Tư lệnh Bộ Tư lệnh Chiến lược Hoa Kỳ gần đây đã tiết lộ trước Quốc hội rằng, quân đội Trung Quốc đang phát triển một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) di động mới như một phần của kho vũ khí hạt nhân quy mô lớn của nước này. Theo tờ Washington Times, tại phiên điều trần kín của Ủy ban Quân vụ Thượng viện ngày 29/2, tướng Anthony Cotton, người tiếp quản Bộ Tự lệnh Chiến lược vào tháng 12 năm ngoái đã tiết lộ trong lời chứng rằng, lực lượng tên lửa Trung Quốc đang nghiên cứu phát triển một thế hệ tên lửa đạn đạo liên lục địa mới. Trung Quốc hiện sở hữu nhiều bệ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa hơn cả Hoa Kỳ.

Vị tư lệnh lực lượng hạt nhân bốn sao này mô tả việc Trung Quốc triển khai tên lửa hạt nhân chiến lược, máy bay ném bom và tàu ngầm với tốc độ mau chóng là cực kỳ đáng lo ngại. Tiết lộ này được đưa ra khi Chính phủ Mỹ đang nỗ lực hiện đại hóa lực lượng hạt nhân già nua của mình, bao gồm 400 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III sắp hết vòng đời.
Lực lượng Không quân Hoa Kỳ đã thông báo cho Quốc hội vào tháng 1 năm nay rằng, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa LGM-35A Sentinel được phát triển để thay thế tên lửa cũ phải đối mặt với chi phí vượt mức và việc triển khai vũ khí này có thể sẽ bị trì hoãn 2 năm. Lầu Năm Góc có kế hoạch mua 650 quả tên lửa Sentinel, Hoa Kỳ không có tên lửa cơ động trên đường bộ hoặc đường sắt. Trước đây đã từ chối thiết lập các căn cứ di động cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Ngược lại, Trung Quốc có nhiều loại tên lửa di động, bao gồm hai loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cơ động trên đường bộ và tên lửa tầm trung cơ động, cũng như tên lửa tầm ngắn cơ động gắn trên bệ phóng được gắn trên xe tải.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa cơ động khiến khả năng về một cuộc tấn công hạt nhân của Hoa Kỳ trở nên khó khăn hơn vì vũ khí này dễ dàng được che giấu và khó theo dõi. Về vũ khí hạt nhân, kế hoạch của Trung Quốc nhằm mục đích tăng cường răn đe chiến lược và đẩy nhanh việc thành lập lực lượng hạt nhân cấp cao. Trong phiên điều trần của ủy ban, tướng Cotton đã mô tả sự phát triển vũ khí hạt nhân trên đất liền, trên biển và trong không gian của Trung Quốc rằng: “Như người tiền nhiệm của tôi đã nói, những đột phá và tiến bộ mà chúng tôi đã thấy cũng như tốc độ sáng tạo nhanh chóng mà chúng ta đang thấy ở Trung Quốc thật đáng lo ngại”.
Deb Fischer, đảng viên Đảng Cộng hòa của tiểu bang Nebraska và là thành viên của Tiểu ban Lực lượng Chiến lược Quân sự Thượng viện cho biết: “Việc mở rộng hạt nhân của Trung Quốc là một vấn đề lớn. Trung Quốc đang hiện đại hóa lực lượng hạt nhân của mình với tốc độ cực nhanh và họ đã vượt qua Hoa Kỳ trong việc sản xuất vũ khí mới và hệ thống phân phối mới. Đây là những cảnh báo muộn màng rằng, Quốc hội phải cam kết đổi mới lực lượng hạt nhân của chúng ta, trong đó bao gồm đầu tư vào lực lượng lao động, áp dụng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng và khôi phục khả năng sản xuất của chúng ta”.
Hiện tại, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tiên tiến nhất được biết đến của Trung Quốc là tên lửa Đông Phong-41, một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cơ động trên đường bộ có thể mang ít nhất ba đầu đạn phương tiện tái nhập khí quyển nhắm mục tiêu độc lập MIRV. Chuyên gia về các vấn đề quân sự Trung Quốc, ông Rick Fisher cho biết: “Ngay từ ngày 8/8/2020, thông tin về tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cơ động mới thay thế Đông Phong-41 đã được đề cập trên blog của quân đội Trung Quốc. Đôi khi nó được gọi là Đông Phong-45 hoặc Đông Phong-51 và nó rõ ràng được chế tạo để vượt qua Đông Phong-41”.
Tên lửa Đông Phong-45 có trọng lượng cất cánh là 112 tấn, trọng tải là 3,6 tấn và được trang bị 7 đầu đạn 650 kiloton. Tên lửa mới có thể vươn tới mục tiêu ở khoảng cách hơn 15.000 km, tên lửa này có thể tiếp cận các mục tiêu của Mỹ ở bờ biển phía đông. Ông Fisher cho biết: “Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa này không lớn hơn Đông Phong-41 là bao và cũng không có phiên bản di động trên đường.
Có thông tin cho rằng, Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC), nhà thầu tên lửa chính cho quân đội Trung Quốc, đang nghiên cứu chế tạo tên lửa đẩy nhiên liệu rắn lớn hơn. Tên lửa đạn đạo liên lục địa thời kỳ đầu của Trung Quốc sử dụng nhiên liệu lỏng và cần thời gian chuẩn bị lâu hơn để phóng. Tên lửa Đông Phong-41 và Đông Phong-45 sử dụng nhiên liệu rắn”.
