Thursday, September 12, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBiển Đông: Philippines “thêm bạn”?

Biển Đông: Philippines “thêm bạn”?

Ngày 4/8, Philippines và Đức cam kết sẽ ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng trong năm nay, nhấn mạnh việc bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Ông Gilberto Teodoro và ông Boris Pistorius sau họp báo chung tại Manila, ngày 4/8/2024.

Cam kết trên đạt được khi ông Boris Pistorius, Bộ trưởng Quốc phòng Đức có chuyến công du tới Philippines – chuyến thăm đầu tiên của một Bộ trưởng Quốc phòng Đức đến Philippines. Trong chuyến thăm quan trọng diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, bộ trưởng Quốc phòng Đức và người đồng cấp Philippines, ông Gilberto Teodoro, đã nhất trí hoàn tất ngay trong năm nay việc mở rộng Thỏa thuận hợp tác quốc phòng đã có giữa hai nước từ năm 1974, sang các lĩnh vực mới. Thỏa thuận này trước đây tập trung vào việc Đức đào tạo, huấn luyện sỹ quan cho Lực lượng vũ trang Philippines. Để đạt mục tiêu thắt chặt hợp tác, hai bên cam kết thiết lập mối quan hệ lâu dài giữa các lực lượng vũ trang và đặc biệt thúc đẩy hợp tác đào tạo, trao đổi song phương; khai thác cơ hội tham gia các dự án chung cũng như khả năng hợp tác về vũ khí.

Chuyến công du của ông Boris Pistorius là một sự kiện quốc phòng song phương của Đức – một cường quốc phương Tây, và là một trong những thành viên quan trọng nhất của Nato – và Philippines – quốc gia đồng minh của Mỹ tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, những nhà quan sát quốc tế không nhìn nhận vấn đề một cách đơn giản và riêng lẻ, mà đặt và phân tích nó trong chuỗi các sự kiện liên tiếp vừa qua.

Thứ nhất, chỉ trước đó 3 ngày, một sự kiện đáng chú ý đã xảy ra tại thủ đô Manila. Đó là sự hiện diện của hai quan chức quan trọng hàng đầu Mỹ: ngoại trưởng Antony Blinken và bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin. Ông Blinken và ông Austin tới Philippines để làm gì? Để hội đàm với những người đồng cấp Philippines là ngoại trưởng Enrique Manalo và bộ trưởng Quốc phòng Gilberto Teodoro vào ngày 30/7.

Một cuộc hội đàm theo hình thức “2+2” như trên, tại một thời điểm nhạy cảm khi căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines tại khu vực bãi cạn Cỏ Mây chỉ vừa hạ nhiệt được ít lâu, không thể không mang ý nghĩa biểu tượng nào đó.

Mọi sự trở nên rõ ràng khi, cùng với cam kết tài trợ 500 triệu USD cho quân đội và lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines, và đề xuất tài trợ thêm 128 triệu USD để cải thiện cơ sở hạ tầng tại các căn cứ của Philippines mà quân đội Mỹ có thể tiếp cận, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Austin đưa ra tuyên bố nhấn mạnh rằng: “Mức tài trợ này là chưa từng có và gửi đi thông điệp rõ ràng về sự hỗ trợ dành cho Philippines (đồng minh của Mỹ tại Đông Nam Á) từ chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden-Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, quốc hội Mỹ và người dân Mỹ”.

Thứ hai, ngày 02/08/2024, Philippines và Nhật Bản đã tiến hành cuộc tập trận chung đầu tiên ở Biển Đông. Nhật Bản đã điều khu trục hạm JS Sazanami tham dự. Cho dù cuộc tập trận được thông báo là nhằm “thử nghiệm hệ thống liên lạc và thực hiện các thao tác chiến thuật ở Biển Đông, gần với bờ biển Philippines”, thì giới quan sát vẫn khẳng định: mục tiêu chính của nó là củng cố mối quan hệ hợp tác đối phó với Trung Quốc của hai quốc gia châu Á cùng là đồng minh của Mỹ.

Phân tích trên của giới quan sát quả là thuyết phục. Bởi Tokyo đã và đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, còn Philippines cùng một số quốc gia khác trong khu vực phản đối yêu sách “đường 9 đoạn” chiếm tới gần 90% Biển Đông của Trung Quốc.

Trong khi hai sự việc trên còn nóng hổi, chỉ 2 ngày sau, lại thêm chuyện Đức và Philippines công khai việc thúc đẩy và tăng cường hợp tác quốc phòng.

Công bằng mà nói, câu chuyện Đức và Philippines nhất trí thúc đẩy hợp tác quốc phòng không phải tới thời điểm này mới có. Đức tham gia huấn luyện quân đội Philippines từ năm 1974 và là đối tác quốc phòng lâu đời thứ hai của nước này. Quan hệ đó không nồng lên hay nhạt đi trong nhiều chục năm qua, tới đầu năm nay, được hâm nóng. Cụ thể, tổng thống Philippines Ferdinand Marcos, trong chuyến thăm Đức hồi tháng 3, đã đạt được những thỏa thuận có có ý nghĩa dọn đường cho việc tăng cường, mở rộng hợp tác quốc phòng với đối tác phương Tây này, đặc biệt trong lĩnh vực hàng hải và mạng. Giới quan sát bình luận, là một cường quốc quân sự, Đức hoàn toàn có thể thành đối tác tiềm năng đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa quân đội, tăng cường khả năng phòng thủ của quốc gia Đông Nam Á – điều mà Manila đang rất cần và ưu tiên – để đối phó với những gây hấn ngày một dày hơn của Trung Quốc.

Như vậy là, với việc hai bên Philippines và Đức thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng một cách lâu dài, chỉ trong chưa đầy một tuần, Philippines nếu không coi như “thêm bạn”, thì cũng đã thực hiện các động thái hắt chặt thêm quan hệ với hai đồng minh lớn của Mỹ là Nhật và Đức.

Điều đó có ý nghĩa gì? Nó có ý nghĩa rằng: trong câu chuyện Biển Đông nóng bỏng và diễn biến ngày một phức tạp, Trung Quốc đang ngày một thêm chứ không “bớt được “thù”. Cái sự “thêm” đầy bất lợi đó cho thấy, mục tiêu hiện thực hóa “đường 9 đoạn” để độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, siêu cường thứ hai thế giới, còn lâu mới có thể đạt được.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới