Vào ngày 5/3/2024, ông Lý Cường đọc báo cáo công tác chính phủ đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình tại cuộc họp Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc. Trong báo cáo, ông Lý nhắc đến ông Tập Cận Bình 16 lần và nhấn mạnh “an ninh” 29 lần. Ông Lý Cường không ngần ngại nhấn mạnh rằng những thành tựu đạt được trong năm qua cơ bản là nhờ sự lãnh đạo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tập Cận Bình.
Vào ngày 6/3, tạp chí Nikkei Asian Review phân tích, so với báo cáo công tác của chính phủ trong Lưỡng hội của năm ngoái, ông Lý Cường trong báo cáo năm nay đã đề cập đến “An ninh” 29 lần, nhưng báo cáo năm nay là ngắn hơn năm ngoái xét theo độ dài. Từ “an ninh” này xuất hiện nhiều nhất trong báo cáo năm nay. Ngoài ra, từ “rủi ro” trong báo cáo năm nay xuất hiện tổng cộng 24 lần, nhiều hơn lần trước. Tờ Nikkei cho rằng, điều này phản ánh sự lo lắng và bất mãn ngày càng gia tăng của người dân Trung Quốc. Sở dĩ các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc nhấn mạnh đến an ninh cũng là ám thị lập trường phải dập tắt tình trạng bất ổn xã hội càng sớm càng tốt.
Ông Lý Cường, trong báo cáo công tác của chính phủ năm nay cũng lần đầu tiên đề cập về việc thực hiện toàn diện và sâu sắc hệ thống trách nhiệm của Chủ tịch Quân ủy. Điều này cho thấy báo cáo của Quốc hội Trung Quốc càng khẳng định mọi quyết định quân sự hay hoạt động quân sự quan trọng đều do Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình quyết định. Chế độ trách nhiệm của Chủ tịch Quân ủy chính là chế độ trách nhiệm của người đứng đầu. Điều này phải rõ ràng, không thể nghi ngờ.
Hệ thống trách nhiệm của Chủ tịch Quân ủy Trung ương đã được ghi vào báo cáo công tác của chính phủ Trung Quốc. Điều này cho thấy ông Tập đã quyết định toàn diện đường hướng phát triển của quân đội Trung Quốc. Đó chính là hệ thống trách nhiệm của ông Tập Cận Bình. Trước đây, giữa Bộ Tổng Tham mưu Giải phóng quân có những kênh liên lạc nhất định với Chủ tịch Quân ủy Trung ương và đôi bên cũng có trình tự trao đổi thông tin với nhau. Tuy nhiên, hiện tại đã có quá nhiều chuyện xảy ra và cũng không thấy ai chịu trách nhiệm cả.
Trong báo cáo lần này của Thủ tướng Lý Cường, một vấn đề khác thu hút sự chú ý của ngoại giới là Đài Loan. Trong báo cáo công tác chính phủ, ông Lý Cường tái khẳng định mục tiêu thống nhất về Đài Loan, nhấn mạnh rằng quá trình này phải được thực hiện một cách vững chắc. Tuy nhiên, cụm từ “thống nhất hòa bình đảo Đài Loan” đã bị loại bỏ. Điều đó có thể là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ thể hiện lập trường cứng rắn hơn nữa với vấn đề Đài Loan trong thời gian tới.
Báo cáo năm nay có vẻ như đã cho thấy Trung Quốc quyết tâm theo đuổi quan điểm cứng rắn. Ngay cả những từ ngữ nhẹ nhàng trước đây vẫn thường được nói như là “hai bên eo biển cùng chung huyết thống, cùng nhau quảng bá văn hóa Trung Hoa” giờ cũng không thấy tăm hơi đâu nữa. Còn nhớ, tại cuộc họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc và cơ quan Cố vấn Chính trị hàng đầu của họ vào tháng 3 năm ngoái, ông Tập Cận Bình nói rằng ông đang chuẩn bị cho chiến tranh.
Ông Tập đã lồng ghép chủ đề sẵn sàng tham chiến vào bốn bài phát biểu. Thậm chí, trong một bài phát biểu, ông còn nói với các tướng lĩnh rằng hãy dám đánh. Chính phủ của ông cũng vừa tuyên bố tăng 7,2% ngân sách quốc phòng, vốn đã tăng gấp đôi trong thập niên vừa qua. Bắc Kinh còn tiết lộ các luật mới về quân sự, các hầm trú ẩn phòng không mới ở các thành phố nằm dọc eo biển Đài Loan và các văn phòng huy động quốc phòng mới trên toàn quốc.
Ông Lý Triết Toàn, nhà nghiên cứu tại Viện An ninh Quốc gia thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia Đài Loan, nói rằng, thay đổi lớn nhất ở cả hai bờ eo biển Đài Loan trong năm nay là việc ông Lại Thanh Đức đắc cử trở thành Tổng thống Đài Loan.
Trước đây, Văn phòng Sự vụ Đài Loan của chính phủ Trung Quốc, cơ quan chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến Đài Loan, đã liệt ông Lại Thanh Đức và bà Tiêu Mỹ Cầm là hai phần tử ly khai, thành ra bây giờ, nếu nhắc đến hòa bình và thống nhất thì sẽ bị coi là quá mềm mỏng.