Các nhà phê bình cho rằng Chính quyền Biden đã không làm gì để đáp lại bước đột phá về năng lực vũ khí hạt nhân của Trung Quốc mà thay vào đó đang cố gắng lôi kéo Bắc Kinh vào các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn từ chối tổ chức các cuộc đàm phán vũ khí hạt nhân chiến lược thực chất, một phần vì kho vũ khí hạt nhân của nước này nhỏ hơn nhiều so với Mỹ và Nga.
Các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã phát hiện hoạt động mở rộng hạt nhân quy mô lớn của Trung Quốc ở khu vực phía tây, mấy năm trước đã phát hiện rằng ba địa điểm phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa quy mô lớn đang được xây dựng ở đó. Lầu Năm Góc cho biết các hầm chứa này hiện đã chứa hơn 300 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phóng từ mặt đất. Những tên lửa này là phiên bản hầm chứa của tên lửa di động đường bộ Đông Phong-31 hiện nay. Tên lửa Đông Phong-41 và tên lửa di động thế hệ tiếp theo cũng có thể được triển khai ở miền Tây Trung Quốc.
Trong báo cáo do Ủy ban Tư thế Chiến lược của Quốc hội Hoa Kỳ công bố vào tháng 10 năm ngoái, không có đề cập đến việc Trung Quốc đang chuẩn bị tên lửa đạn đạo xuyên lục địa di động mới. Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý rằng, Trung Quốc đang xây dựng lực lượng hạt nhân của mình với quy mô và tốc độ chưa từng có kể từ cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô vào cuối những năm 1980, đồng thời cho biết thêm rằng đầu đạn được triển khai dự kiến sẽ ngang bằng với Mỹ vào giữa những năm 2030.
Ông Decker Everett, sinh viên tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury tại Monterey, bang California, cho biết trong một báo cáo gần đây rằng chiến lược hạt nhân của Trung Quốc nhấn mạnh vào khả năng sống sót hơn là dữ liệu thô. Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa di động có khả năng né đòn tấn công, đồng thời ngụy trang hầm chứa tên lửa đạn đạo Đông Phong-5 hiện có bằng thảm thực vật. Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa di động duy trì trạng thái cảnh giác thấp trong thời bình với đầu đạn và tên lửa được cất giữ riêng biệt.
Trong một cuộc khủng hoảng, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ phân tán các lực lượng này vào các cơ sở ngầm ẩn dấu ở vùng nông thôn miền núi, nơi họ có thể chống chọi lại các cuộc tấn công. Nếu các nhà lãnh đạo chính trị ra lệnh phóng, các bệ phóng tên lửa từ các cơ sở dưới lòng đất sẽ được phân tán đến các điểm phóng đã được khảo sát trước và tiến hành trả đũa. Ông Everett viết rằng: “Sự gia tăng đáng kể về năng lực tên lửa, dù là tên lửa có khả năng vươn tới Hoa Kỳ hay là tên lửa mang lại cho Trung Quốc những khả năng mới trong các cuộc chiến tranh khu vực, đều có tác động nghiêm trọng đến sự cân bằng chiến lược ở Đông Á và tương lai của khu vực này”.
Rõ ràng, Trung Quốc tiếp tục và nhanh chóng hiện đại hóa, đa dạng hóa và gia tăng khả năng hạt nhân. Hơn nữa, vũ khí hủy diệt hàng loạt của Trung Quốc ngày nay có quy mô, tinh vi và phức tạp hơn nhiều so với một thập niên trước. Trong khi Bắc Kinh gửi đi những thông điệp ngầm về một cuộc chiến với Đài Loan, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh đến hàng rào bảo vệ và các biện pháp khác để làm chậm lại sự xấu đi của quan hệ Mỹ – Trung. Tuy nhiên, rõ ràng là Bắc Kinh lại đang chuẩn bị cho một kỷ nguyên mới đối đầu hơn.
Với mục tiêu tập trung vào việc kìm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc ở Châu Á – Thái Bình Dương và nguy cơ an ninh từ Nga ở châu Âu, quân đội Mỹ hiện có ít nhất năm máy bay quân sự bí mật cho phép Washington đạt được mục tiêu kiềm chế đối thủ. Các chương trình này bao gồm từ máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không thế hệ tiếp theo, máy bay không người lái sử dụng công nghệ Trí Tuệ Nhân Tạo (AI) cho đến máy bay tấn công không người lái siêu thanh. Cùng với sự phát triển của các hệ thống radar cảnh giới và phòng không tiên tiến, không quân Mỹ tin rằng ngay cả chiếc tiêm kích tàng hình F22 Raptor mạnh nhất cũng không còn đủ khả năng sống sót trước một kẻ thù ngang hàng với Washington.
Xuất phát từ lý do đó, Mỹ cần một loạt máy bay chiến đấu tấn công và phòng thủ mới để tiếp tục thống trị bầu trời trước nhiều loại máy bay chiến đấu và máy bay ném bom tàng hình mới đang được Nga và Trung Quốc hối hả phát triển. Để đối phó với mối đe dọa kép từ hệ thống phòng không và máy bay chiến đấu ngày càng mạnh mẽ của kẻ thù, Mỹ hiện có hai chương trình máy bay ném bom tàng hình khác nhau nhưng có cùng nền tảng phát triển ban đầu. Bên cạnh đó là hai chương trình máy bay chiến đấu tàng hình có mối liên hệ tương tự.
T.P