yitzhak Shamir.

Trong Thế chiến II, Bernadotte đã tham gia đàm phán và giúp giải thoát hàng chục người Do Thái bị giam trong các trại tập trung ở Đức. Bá tước người Thụy Điển còn góp sức để các bên đạt thỏa thuận ngừng bắn và lập lại hòa bình sau cuộc chiến Israel – Arab đầu tiên hồi năm 1948, song điều này cũng là nguyên nhân khiến ông mất mạng.

Khi Bá tước Bernadotte thực hiện nhiệm vụ trung gian hòa giải cuộc xung đột Arab – Israel năm 1947-1948 theo sự giao phó của LHQ, nhóm dân quân phục quốc Do Thái Stern Gang cáo buộc ông “bênh vực dân Arab” nên lên kế hoạch ám sát.

Ngày 17/9/1948, ba tay súng mặc quân phục Israel đã liên tiếp nã đạn vào xe LHQ tại Jerusalem. Bá tước Bernadotte và đại tá Andre Serot, trưởng đoàn quan sát viên LHQ, thiệt mạng.

Vụ ám sát đã mở ra một giai đoạn bạo lực của các phần tử cực hữu Israel nhắm vào dân thường và nhân sự của LHQ. Dù vậy, những báo cáo được Bá tước Bernadotte gửi về đã trở thành nền tảng cho Nghị quyết 194 của Đại hội đồng LHQ năm 1948, tái khẳng định quyền được trở về và được bồi thường thiệt hại chiến tranh của người tị nạn Palestine.

Sự cố tiếp theo gây chấn động Trung Đông là việc Quốc vương Abdullah I của Jordan bị ám sát ngay trước đền thờ Al-Aqsa ở Jerusalem vào năm 1951. Trước đó một năm, Vua Abdullah I sáp nhập phần lãnh thổ do Anh ủy trị và giáp biên giới với Jordan, bao gồm Jerusalem và khu vực hiện nay là Bờ Tây.

Động thái này của Vua Abdullah I gây bất mãn với Amin al-Husseini, cựu Mufti tại Jerusalem, chức vụ phụ trách các địa điểm linh thiêng của Hồi giáo ở thành phố.

Al-Husseini là người thúc đẩy nỗ lực thành lập một quốc gia Arab tại khu vực, nên hai người được coi là đối thủ chính trị. Một tín đồ trung thành của al-Husseini đã quyết định dùng súng ám sát Vua Abdullah I.

Con trai của Abdullah I lên nắm quyền thay cha sau vụ ám sát, sau đó là cháu nội của ông. Jordan tiếp tục kiểm soát lãnh thổ Palestine cho đến khi bị Israel chiếm sau Chiến tranh Sáu ngày năm 1967.

Đến nay, việc xác định Jerusalem thuộc về ai vẫn là một trong những vấn đề nan giải nhất trong xung đột Israel – Palestine.

Năm 1975, tại Trung Đông tiếp tục xảy ra một vụ ám sát gây chấn động, khi Quốc vương Faisal của Arab Saudi bị chính cháu trai của mình giết hại. Ông là người ủng hộ mạnh mẽ nền độc lập của Palestine và đã tận dụng tầm ảnh hưởng của Riyadh trong lĩnh vực dầu mỏ để chống lại Mỹ và các cường quốc phương Tây khác hồi đầu những năm 1970, do những nước này ủng hộ Israel.

Gần 50 năm sau, Arab Saudi được cho là đã thiết lập liên minh không công khai với Israel để đối phó với “kẻ thù chung” Iran, quốc gia kình địch của họ tại Trung Đông.

Năm 1981, tổng thống Ai Cập Anwar Sadat, đồng minh thân cận của Mỹ, bị một nhóm Jihad Hồi giáo ở nước này sát hại trong vụ tấn công nhằm vào cuộc diễu hành thường niên tổ chức ở Cairo để kỷ niệm cuộc chiến chống Israel hồi tháng 10/1973.

Vụ ám sát xảy ra ba năm sau khi ông ký hiệp ước chấm dứt chiến tranh với Tel Aviv và đạt giải Nobel Hòa bình cùng Thủ tướng Israel Menachem Begin. Hiệp ước này được cho là đã khiến một số tổ chức Hồi giáo ở Ai Cập nổi giận.

Năm 1995, khi đang tham dự buổi mít tinh nhằm thúc đẩy thỏa thuận hòa bình Oslo ký với lãnh đạo Palestine Yasser Arafat, Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin đã bị ám sát bởi một phần tử cực đoan người Israel phản đối hòa đàm với Palestine. Cái chết của ông đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới những nỗ lực nhằm thiết lập hòa bình giữa hai nước.

Việc các chính phủ cánh hữu sau đó của Israel tiếp tục kéo dài hoạt động chiếm đóng, cùng với sự suy yếu của giới lãnh đạo Palestine, đã khiến tiến trình này trở nên trì trệ, trước khi lụi tàn hoàn bởi một loạt động thái được cho là ủng hộ Israel và chống lại Palestine của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông còn tại nhiệm, như chuyển đại sứ quán nước này tới Jerusalem.