Mặc dù ông Lý Cường không viết rõ từ “thống nhất hòa bình” vào các báo cáo trước đó trong báo cáo của mình, nhưng khi ông Tập tham dự cuộc họp theo nhóm của Hội nghị hiệp thương chính trị Nhân dân Trung Quốc vào ngày 6/3, ông đã đề cập đến nội dung hai bờ eo biển và tuyên bố phải tăng cường lực lượng chống ly khai và thúc đẩy việc thống nhất, cùng nhau thúc đẩy tiến trình “thống nhất hòa bình” của Trung Quốc…
Ngày 7/3/2024, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng phát biểu tại cuộc họp báo về các vấn đề ngoại giao của Quốc hội. Khi đề cập đến vấn đề hai bờ eo biển, ông này cũng nói cần phải ra sức hoàn thành việc thống nhất hòa bình.
Ngày 5/3/2024, ông Hoàng Thủ Hoành, trưởng nhóm soạn thảo báo cáo công tác của chính phủ Trung Quốc tiết lộ rằng, điểm mới quan trọng nhất trong báo cáo công tác của Chính phủ năm nay là thực hiện toàn diện việc ra quyết định và triển khai của Ban chấp hành Trung ương Đảng, lấy lãnh đạo Tập Cận Bình làm hạt nhân. Ngoại giới suy đoán rằng báo cáo chính phủ do ông Lý Cường soạn thảo đã được đích thân ông Tập xem xét và phê duyệt, cũng chính là thay mặt ông Tập. Tuy nhiên, Thủ tướng Lý Cường hoàn toàn lại không có tiếng nói gì, ông chỉ đọc báo cáo mà thôi.
Vào ngày 7/3/2024, Giám đốc Khoa Ngoại giao và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Đạm Giang, ông Trịnh Khâm Mô đã chia sẻ với thời báo Epoch Times rằng, Trung Quốc về cơ bản là “thấy người thì nói chuyện người, gặp ma thì nói chuyện ma”. Những lời phát biểu về đối nội, đối ngoại thường khác nhau. Vì vậy, dù là báo cáo bằng văn bản của ông Lý Cường hay là biểu đạt bằng miệng của ông Tập, cũng không cần quá coi trọng nó. Ông Trịnh chỉ ra rằng Bắc Kinh đã sử dụng các cuộc tấn công dân sự và quân sự vào Đài Loan trước cuộc bầu cử ở Đài Loan với hy vọng rằng người dân Đài Loan sẽ không chọn một đảng chính trị thiên về ủng hộ chủ quyền và độc lập của hòn đảo. Nhưng nó đã phản tác dụng, vì vậy họ đang thực hiện những động tác nhỏ bằng việc đưa ra các từ “thống nhất” tại phiên họp lưỡng hội lần này.
Mặt khác, trong thời gian đó, Bắc Kinh hầu như ngày nào cũng điều động máy bay quân sự xâm phạm vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Họ cũng đã điều động các khinh khí cầu trinh sát trên không bay qua tuyến trung tâm của eo biển Đài Loan, đồng thời điều động các tàu nghiên cứu khoa học hoặc tàu thương mại đến quấy rối vùng biển xung quanh Đài Loan.
Nói tóm lại, Bắc Kinh chưa bao giờ ngừng để mắt tới Đài Loan. Một trong những biểu hiện mới nhất dường như biểu lộ rõ tâm tư của ông Tập Cận Bình là ngân sách quân sự của Trung Quốc năm nay xấp xỉ 1,67.000 tỷ NDT. Vào thời điểm nền kinh tế Trung Quốc đang tiếp tục suy thoái, chi tiêu quốc phòng của họ vẫn duy trì mức tăng hàng năm là 7,2%, đây cũng là con số cao nhất kể từ khi ông Tập Cận Bình nhậm chức cho đến giờ.
Vào ngày 6/3, một học giả luật sống ở Úc là ông Viên Hồng Băng đã nói với tờ Epoch Times rằng, cái gọi là mức tăng chi tiêu quân sự 7% của Bắc Kinh chỉ là câu chữ bề mặt mà thôi. Chi tiêu quân sự thực tế ít nhất phải gấp đôi con số mà chính quyền tuyên bố.
Theo ông Viên Hồng Băng, ông Tập hiện đã biến toàn bộ nền kinh tế và hệ thống Trung Quốc thành một quốc gia quân phiệt và hiếu chiến; một trong những mục đích cơ bản của ông là phát động chiến tranh qua eo biển Đài Loan. Ông Tập đã chuẩn bị đầy đủ để phát động chiến tranh ở eo biển Đài Loan và sẽ bắt đầu quá trình chiến tranh sau khi cuộc bầu cử Mỹ kết thúc vào cuối năm nay. Mọi việc ông ấy làm bây giờ đều xoay quanh chiến lược này.
Ông Viên Hồng Băng cũng cho rằng, dù nền kinh tế Trung Quốc có lạc hậu đến đâu hay tình hình nguy cấp đến đâu ông Tập cũng sẽ không quan tâm. Ông ta nhất định phải đưa năng lượng kinh tế cơ bản vào việc chuẩn bị cho chiến tranh. Ông Lý Cường nhấn mạnh rất rõ ràng rằng, chính quyền các cấp của Trung Quốc phải hỗ trợ xây dựng quốc phòng, hỗ trợ xây dựng quân sự, tăng cường hội nhập quân sự dân sự và phải sử dụng sức mạnh của cả nước, sẵn sàng trong một cuộc chiến tranh tổng lực với Mỹ ngay trước cửa nhà.
Ông Viên cũng tiết lộ tin tức rằng, theo nguồn tin của những người trong thể chế, các thiết bị cơ bản của hai tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, ví như động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân và máy phóng điện từ, thực tế là đã được chế tạo xong nên quá trình xây dựng sẽ rất nhanh. Hết thảy điều này cho thấy ông Tập Cận Bình – nhà lãnh đạo của Trung Quốc, đang chuẩn bị cho một cuộc chiến.
T.P