Năm 2004, lực lượng Hamas hứng thiệt hại lớn ở thượng tầng khi hai thủ lĩnh của nhóm liên tiếp bị hạ sát trong các cuộc không kích cách nhau một tháng của Israel. Ahmed Yassin, thủ lĩnh tối cao và là người sáng lập Hamas, đã trúng tên lửa lúc đang ngồi xe lăn sau khi tham dự buổi lễ cầu nguyện ở Gaza City.

Người kế nhiệm Yassin, Abdel Aziz al-Rantisi, cũng thiệt mạng bởi tên lửa Israel khi đang lái xe gần nhà tại Gaza.

Ngoài ra, tình báo Israel được cho là đứng sau vụ nổ bom xe tại thủ đô Damascus của Syria hồi năm 2008, khiến Imad Mughniyeh, quan chức số hai trong giới lãnh đạo nhóm vũ trang Hezbollah tại Lebanon, tử vong.

Năm 2005, thủ tướng Lebanon Rafik Hariri thiệt mạng sau vụ đánh bom tự sát bằng xe tải trên một con phố ven biển ở thủ đô Beirut. Vụ tấn công làm bùng phát cuộc nổi dậy chưa từng có chống lại sự chiếm đóng của Syria tại Lebanon, trong bối cảnh Damascus bị cáo buộc là bên đã ám sát ông Hariri.

Cuộc nổi dậy đã tạm thời thống nhất mọi người dân Lebanon, bất kể tôn giáo, và cuối cùng đã khiến quân đội Syria phải rút khỏi nước này sau ba thập kỷ ở đây. Dù vậy, xã hội Lebanon sau đó lại tiếp tục bị chia rẽ thành nhiều phe phái đối lập.

Sau sự kiện này, cuộc điều tra vụ ám sát thủ tướng Hariri đã chuyển trọng tâm sang lực lượng Hezbollah và 4 thành viên của nhóm đã bị một tòa án do LHQ hậu thuẫn tại The Hague, Hà Lan, buộc tội là thủ phạm. Hezbollah phủ nhận có liên quan tới sự việc.

Jamal Khashoggi, nhà báo người Arab Saudi và sinh sống tại Mỹ, năm 2018 bị ám sát khi tới lãnh sự quán Arab Saudi ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ để làm thủ tục cần thiết trước khi kết hôn. Thi thể của ông hiện vẫn chưa được tìm thấy.

Khashoggi từng có nhiều bài viết chỉ trích các chính sách của Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman trên Washington Post. Sự việc đã gây bất đồng nghiêm trọng giữa Mỹ và Arab Saudi, với nhiều lời kêu gọi Washington cắt quan hệ với Riyadh.

Tòa án Arab Saudi hồi tháng 12/2019 kết án tử hình với 5 người và bỏ tù ba người vì liên quan cái chết của Khashoggi. Tình báo Mỹ năm 2021 kết luận Thái tử bin Salman đã trực tiếp phê chuẩn kế hoạch ám sát nhà báo này, song ông bác cáo buộc, chỉ nhận trách nhiệm chung với tư cách lãnh đạo đất nước.

Ngày 3/1/2020, Trung Đông một lần nữa rung chuyển khi xe chở tướng Qassem Soleimani, tư lệnh đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), bị máy bay không người lái (UAV) Mỹ tấn công bằng tên lửa ở Baghdad, Iraq. Cuộc tập kích khiến Soleimani, từng được coi là người quyền lực thứ hai ở Iran sau lãnh tụ Ali Khamenei, và một trung úy người Iraq thiệt mạng.

Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump xác nhận ông đã ra lệnh tiến hành vụ ám sát nhằm đáp trả hàng loạt cuộc tấn công nhắm vào căn cứ Mỹ ở Iraq. Tình báo Mỹ cho rằng các lực lượng thân Iran đã thực hiện những vụ tập kích.

Sự việc đã khiến căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Iran leo thang nghiêm trọng. Năm ngày sau vụ ám sát, Tehran phóng loạt tên lửa nhằm vào hai căn cứ có lính Mỹ đồn trú ở Iraq, song không khiến ai thiệt mạng.

Sau khi xung đột tại Dải Gaza bùng phát vào tháng 10/2023, quân đội Israel đã nhiều lần nhắm mục tiêu vào các quan chức quân sự Iran, cáo buộc Tehran hậu thuẫn cho lực lượng Hamas.

Ngày 1/4, tên lửa được cho là do Israel phóng đã rơi trúng tòa lãnh sự Iran ở Damascus, khiến 7 người thiệt mạng, trong đó có chuẩn tướng Mohammad Reza Zahedi, người được coi là “bộ não” chỉ huy ba mặt trận then chốt của Tehran là Palestine, Syria và Lebanon.

Ông là quan chức cấp cao nhất của Iran thiệt mạng trong một cuộc tập kích kể từ sau vụ tướng Soleimani bị ám sát.

Iran sau đó phóng hơn 300 tên lửa, UAV nhằm vào nhiều mục tiêu ở Israel để đáp trả, trong cuộc tập kích trực tiếp đầu tiên vào lãnh thổ đối phương. Israel đã phối hợp cùng các đối tác Mỹ, Anh, Pháp và Jordan đánh chặn 99% quả đạn.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới